Có những món ăn vượt thời gian, dù có bao năm qua đi vẫn tồn tại như sợi dây nhỏ nhưng mãnh liệt nối liền thế hệ.
Bánh tráng trộn
Món ăn này có thể coi là “bá vương học đường”, đứng đầu danh sách các món ăn vặt cả về độ phong phú lẫn lượt tiêu thụ, đặc biệt là ở Sài Gòn và khu vực lân cận. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng vậy, bánh tráng trộn hấp dẫn cả học sinh, sinh viên và một lượng không nhỏ những người đã đi làm.
Không cần rao bán, không cần mặt bằng rộng rãi, những gánh hàng nhỏ trên vai các dì, các chị đem cả trời kỷ niệm theo những bịch bánh tráng trộn. Người lớn khi xưa hay mắng trẻ con toàn ăn những thứ “linh tinh, bổ béo gì bánh tráng”. Nhưng có ăn rồi mới biết và cảm nhận sức hút lạ kỳ của loại thực phẩm rẻ tiền này. Dù cay xé lưỡi, nóng dễ nổi mụn nhưng bánh tráng trộn vẫn hút hàng.
Bên cạnh bánh tráng trộn truyền thống còn có bánh tráng cuốn cũng đang được ưa thích. Miếng bánh tráng dai dai quyện chung đủ mùi đủ vị tạo thành hương riêng không món nào có được.
Bánh tráng trộn - món ăn thời 8x - vừa bùi đậu phộng, vừa thơm rau răm, vừa dậy mùi tắc, vừa béo trứng cút, vừa dai ngọt mực, cá khô, vừa chua chua xoài… không thể diễn tả bằng lời. Chỉ có thể khẳng định rằng, hầu hết người đã ăn bánh tráng trộn đều là những con nghiện lâu năm, không cách nào dứt ra được. Lắm người chỉ ngửi thấy mùi thôi, à không, chỉ cần nghe đến tên món ăn thôi, là đã không cầm lòng được.
Bánh tráng dai mềm trộn chung với muối tôm, sa tế, rau răm, tắc (quất). Sau này có các phiên bản thêm cả đậu phộng, bò khô, tôm khô, trứng cút, xoài, mực khô…(Ảnh internet).
Nhớ lắm những tháng ngày ngồi trong lớp học mà lòng cứ tơ tưởng về mùi tắc (quất), mùi muối tôm, sa tế và rau răm rồi ứa nước miếng không thể tập trung. Để rồi sau đó, giờ ra chơi không kịp gấp sách chạy vội ra dì bán bánh tráng đua chen để được xé xé, dứt dứt trộn trộn, vừa làm thật nhanh vừa nuốt nước miếng ừng ực.
Hay có khi trong lớp học có đứa không làm sao hãm sự sung sướng lại và lén lút dấm dúi dưới gầm bàn đút miếng bánh tráng trộn vào miệng thì trăm phần trăm bị phát hiện. Cái mùi hấp dẫn ấy không chỉ làm những đứa khác muốn điên lên vì thèm mà còn ít nhiều làm phân tán sự tập trung của thầy cô giáo.
Bánh tráng trộn, thời nào cũng thế, vẫn giữ sự giản dị, gần gũi và nhiều yêu thương (Ảnh internet).
Bánh tráng trộn cũng gắn liền với kỷ niệm đội mưa đội nắng lang thang đi tìm dì bán hàng rong để thỏa cơn thèm khát, là những lần trêu đùa thằng bạn cùnglớp đang lén lút ngồi gắp gắp nhai nhai bánh tráng trộn ở ven đường, là tình cảm trong sáng tuổi thơ làm hòa nhau bằng bịch bánh tráng trộn, là những lần thoăn thoắt tranh giành từng hạt đậu phộng, từng miếng bò khô bé xíu xiu của nhóm bạn thân.
Kẹo bông (kẹo bông gòn)
Cho đến ngày nay, kẹo bông - món ăn thời 8x - vẫn xuất hiện ven đường, cổng trường, ở các khu vui chơi thu hút cặp mắt háo hức của những đứa trẻ còn tin rằng ngày nào đó được chơi đùa trên mây và gợi nhắc những “đứa trẻ lớn” về ngày ngây thơ xưa cũ.
Kẹo bông là thứ quà vặt được trẻ con yêu thích phần nhiều vì hình dáng bồng bềnh như mây (Ảnh internet).
Ăn kẹo bông, thích được nhìn chính tay người bán quấn quấn từng sợi tơ mỏng manh thoăn thoắt như trong tích tắc cắt đám mây nhỏ lúc màu hồng, khi màu xanh đặt vào tay. Cầm kẹo mà như cầm “cân đẩu vân” của riêng mình.
Sau đó, thỏa thích ăn “mây” theo cách riêng. Lúc vui thì ụp mặt vào kẹo cười khanh khách dù đường dính khắp mặt. Lúc đi cùng bố mẹ lại hiền lành ăn từng miếng gọn ghẽ. Khi hứng lên cho cả bàn tay cào “mây” và viên viên lại thành cục đường chút xíu xiu rồi mới chịu nhấm nháp. Đi cùng bạn bè mà ăn kẹo bông thì dù có muốn cũng không làm sao cấm đứa bên cạnh thỉnh thoảng “nhón” miếng bởi không thể ngậm cả cái kẹo bông trong miệng, không thể giấu nó trong lòng bàn tay. Đứa này thử tí kẹo của đứa kia rồi lại chạy đuổi nhau để “giành lại sự công bằng” mà cứ phải căn cơ vì kẹo bông nhẹ lắm, chạy nhanh chút là… bay mất, sẽ khiến trẻ ngơ ngác nhìn tiếc ngẩn ngơ.
Kẹo bông gòn xanh xanh, hồng hồng, trắng trắng vì thế trở thành mảng màu rất đẹp và bình yên trong tuổi thơ mỗi người (Ảnh internet).
Tận hưởng vị ngọt mát của đường lan qua đầu lưỡi, mùi thơm nhẹ nhàng và màu sắc tươi tắn của kẹo bông gòn là thú vui lành mạnh và ngây thơ nhất. Trẻ con thời nào cũng đầy mơ ước, cũng nhiều tưởng tượng nên kẹo bông gòn cũng cứ còn mãi mời gọi.
Tàu hũ (tào phớ, đậu hũ)
Tàu hũ hay còn gọi là tào phớ, đậu hũ tùy theo miền Bắc, Trung hay Nam. Tàu hũ cũng chinh phục trẻ con bắt đầu từ những ghánh hàng len trong xóm, ngang qua nhà và quà mẹ mua mỗi lần chợ về nên món ăn này đầy sự mong ngóng.
Tàu hũ mỗi miền có phiên bản riêng miền Bắc có hương hoa nhài, hoa bưởi, miền Trung có gừng tươi xắt sợi, miền Nam lại thêm cả bột lọc, nước cốt dừa… nhưng đều là món giải nhiệt hiệu quả (Ảnh internet).
Từng miếng tàu hũ trắng mịn màng tan nhanh trong miệng để lại dư vị beo béo trong cổ họng luôn khiến người ta nhớ trưa hè nắng bỏng. Đứa trẻ nào háu ăn chỉ cần húp một phát là hết ly, thưởng thức một lần đủ cả cái thanh của tàu hũ, vị béo thơm nước cốt dừa hòa chung nước đường vàng ngọt đậm, đứa thỏ thẻ thì nhâm nhi từng tí mà còn tiếc mãi vị ngọt nước đường vướng vất mùi gừng và lưu luyến bánh lọt nhỏ dai.
Để rồi sau đó trong giấc mơ trưa lũ trẻ còn nhóp nhép tưởng miệng vẫn đang thơm hoa nhài, hoa bưởi, gừng tươi đầy thanh tao của tàu hũ.
Thời gian trôi, người ta lớn lên, tàu hũ - món ăn thời 8x - cũng có những biến tấu khác nhau, có thêm trong đó cả thạch, đá, hột é… nhưng không hề bị mất đi.
Tàu hũ không chỉ hợp với con trẻ mà còn là món ăn vặt của chị em, của những cụ già móm mém (Ảnh internet).
Tàu hũ giống như một người bạn giản dị, kiên trì nương theo thời gian mà tồn tại. Có buổi nào đó nếu bạn đang nằm lim dim mà vô tình lắng nghe tiếng rao: “Phớ đây” hay “tàu hủ đây” vang vọng lúc xa lúc gần thì đó không phải là mơ đâu nhé.