Mâm cỗ cúng Táo quân không cần quá cầu kỳ, tùy vào điều kiện của gia chủ mà thực hiện. Tuy nhiên, có một số món ăn không nên cúng trong ngày này, mọi người có thể lưu ý.
Từ xa xưa người Việt đã có quan niệm ba vị Táo quân là người định đoạt phước đức cho gia đình. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân, các thần Táo sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.
Chính vì thế, vừa để "lấy lòng" vừa để tiễn các vị thần Táo về trời, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị cơm cúng ông Táo cùng các lễ vật một cách đầy đủ. Thực tế, mâm cỗ cúng Táo quân không cần quá cầu kỳ, tùy vào điều kiện của gia chủ mà thực hiện. Tuy nhiên, có một số món ăn không nên cúng trong ngày này, mọi người có thể lưu ý.
1. Cá rán
Cá rán là món ăn ngon, hấp dẫn, thịt ngọt, chấm với nước mắm chua ngọt thì chẳng còn gì bằng. Cá rán có thể cúng được vào các ngày lễ khác tuy nhiên vào dịp ông Công ông Táo, chuyên gia phong thủy lại khuyên không nên cúng.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, "Tuyệt đối không nên cúng cá rán trong mâm cỗ cúng Táo quân bởi cá chép cúng để phóng sinh rước các Táo về. Nếu cúng cá rán sẽ mâu thuẫn về phong tục cổ truyền".
Còn theo Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, “Lễ mặn khi cúng Táo Quân phải có cá sống. Việc cúng cá rán sẽ không vi phạm nhưng không đúng mới mẫu gốc của phong tục".
Do đó, dù thích món cá rán bạn cũng nên tránh cúng vào Tết ông Công ông Táo nhé!
2. Thịt chó
Thịt chó là món ăn được nhiều người thích tuy nhiên lại là món không nên bày lên mâm cỗ cúng, kể cả cỗ cúng ông Công ông Táo. Theo quan niệm dân gian, thịt chó là món ăn tượng trưng cho sự xui xẻo nếu ăn vào dịp Tết hoặc đầu các tháng âm lịch.
Không chỉ thế, thịt chó rất nặng mùi lại kết hợp ăn cùng mắm tôm, riềng, mẻ... những loại mùi này sẽ làm ảnh hưởng tới nơi thờ cúng thanh tịnh, nghiêm trang của gia đình.
3. Thịt vịt
Tương tự như thịt chó, theo dân gian, thịt vịt là biểu tượng cho sự đen đủi trong những ngày đầu năm mới. Thường đầu năm hoặc đầu tháng, mọi người hay kiêng sử dụng món ăn này trong bữa ăn của gia đình mình. Nhưng cuối tháng người ta lại hay ăn thịt vịt để giải đen. Chính vì thế, thịt vịt cũng được khuyên không nên cúng trong dịp ông Công ông Táo.
Ngoài ra, các món như thịt chim, thịt trâu, trứng vịt lộn... cũng được các chuyên gia phong thủy khuyên không nên cúng ông Táo. Những món này thực sự ngon nhưng có ý nghĩa không mang lại may mắn khi cúng.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà còn chia sẻ thêm, ngay trước khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ (cụ thể là người cúng) cũng không được ăn cá chép, ăn tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt ba ba, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt... Tất nhiên là sẽ không được ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép... có mùi hôi mùi tanh làm ảnh hưởng đến không khí trang trọng của lễ cúng.
4. Không cúng hoa quả giả
Nên chọn hoa quả tươi ngon, theo mùa để bày lên mâm ngũ quả cúng ông Táo. Lưu ý không được cúng hoa quả giả vì làm vậy không thể hiện được tấm lòng thành tâm của gia chủ.
Ngoài ra, một số quả có gai sắc nhọn và nặng mùi như sầu riêng, mít cũng không nên bày lên ban thờ để cúng.
Những món nên cúng trong ngày ông Táo
Như đã nói, mâm cỗ cúng ông Táo không cần quá cầu kỳ, chỉ cần sự thành tâm của gia chủ là được. Trên mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống thường có:
- 1 con gà trống luộc nguyên con, chéo cánh ngậm hoa (có thể thay thế bằng đĩa thịt lợn luộc nguyên miếng).
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa giò
- 1 cái bánh chưng đã bóc vỏ
- 1 bát canh măng (hoặc bát canh khác theo từng địa phương)
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa nem rán
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa thịt nấu đông
- 1 bát gạo
- 1 đĩa muối trắng
Ngoài ra, bạn có thể làm các món ăn như ngày thường chẳng hạn các loại thịt xào, các món từ tôm, hải sản, các loại giò, các loại canh, các món nộm gỏi... chỉ cần tránh các món kiêng kỵ là được.
Mâm cỗ cúng ông Táo của chị Khánh Nguyễn
Gợi ý cách nấu một số món ăn cúng ông Táo
Xôi gấc
Nguyên liệu
- 2 chén nếp - 150gr thịt gấc (mình dùng gấc đông lạnh) - 70gr đường - 1/4 muỗng cà phê muối - 1 muỗng canh dầu ăn - 1 muỗng canh rượu - 100ml nước cốt dừa
Cách làm:
- Nếp vo sạch ngâm với nước ấm ít nhất 4 tiếng hay qua đêm.
- Gấc cho vào chén cùng với dầu và rượu dầm nhuyễn, lược qua rây cho mịn.
- Nếp đổ ra rổ xả qua nước lạnh. Cho nếp vào xửng hay rổ hấp, trộn gấc đã lược nhuyễn vào cùng muối, mang bao tay trộn đều.
- Nấu 1 nồi nước sôi, cho xửng nếp vào hấp 10 phút.
- Qua 10 phút cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều và hấp tiếp 5-7 phút.
- Tiếp tục cho nước dừa còn lại vào trộn đều hấp 5 phút. Cuối cùng cho đường vào xới chung hấp 7-8 phút nữa là tắt bếp.
- Xôi gấc cốt dừa cho vào khuôn ấn mạnh, úp ra đĩa. Bạn có thể sử dụng cả khuôn hình cá chép cho đẹp mắt.
2. Canh măng móng giò
Nguyên liệu:
- Măng khô
- 1 cái móng giò heo
- Hành lá, hành khô
- Nước mắm, muối, hạt tiêu vừa đủ
Cách chế biến:
- Măng khô ngâm với nước vo gạo từ 3-5 ngày để măng nở và loại bớt độc tố. Thay nước vo gạo ngâm măng 1-2 lần mỗi ngày. Măng đã ngâm nở, cắt và xé miếng vừa ăn. Bỏ bớt đi những phần cứng quá vì già.
- Luộc măng lại 2-3 lần để khử bớt độc tố và cũng giảm bớt thời gian ninh nấu.
- Sau khi luộc xong thì rửa lại măng với nước sạch rồi dùng tay xé nhỏ măng thành sợi.
- Móng giò rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Sau đó đem chần trong nồi nước sôi có cho xíu muối, sau đó xả lại dưới vòi nước sạch.
- Cho móng vào nồi hầm, cho ít mắm vào cùng rồi đảo một lúc cho sườn với móng được ngấm vị.
- Tiếp đến, chế lượng nước đủ ăn vào nồi để nấu. Để nước sôi, bạn hớt sạch phần bọt váng ở xương tiết ra để nước canh được trong, ngon.
- Sau khi luộc măng xong để ráo nước rồi cho măng vào xào. Khi xào, nêm ít mắm và hạt nêm cho ngấm vị.
- Hớt xong bọt bạn cho phần măng xào vào nồi canh xương và tiến hành đậy nắp nồi áp xuất để ninh nấu. Sau khi ninh khoảng 20, 30 phút thì canh măng sẽ mềm, nhừ.