Nếu không biết chế biến và ăn đúng cách thì thịt gà dù lành, bổ dưỡng vẫn có những tác hại đến cơ thể.
Thịt gà được xếp vào nhóm thịt trắng được cho là tốt hơn so với thịt đỏ (ít cholesterol hơn, chứa protein dễ hấp thu vào cơ thể, dồi dào chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe và não bộ…).
Ngoài ra, theo Đông y, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, bổ dưỡng và không độc, đặc biệt có tác dụng bồi bổ cao cho người gầy yếu sút cân, suy kiệt cơ thể…
Tuy nhiên, nếu không biết chế biến và kết hợp ăn thịt gà với thực phẩm khác thì thịt gà sẽ có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi chế biến và ăn thịt gà:
1. Lưu ý khi chế biến thịt gà
Rã đông từ từ
Nhiều người có thói quen rã đông thịt gà theo kiểu truyền thống là, buổi sáng lấy thịt gà ra, để trong bồn rửa rã đông dần để buổi trưa nấu. Tuy nhiên thói quen này gây tác hại cho sức khỏe của bạn.
Lý do là, do nhiệt độ phòng bình thường luôn nằm trong khoảng điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và vi khuẩn có thể bắt đầu nhân đôi sau 20 phút nên việc rã đông thụ động miếng thịt (hay cả con gà) trong nhiều tiếng đồng hồ như vậy là quá đủ thời gian để vi khuẩn salmonella (gây ngộ độc, tiêu chảy...) và các loại vi khuẩn gây hại khác phát triển.
Do vậy, bạn nên để thịt gà từ ngăn đá xuống ngăn dưới tủ lạnh từ sớm, hoặc cho thịt vào túi kín và ngâm trong nước, thịt sẽ rã đông tốt hơn, nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ gây hại.
Không chế biến ngay sau khi lấy từ trong tủ lạnh ra
Một số chị em không chuẩn bị trước nên thiếu thời gian rã đông, vội cho thịt gà từ tủ lạnh ra lên ngay bếp để luộc.
Và kết quả là, thịt gà nhìn bên ngoài tưởng chín rồi nhưng khi chặt ra bên trong vẫn còn sống, thịt bị đỏ. Cách khắc phục là bạn nên cho thịt gà vào lò vi sóng, bật chế độ rã đông rồi tiếp đó mới chế biến.
Ảnh minh họa.
2. Lưu ý khi ăn thịt gà với thực phẩm khác
Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh thì thịt gà tối kỵ với một số thực phẩm. Trong quá trình hấp thu và chuyển hóa, giữa các thành phần của thức ăn luôn có những tương tác rất phức tạp.
- Khi ăn thịt gà thì không được ăn với thịt chó vì thịt gà tính cam ôn, thịt chó, gan chó cũng cam ôn đại nhiệt. Ăn phải hai thứ bị nhiệt sinh ra đi kiết. Nếu uống nước cam thảo sẽ khỏi.
- Ăn thịt gà kiêng ăn tỏi, rau cải và hành sống vì thịt gà tính cam ôn, hành tỏi đại nhiệt, rau cải cam hàn. Các thứ đó ăn cùng nhau sinh ra kiết lị. Nấu nước lá dâu uống sẽ khỏi.
- Thịt gà kiêng ăn muối vừng (muối mè và rau thơm): Thịt gà thuộc về phong mộc, nếu ăn lẫn muối vừng, rau thơm tất động đến can phong mà sinh ra chứng chóng mặt, run rẩy cả người. Nhỡ ăn phải, nấu nước cam thảo uống sẽ khỏi.
- Cũng không nên ăn tôm với thịt gà vì có thể gây ngứa ngáy khắp người.
- Thịt gà ăn kiêng với cá chép vì thịt gà tính cam ôn, cá chép tính cam hàn, nếu ăn phải sinh ra chứng mụn nhọt. Nếu mắc phải lấy nước đậu đen uống sẽ khỏi.
- Thịt gà kiêng với rau kinh giới vì thịt gà tính can ôn thuộc phong mộc còn kinh giới tân tán, cay nóng. Ăn phải sinh ra chứng phong ngứa.
Và ngoài những sự kết hợp thực phẩm không tốt kể trên, chúng ta cũng cần lưu ý:
- Hạn chế ăn nội tạng gà vì đây là bộ phận dễ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn. Trong đó, đặc biệt lưu ý gan gà là bộ phận có nhiều dinh dưỡng nhất đồng thời cũng là nơi chứa mầm bệnh tật, tích lũy nhiều kim loại nặng. Do vậy, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người có cơ địa nhạy cảm không nên ăn nội tạng của gà, trừ phần trứng non.
- Bên cạnh đó, mọi người cũng nên hạn chế ăn da gà. Da là mặt tiếp xúc với vi khuẩn, virus và chứa một số loại độc tố hòa tan, hàm lượng cholesterol cao. Đây chính là nguyên nhân khiến người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp bị mẩn ngứa, nổi ban, khó thở sau khi ăn thịt gà.
- Những người gan yếu, xơ gan cũng nên hạn chế ăn thịt gà và các loại thực phẩm có tính nóng nói chung để tránh tăng nhiệt ở gan và khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế, không phải ngày nào chúng ta cũng ăn thịt gà nên nguy cơ gây hại của chúng không đáng kể. Ngoài ra khi ăn thịt gà, chúng ta nên tăng cường lượng chất xơ để cản trở cơ thể hấp thu cholesterol.