Hiện nay, việc trữ đông trứng không còn xa lạ, nó mang lại cơ hội làm mẹ cho rất nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và có những thông tin chính xác về trữ đông trứng.
1. Trữ đông trứng là gì?
Trữ đông trứng là kỹ thuật bảo quản trứng của phụ nữ trong ở nhiệt độ lạnh sâu, trong thời gian dài. Phương pháp này giúp bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ muốn lập gia đình, người phải điều trị bệnh nền hoặc hay phải làm công việc có rủi ro cao.
Trữ đông trứng dự phòng, hay còn gọi là trữ noãn, hoặc trữ trứng xã hội đang được xem như một hình thức "bảo hiểm cho khả năng sinh sản". Phụ nữ chủ động đi trữ đông trứng giống như chủ động mua bảo hiểm sinh sản, chưa chắc người mua sẽ cần sử dụng, nhưng sẽ rất cần thiết khi có rủi ro sức khỏe xảy ra.
Trữ đông trứng đã áp dụng khá nhiều cho đối tượng người bệnh điều trị hiếm muộn, bệnh nhân mắc bệnh lý cần điều trị thuốc và hóa chất ảnh hưởng đến buồng trứng. Ngoài ra, đối tượng phụ nữ trẻ chưa xác định thời gian lập gia đình cũng có nhu cầu trữ đông trứng để sử dụng về sau có thể sinh con "chính chủ".
Trữ đông trứng là kỹ thuật bảo quản trứng của phụ nữ trong ở nhiệt độ lạnh sâu, trong thời gian dài.
2. Bao nhiêu tuổi thì nên trữ đông trứng?
Phụ nữ chủ động đi trữ đông trứng tốt nhất nên thực hiện trước độ tuổi 30, để thu được trứng tốt nhất, chất lượng cao nhất, đề phòng dị tật
Nếu chưa đủ điều kiện thực hiện, phụ nữ dưới 35 tuổi chưa lập gia đình nên trữ trứng ngay. Vì càng lớn tuổi, lượng trứng càng giảm, khi đó có thể phải gom trứng nhiều chu kỳ mới đủ số lượng lưu trữ, chi phí sẽ cao hơn so với việc chủ động trữ trứng sớm trước tuổi 30.
Khi đã có tuổi, phụ nữ vẫn có thể sử dụng trứng đã được lưu trữ với chất lượng tốt khi còn trẻ tuổi để rã đông kết hợp với tinh trùng người chồng tạo thành phôi để chuyển vào tử cung.
3. Việc tiêm thuốc kích thích trứng có thể tự tiến hành tại nhà được không?
Chị em sẽ được hướng dẫn tự tiêm hormone tại nhà để kích thích nhiều trứng rụng hơn trong chu kỳ kinh nguyệt. Quá trình trộn và tiêm thuốc dễ thực hiện, có rất nhiều hướng dẫn cách thực hiện để tham khảo, ví dụ video trực tuyến của các hiệu thuốc và hướng dẫn từ bác sĩ. Dịch vụ tiêm tại nhà cũng có sẵn từ một số nhà cung cấp.
"Nếu chị em cảm thấy không thoải mái khi tiêm, có thể nhờ bạn bè, người thân trong gia đình hoặc thuê điều dưỡng đến tiêm", Lisa C. Grossman Becht, trưởng đơn vị phụ trách đông lạnh trứng và khả năng thụ thai tại Trung tâm Sinh sản Đại học Columbia nói.
Bình thường mỗi chu kỳ chỉ có một trứng lớn và rụng, nếu không áp dụng phác đồ kích trứng, bác sĩ chỉ hút được một trứng để trữ đông. Nếu áp dụng kích trứng, sẽ kích thích các trứng khác lớn đồng đều, hút được nhiều trứng, trung bình 8-15 trứng. Quá trình tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài khoảng một tuần, sau đó chị em sẽ được gây mê và chọc hút trứng.
4. Trững trữ đông có thể để được bao lâu?
Theo các chuyên gia sinh sản tại Trung tâm Sinh sản Nam California, trứng có thể bảo quản an toàn tới 10 năm trước khi có dấu hiệu suy giảm chất lượng. Trứng trữ đông vẫn cần được thụ tinh để tạo thành phôi.
5. Không đảm bảo mang thai
Tỷ lệ thành công sau khi trữ đông trứng phụ thuộc vào tuổi. Nếu phụ nữ từ 30-34 tuổi, cơ hội sinh con với 10 quả trứng trưởng thành được trữ đông khoảng 60%. Nếu từ 38-40 tuổi, cơ hội giảm còn 35%.
Trước khi tiến hành đông lạnh trứng, người phụ nữ sẽ được thực hiện một số các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.
6. Trước khi trữ đông trứng cần phải làm gì?
Trước khi tiến hành đông lạnh trứng, người phụ nữ sẽ được thực hiện một số các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu, chẳng hạn như xét nghiệm hormone anti-mullerian (AMH), giúp đánh giá số lượng nang trứng nguyên thủy còn lại trên buồng trứng, đồng thời dự đoán đáp ứng của buồng trứng với thuốc hỗ trợ sinh sản; sàng lọc bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B và C), các xét nghiệm về tiền phẫu và bộ nhiễm sắc thể...
7. Quy trình trữ đông trứng diễn ra như thế nào?
Các bước tiến hành đông lạnh trứng như sau:
Kích thích buồng trứng: Người phụ nữ sẽ dùng hormone tổng hợp do bác sĩ chỉ định để kích thích sự phát triển của nhiều nang trứng thay vì một nang phát triển theo sinh lý mỗi tháng.
Chọc hút trứng: Phương pháp phổ biến để lấy trứng là chọc hút trứng qua ngả âm đạo. Dưới hướng dẫn của siêu âm, một kim nhỏ đưa qua âm đạo vào từng nang trứng, hút phần dịch nang có chứa trứng để đưa ngay vào phòng lab, sau đó chuyên viên phôi học sẽ tiến hành tìm và nhặt trứng. Thủ thuật chọc hút trứng được thực hiện trong tình trạng gây mê, vì thế người phụ nữ sẽ không cảm thấy đau trong suốt quá trình lấy trứng. Bác sĩ Tú cho biết, càng lấy được nhiều trứng (có thể lên tới 15 trứng mỗi chu kỳ), cơ hội sinh con càng cao. Sau chọc hút trứng một tuần, phụ nữ có thể trở lại thói quen sinh hoạt, công việc bình thường.
Trữ lạnh trứng: Khi đã hoàn tất thủ thuật, trứng trưởng thành sẽ được tiến hành trữ đông, lúc cần sử dụng thì đem rã đông và làm thụ tinh ống nghiệm như bình thường. Trứng đông lạnh có thể được bảo quản kéo dài tới 10 năm. Theo Hiệp hội Y khoa Canada, ước tính tỷ lệ sống sót của tế bào trứng sau rã đông là 90-97%, tỷ lệ thụ tinh là 71-79%, tỷ lệ làm tổ là 17-41%.
8. Toàn bộ quá trình trữ đông trứng diễn ra trong bao lâu?
Nếu quyết định trữ đông trứng, thông thường mất 8-12 đêm tiêm thuốc và vài ngày đến phòng khám để siêu âm, xét nghiệm máu. Trong thời gian này, chị em có thể gặp tác dụng phụ như nhức đầu nhẹ, buồn nôn, chuột rút, đầy hơi. Sau đó, họ sẽ được tiêm một mũi đặc biệt để chuẩn bị và quy trình lấy trứng diễn ra vào hai buổi sáng sau đó.
Như vậy, toàn bộ quá trình trữ đông trứng từ lúc khám sàng lọc đến lúc trữ đông sẽ mất khoảng 14 ngày.