Thấy bố mẹ chồng keo kiệt nên tôi xác định tự thân vận động, không hỏi 1 câu hay mở miệng nhờ ông bà nội giúp.
Khi mới làm dâu, tôi còn nghĩ chắc số mình sẽ an nhàn vì nhà anh kinh tế khá, đã vậy bố mẹ chồng mới chỉ hơn 50 tuổi. Nhưng sau đám cưới, tôi choáng váng khi ngay ngày đầu tiên ở chung, ông bà bảo 2 con:
“Để rành mạch mọi khoản chi tiêu trong gia đình khi ở chung cho dễ sống, từ tháng này 2 con đi làm về phải góp cho mẹ 8 triệu tiền ăn. Số tiền còn lại 2 vợ chồng tích cóp chi tiêu riêng hoặc tiết kiệm mua nhà. Sau 5 năm ở chung dù có mua được nhà hay không cũng phải ở ra ngoài ở riêng”.
Sau khi mang bầu và sinh con đủ thứ phải chi tiêu mà mẹ chồng vẫn không giảm tiền ăn mỗi tháng cho 2 con. (Ảnh minh họa)
Nghe mẹ chồng thẳng thắn nói vậy ngay những ngày đầu làm dâu mà tôi choáng váng. Nhưng cũng từ đó tháng nào vợ chồng tôi cũng phải đưa cho bà 8 triệu để lo chi tiêu điện nước, tiền ăn trong nhà. Số tiền này gần hết sạch lương của tôi, mỗi tháng lấy lương tôi dư ra được đúng gần 1 triệu đồng. Trong khi đó chồng tôi làm ở một cơ quan nhà nước, lương tháng chỉ được hơn 7 triệu.
Khi chưa có em bé, vợ chồng chi tiêu trong khoản đó vẫn khá xông xênh. Nhưng từ khi tôi mang bầu, sinh con thì chi tiêu rất eo hẹp. Nhiều khi riêng tiền thăm khám định kỳ lúc bầu bí, tiêm chủng cho con sau sinh đã mất 1 khoản. Tôi kêu ca thì mẹ chồng lờ đi, còn nhắc tôi là vợ phải khéo thu vén, chi tiêu tiết kiệm.
Có những lúc hết tiền tiêu mà vợ chồng phải đi vay bạn bè, người thân trước rồi trả sau. Những lúc ấy tôi hận mẹ chồng lắm, nghĩ bà tham tiền khi lấy tiền chi tiêu hàng tháng rõ nhiều. Trong khi đó ông bà đều khỏe mạnh, kiếm được ra tiền. Mẹ chồng tôi làm kế toán trưởng một công ty bất động sản, lương tháng 17 triệu đồng. Còn bố chồng làm bảo vệ siêu thị, tháng ông cũng có 8 triệu. Vậy mà bà lúc nào cũng tiền tiền khiến vợ chồng tôi khốn khổ. Nhưng đất đai không có, nhà cửa cũng không nên 2 chúng tôi vẫn phải trơ mặt sống chung mà không dám ra riêng.
Mấy tháng trước tôi vỡ kế hoạch nên lại có bầu con thứ 2. Vì thế tình hình ngày càng khó khăn và chi tiêu tốn kém hơn. Biết con dâu bầu lần 2 mà mẹ chồng cũng không có ý giảm cho tiền chi tiêu hàng tháng, vẫn bắt đóng 8 triệu nên càng kiến tôi hậm hực.
Vừa rồi được nhà ngoại cho 700 triệu và cũng đã sắp hết thời hạn 5 năm sống chung nhà, dù chẳng có tiền dự trữ tôi cũng mạnh dạn bắt đầu tính đến việc mua căn chung cư nhỏ. Thấy bố mẹ chồng keo kiệt nên tôi xác định tự thân vận động, không hỏi 1 câu hay mở miệng nhờ ông bà nội giúp.
Tôi dự định vay ngân hàng 300 triệu rồi cố chắt bóp chỉ tiêu 1 nửa tiền còn lại của 2 đứa. Cộng mượn thêm của 2 chị gái mỗi người 200 triệu nữa là có 1,4 tỷ mua chung cư ở xa nhà chồng mới đủ tiền. Dù thế nào tôi cũng muốn ra riêng sống cho đỡ ngứa mắt với bố mẹ chồng.
Đúng thời điểm này thì ông bà nội biết chuyện. Chẳng hề trách cứ các con, 1 hôm đi làm về bố mẹ còn bảo:
“Biết 2 đứa rậm rịch mua chung cư ra riêng sau gần 5 năm sống chung bố mẹ rất mừng. Đây, bố mẹ trả lại 480 triệu cho 2 đứa. Đây là tiền chi tiêu 8 triệu mà các con đưa hàng tháng nhưng mẹ không tiêu mà tích cóp cho 2 đứa. Giờ là lúc dùng đến số tiền này nên mẹ đưa trả. Còn nữa, mẹ cũng cho thêm 1 tỷ 520 triệu để đủ tròn 2 tỷ cho 2 đứa gộp vào mà mua căn chung cư ở gần đây để ít nữa có sinh đứa thứ 2 mẹ tiện qua lại chăm sóc cho”.
Mẹ chồng còn bảo, do lần đầu đã sinh mổ nên lần thứ 2 này của tôi cũng phải mổ đẻ tốn kém lắm, không thể sinh thường được. Do đó, riêng khoản thăm khám thai kỳ từ nay đến lúc sinh và những khoản chi phí khi vượt cạn lần 2 này ông bà sẽ lo hết từ A-Z cho vì biết 2 con mua nhà sẽ hết tiền.
5 năm lúc nào tôi cũng oán hận mẹ chồng tham tiền nhưng khi sắp mua nhà, tôi mới biết bà chỉ tích cóp hộ. (Ảnh minh họa)
5 năm lúc nào cũng oán thán mẹ chồng tham tiền, mỗi tháng thu rõ nhiều của con dâu mà giờ bỗng dưng hiểu nguyên nhân khiến tôi ngượng chín mặt nhưng cũng đầy cảm động. Cầm khoản tiền lớn mẹ chồng đưa mà tôi nước mắt rưng rưng, hóa ra bố mẹ nào cũng vì lo nghĩ cho các con mà thôi mọi người ạ. Mà lần này đi khám thai kỳ tôi cũng sẽ hỏi bác sĩ, đã sinh mổ đầu tiên thì nhất thiết phải sinh mổ, không thể sinh thường ở lần 2 được không để về nói cho mẹ chồng yên tâm.
Sau lần sinh mổ đầu tiên có thể sinh thường ở lần 2 được không?
Thông thường, khi sinh mổ lần 1 các bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên sinh mổ ở lần 2 để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro cho mẹ. Bởi lẽ trong quá trình chuyển dạ sinh thường, vết sẹo cũ ở tử cung của mẹ có thể không chịu được những cơn co thắt mạnh, nên nguy cơ bị bục, rách rất cao. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con.
Dù sinh thường sau khi sinh mổ khá khó nhưng không có nghĩa là không thể được. Mẹ bầu hoàn toàn có thể sinh thường sau khi sinh mổ nếu đảm bảo được tất cả các yếu tố sau:
- Vết mổ đẻ cũ đã lành hoàn toàn, không còn hiện tượng đau hay căng ở vết mổ.
- Mang thai đơn, thai ngôi thuận, thai không quá to.
- Vết sẹo mổ cũ trên tử cung là vết rạch ngang, nếu là vết rạch dọc thì khả năng bục vết mổ khi chuyển dạ rất lớn.
- Ngoài 1 vết sẹo mổ cũ thì mẹ bầu không còn vết mổ nào khác trên tử cung.
- Sức khỏe sản phụ hồi phục hoàn toàn, không có bất thường gì ở khung chậu, không có bệnh lý gây cản trở đường ra qua ngả âm đạo của trẻ như u xơ tử cung…
- Đã tham gia lớp tiền sản để được trang bị về các kiến thức hít thở, rặn đẻ sinh thường trước đó.
- Lần sinh mổ trước cách lần mang thai sau tối thiểu 18 tháng.
- Sinh nở tại viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để có thể kịp thời xử lý các bất thường xảy ra.