May mắn là sản phụ được đưa đi cấp cứu kịp thời, chứ không thì...
Khám thai là việc rất quan trọng mà mẹ bầu nào cũng cần phải tuân thủ. Bởi đây không chỉ là cách để mẹ có thể nhìn thấy con của mình trông như thế nào, mà còn giúp các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, sự phát triển của cả thai phụ lẫn em bé. Căn cứ vào đó, họ sẽ đưa ra một số lời khuyên cần thiết cho các mẹ bầu. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một vài người, khám thai vừa tốn tiền vừa vô bổ. Thế nên, cả thai kỳ chỉ đi khám vài lần cho có lệ, dẫn đến một số trường hợp nguy hiểm tính mạng của cả mẹ lẫn thai nhi.
25 tuổi, Tiểu Giang theo chồng lên xe hoa vì “bác sĩ bảo cưới”. Lần đầu mang thai, lại sống xa mẹ ruột nên có gì thắc mắc cô cũng đều hỏi và nghe theo mẹ chồng. Nghe bà bảo khám thai rất là phí tiền và không có lợi ích gì vì đó chỉ là chiêu trò lừa lọc của bệnh viện nên Tiểu Giang ngoài trừ lần khám đầu tiên xem chắc chắn có thai chưa ra thì cô đều không đi khám thêm một lần nào nữa. Thay vào đó, cô dồn tiền vào mua các thực phẩm bổ dưỡng để mẹ khỏe con khỏe.
Đến khi mang thai được 30 tuần, Tiểu Giang bắt đầu bị ngứa ở bụng rồi sau đó lan ra toàn thân. Cô định sẽ đi khám xem sao thì mẹ chồng lại ngăn cản. Bà nói: “Không phải đi khám, ai mang bầu mà chẳng bị ngứa bụng. Em bé mọc tóc nên cọ vào bụng gây ngứa ngáy, thế thôi”. Nghe mẹ nói vậy, Tiểu Giang cũng yên tâm. Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy ngày càng trầm trọng. Không chịu nổi được nữa, cô đã lén đến bệnh viện khám.
Mang thai ở tuần 30, đột nhiên Tiểu Giang bị ngứa toàn thân. Cô định đi khám nhưng mẹ chồng lại ngăn cản (Ảnh minh họa)
Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo thai phụ bị ứ mật nên đã kê một số loại thuốc để uống giảm bớt tình trạng bệnh, đồng thời cũng nói rõ thuốc này không gây nguy hại cho thai nhi nên Tiểu Giang cứ yên tâm điều trị. Sau khi ăn tối xong, mẹ bầu này đi vào phòng lấy thuốc uống. Ai ngờ đúng lúc đó, mẹ chồng cô cũng bước vào tìm con dâu. Nhìn con định uống thuốc, bà đã vội vàng lao đến lớn tiếng trách mắng: “Uống thuốc khi đang mang thai rất nguy hiểm, con có biết không? Thuốc gì cũng không được uống!”. Rồi tiện tay vứt luôn túi thuốc vào thùng rác.
Không còn cách nào khác, Tiểu Giang đành phải tự mình chịu đựng sự giày vò của cơn ngứa khủng khiếp. Nhìn con dâu thường xuyên gãi đỏ cả người, trầy da chảy máu nhưng bà vẫn không chút mẩy may động lòng cho con đi khám hay uống thuốc.
Khi mang thai được 35 tuần, Tiểu Giang đột nhiên bị đau bụng dữ dội nên được gia đình đưa đến bệnh viện. Bác sĩ sản khoa lập tức yêu cầu chồng sản phụ ký giấy mổ khẩn cấp nhưng mẹ chồng Tiểu Giang lại phản đối: “Đây là con đầu lòng, nếu sinh mổ thì bao giờ tôi mới có đứa cháu thứ 2?”. Song, bác sĩ chỉ lạnh lùng bảo nếu không mổ ngay sẽ mất cả mẹ lẫn cả, và may mắn là chồng của Tiểu Giang đã nghe theo lời của bác sĩ.
Bác sĩ đã phải mổ khẩn cấp để cứu mẹ con Tiểu Giang. May mắn là ca mổ thành công (Ảnh minh họa)
Đúng như bác sĩ chẩn đoán, Tiểu Giang đã bị ứ mật thai kỳ. Khi mổ ra, tử cung của cô bị “nhuộm” màu xanh bởi dịch mật và em bé cũng trở thành “em bé xanh”. Nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời nên cả hai mẹ con đều thoát khỏi cửa tử. Sau đó, bác sĩ có hỏi người nhà vì sao sản phụ không uống thuốc điều trị ứ mật thai kỳ trước đó, mẹ chồng của Tiểu Giang liền nói thật là do bà không cho con dâu uống sợ ảnh hưởng đến cháu. Điều này làm bác sĩ vô cùng tức giận mà mắng: “Thật là kém hiểu biết, bà có biết suýt nữa bà đã hại chết cả con lẫn cháu không?”. Mẹ chồng Tiểu Giang chỉ biết lặng im hối hận.
Theo bác sĩ, căn bệnh ứ mật thai kỳ là căn bệnh khá hiếm gặp và không gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi, tuy nhiên đó là khi nó được điều trị từ sớm. Thông thường, mật được sản xuất bởi gan và dự trữ trong túi mật. Từ túi mật mật, nó được bài tiết qua ống mật chủ vào tá tràng. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, lượng hormone trong cơ thể của người phụ nữ bị thay đổi khiến axit mật bài tiết kém, từ đó dồn lại tích tụ ở gan. Khi tích tụ trong gan, các axit mật và bilirubin sẽ chảy ngược vào máu, gây ra hiện tượng ứ mật thai kỳ.
Khi người mẹ bị ứ mật thai kỳ, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số tình trạng như phải sinh con non, con nhẹ cân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sau này của đứa trẻ khi phổi và các bộ phận khác trong cơ thể chưa phát triển đủ tháng đủ ngày.
Do đó, nếu trong quá trình mang thai, các mẹ bầu thấy mình bị ngứa tứ chi sau đó lan ra toàn thân trong vòng vài ngày thì hãy đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt. Đồng thời, hãy tuân thủ theo lời hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con.