Ban đầu tôi cũng khá ngạc nhiên vì các ông bà xưa đều mong muốn đứa cháu đầu là con trai cho chắc chắn, đặc biệt những gia đình có con một như chồng tôi.
Tôi là con gái gốc Bắc nên sau khi vào Sài Gòn đi làm và lấy chồng, gia đình tôi cứ lo sẽ khó thích nghi với văn hoá ở trong miền Nam lắm. Ấy vậy mà chỉ sau vài năm kết hôn, tự nhiên tôi lại yêu cuộc sống ở chốn hoa lệ này. Đặc biệt về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, ban đầu tôi cứ nghĩ mẹ chồng miền Nam sẽ khó lắm vậy mà có nhiều tư tưởng đặc biệt làm tôi vô cùng bất ngờ.
Thật ra mà nói mẹ chồng tôi là người mong nhanh có cháu nội nhiều nhất, hơn cả vợ chồng tôi luôn. Vậy nên khi mới lấy chồng được một năm mà chưa nghe ngóng tin vui gì là bà đã sốt hết cả ruột. Thậm chí còn bắt vợ chồng tôi đi đến khoa hiếm muộn khám thử xem hai đứa có trục trặc gì không, may mắn là “máy móc” của cả 2 tụi tôi đều ổn định nên không quá áp lực.
Đến khoảng 3 tháng sau thì tôi thấy bị trễ kinh, thử que thì phát hiện hai vạch nên vội vã chạy lên phòng mẹ chồng để khoe. Bà mừng lắm và bắt đầu gọi điện hỏi bạn bè để lên kế hoạch chăm con dâu trong thời gian mang bầu. Thời gian 3 tháng đầu tôi nghén kinh khủng, món ăn duy nhất mà tôi có thể nạp được vào người chính là nước canh rau muống luộc có vắt thêm chanh. Chỉ tội mẹ chồng ngày nào cũng đi chợ, nấu đủ các món ăn dinh dưỡng như tôm, bồ câu hầm, gà ác tiềm… nhưng chỉ cần ngửi thấy mùi là tôi đã ói xanh mặt chứ đừng nói là nếm thử. Thời gian đó tôi cảm thấy mình thật có phúc khi gặp được mẹ chồng tinh tế và chu đáo.
Biết tôi có bầu, mẹ chồng mừng lắm. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi là con một nên được ba mẹ rất cưng chiều, được cái anh là người tự lập nên dù sinh ra ngậm thìa vàng nhưng cũng không lệ thuộc vào gia đình quá nhiều. Tuy vậy vì tính chồng tôi hay nóng nảy nên mối quan hệ giữa anh và mẹ có vẻ không được hoà thuận cho lắm. Nhiều lúc cả hai xảy ra xích mích cũng chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống nên tôi phải là người đứng ra làm trọng tài để “dĩ hoà vi quý” cho hai bên.
Cũng có thể vì lý do này nên khi tôi mang bầu, mẹ chồng tôi ngày đêm cầu mong đứa cháu trong bụng sẽ là con gái. Ban đầu tôi cũng khá ngạc nhiên vì các ông bà xưa đều mong muốn đứa cháu đầu là con trai cho chắc chắn, đặc biệt những gia đình có con một như chồng tôi. Vậy nhưng khi nghe mẹ chồng hài hước tuyên bố trước mặt vợ chồng tôi câu nói: “Đẻ con gái thì thương, con trai lì giống ba nó nên tự lo” khiến tôi vừa buồn cười vừa thấy thương mẹ chồng nhiều hơn.
Khi biết tôi sinh con gái, mẹ chồng tôi nhảy lên vui sướng ngay trong phòng chờ khiến nhiều người có mặt đều bật cười. (Ảnh minh hoạ)
Vì trong thời gian mang thai đi siêu âm nhưng em bé nằm quay lưng lại nên bác sĩ khó dự đoán được giới tính, mẹ chồng tôi lại càng tò mò hơn. Đến khi tôi đi đẻ, câu đầu tiên bà hỏi bác sĩ sau khi thông báo mẹ tròn con vuông là tôi sinh con trai hay gái. Khi biết tôi sinh con gái, mẹ chồng tôi nhảy lên vui sướng ngay trong phòng chờ khiến nhiều người có mặt đều bật cười.
Cho đến bây giờ con gái tôi đã được 2 tuổi tôi lại càng cảm nhận nhiều hơn về lời tuyên bố “đẻ con gái thì thương” của mẹ chồng năm ấy. Thật ra mà nói bà là người mẹ chồng quá tuyệt vời của tôi và là bà nội chu đáo nhất của con. Hôm nay viết những dòng tâm sự này, tôi muốn gửi lời cám ơn đến mẹ chồng, người đã luôn đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt để sinh được một em bé đáng yêu như hiện tại, trong thời gian mang thai, mẹ chồng đã có nhiều hành động quan tâm như:
Hiểu và tôn trọng nhu cầu của con dâu: Mỗi người mẹ khi mang thai đều có thói quen và sở thích riêng, vì vậy, mẹ chồng nên lắng nghe và tìm hiểu về những mong muốn của con dâu, cùng nhau thảo luận và tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và lịch trình chăm sóc thai kỳ.
Hỗ trợ về chế độ ăn uống: Mẹ chồng có thể giúp con dâu duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối. Hãy cùng nhau lên thực đơn, nấu nướng các món ăn giàu dinh dưỡng, giàu chất bổ dưỡng và tránh các thức ăn không tốt cho thai nhi.
Giúp đỡ trong công việc nhà: Trong giai đoạn mang bầu, con dâu có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các công việc nhà. Mẹ chồng có thể giúp đỡ con dâu trong việc làm những công việc như nấu ăn, phơi đồ...
Cung cấp hỗ trợ tinh thần: Mẹ chồng nên tạo môi trường tích cực và thoải mái cho con dâu. Hãy lắng nghe và đồng cảm với tâm trạng của con dâu, đặc biệt là trong những thời điểm cảm xúc không ổn định.
Đồng hành trong các cuộc hẹn khám thai: Mẹ chồng có thể tham gia cùng con dâu trong các cuộc hẹn khám thai để cùng nhau theo dõi sự phát triển của thai nhi. Điều này không chỉ giúp mẹ chồng hiểu rõ hơn về quá trình mang thai, mà còn tạo thêm sự gắn kết đôi bên.