Đây là năm đầu tiên tôi không về được nhà ăn Tết với bố vì bụng bầu to quá, thấy ông thui thủi một mình thương quá.
Bố mẹ chỉ sinh 2 chị em tôi, khi tôi lên 9 tuổi thì mẹ mất vì ung thư xương. Bố một mình gà trống nuôi 2 con khôn lớn. Cho tới 4 năm trước, em trai tôi theo bạn đi tắm sông bị chết đuối. Cũng một năm sau đó tôi phải lấy chồng xa tận Sài Gòn nên phải theo vào đó. Từ đó ở nhà chỉ có một mình bố thui thủi sống.
Lấy chồng xa nhà, bình thường tôi không thể về thăm bố được mà chỉ gọi điện hỏi thăm hàng ngày. Ngày nào cũng thấy ông đi làm về lại cơm nước 1 mình, tôi sốt ruột nhưng bố cứ bảo:
“2 con tập trung làm việc đi rồi Tết thu xếp về quê với bố cho vui. Bố ở một mình quen rồi nên không thấy buồn đâu. Ở đây có các bác hàng xóm nên bố cũng hay chạy qua chạy lại vui lắm”.
Tết năm nay tôi không thể về quê ăn Tết cùng bố bởi đang mang bầu cuối tháng 7 sắp bước sang tháng thứ 8. (Ảnh minh họa)
Vậy là năm nào vợ chồng tôi cũng về quê ngoại ăn Tết với ông khoảng 7-8 ngày. Được cái bố mẹ chồng rất thoải mái, họ cứ bảo cả năm đã ở Sài Gòn rồi, Tết nhất về với bố đẻ cho ông vui.
Mỗi khi về Tết nhà ngoại, vợ chồng tôi lại cùng ông ngồi gói bánh chưng, đụng lợn với hàng xóm để gói giò, làm cơm tất niên, đón giao thừa và năm mới cùng nhau ăn uống vui vẻ. Vậy mà năm nào lúc đi, ông cũng bịn rịn.
Tết năm nay tôi không thể về quê ăn Tết cùng bố bởi đang mang bầu cuối tháng 7 sắp bước sang tháng thứ 8. Do đã mang bầu to nên thời gian này đi lại khá nặng nề. Thi thoảng tôi cũng thấy có sự xuất hiện các cơn co thắt nhẹ, chân tay phù nề nhanh chóng.
Giai đoạn này tôi mất ngủ nhiều hơn và phải nằm nghiêng nhiều về bên trái hoặc đặt gối giữa 2 chân để có tư thế ngủ thoải mái nhất. Để dễ ngủ hơn, tôi thường phải đi bộ hoặc tập yoga nhẹ nhàng.
Thấy tôi ì ạch, bố bảo khám thai định kỳ để đảm bảo sự phát triển bình thường của em bé trong bụng và nhận lời khuyên từ bác sĩ trước những cơn đau do mang thai. Ngoài ra chú ý đến chế độ ăn uống đa dạng và đầy đủ các dưỡng chất. Ông cũng bảo Tết này phải ở Sài Gòn, tuyệt đối không được ra Bắc vì thai nhi đã quá to, có thể đi đẻ bất cứ lúc nào.
Cũng xác định không thể về quê ăn Tết với bố năm nay nên tôi bảo ông:
“Năm nay con không ở nhà đón giao thừa với bố, bố phải gọi các bác và cô sang uống bia cho vui nhé”.
Nhưng ông bảo năm nay bác bị ốm nặng không còn rượu chè được. Cô Giang cũng phải theo dõi con dâu sắp đẻ nên không qua giao thừa được. Nghe bố nói mà tôi cũng thấy buồn.
Tối 27 Tết, đi làm về tôi gọi điện cho ông, 2 bố con buôn chán chê. Cũng đúng lúc ông ngồi ăn cơm tối. Thấy ông một mình ngồi bên mâm cơm ngày giáp Tết chỉ có mỗi đĩa thịt rang với đĩa rau luộc, bên cạnh có 4 cái bát, 4 đôi đũa tôi thấy lạ:
“Ơ, chút nhà mình có khách à bố?”.
“Không, chỉ có mình bố thôi. Năm nay con gái con rể đều không về được nên bố mang bát ra bày cả cho 2 vợ chồng con, mẹ con, em trai con như thể cả nhà đang được ngồi ăn cùng nhau ý mà”.
Biết con gái không về được nhưng ông vẫn mong ngóng lắm. (Ảnh minh họa)
Bố cứ nói hồn nhiên vậy mà mắt tôi cay xè và xót hết cả ruột. Biết con gái không về được nhưng ông vẫn mong ngóng lắm. Hay tôi cứ liều về quê để quây quần cùng ông nhỉ? Nhưng phụ nữ bầu gần 8 tháng như tôi làm gì có hãng hàng không nào dám nhận chứ. Nhưng thấy bố thui thủi một mình ngày Tết như vậy mà tôi thương ông thắt lòng, chỉ mong sinh xong con cứng cáp sẽ bay ra ngoại ở cữ thật lâu.
Mẹ bầu tháng thứ 7-8 có được đi máy bay không?
Theo các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, thai phụ có vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, tim mạch trong thai kỳ, tiểu đường, đặc biệt là người có vấn đề về nước ối, nhau thai hoặc chảy máu âm đạo, tiền sử sinh non, từng sinh đôi sinh ba... tuyệt đối không nên đi máy bay dù trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.
Bà bầu có sức khỏe ổn định cũng không được đi máy bay khi đã mang thai trên 36 tuần. Thai phụ muốn bay chuyến đường dài thì thời điểm thích hợp nhất là từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ.
Những trường hợp bất đắc dĩ phải di chuyển bằng máy bay, thai phụ nên xin tư vấn từ bác sĩ và cần kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng của cả mẹ và thai nhi. Giấy xác nhận của bác sĩ cần ghi rõ số tuần thai và có đủ sức khỏe để thực hiện chuyến bay.
Các hãng hàng không thường có quy định những bà bầu mang thai ở tuần thứ 27 trở đi phải khai báo trước khi lên máy bay. Khi lên máy bay, thai phụ nên trình báo với nhân viên phục vụ chuyến bay để được sắp xếp vị trí ngồi phù hợp.