Ở lần sinh thứ 2, chị Mỹ Phượng bị nhiễm trùng máu. Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ từng nghĩ chị sẽ không qua khỏi. Còn ông xã chị lúc đó hoảng sợ chỉ biết ôm con ngồi bất động.
Trải qua hai lần sinh con với chồng Tây ở nước ngoài song mỗi lần chị Mỹ Phượng (sinh năm 1983) quê gốc ở Bà Rịa, hiện tại đang sinh sống tại Mỹ đều có những cảm xúc khác nhau. Nếu như lần sinh đầu mọi chuyện đều diễn ra êm đẹp thì lần sinh bé thứ 2, chị trải qua ca đẻ “thập tử nhất sinh” khi không may bị nhiễm trùng máu.
Tổ ấm của chị Phượng với đầy đủ 4 thành viên lớn bé.
Nhờ sự can thiệp cùng lúc của 25 bác sĩ, y tá giỏi, chị Phượng đã được cứu sống. Đặc biệt hơn, lần sinh này trùng với dịp cả thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đang gồng mình chống dịch COVID-19 cũng đã để lại trong chị nhiều kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.
Mở đầu câu chuyện của mình, chị Phượng tâm sự, chị kết hôn đến nay đã được 8 năm và lãi được 2 nhóc tỳ vô cùng đáng yêu, đó là một bé gái 3,5 tuổi và một bé trai 3 tháng tuổi. Thú nhận là gia đình dịch chuyển nên có nhiều câu chuyện khá đặc biệt. Trước kia chị gia đình chị sống ở Nhật hơn 2 năm, sau đó về Mỹ ở hơn 2 năm, rồi lại qua Ý sống 2 năm và hiện giờ đang sống ở đảo Guam (Mỹ) được 1 năm.
Lần nào cũng vậy, khi hay tin có bầu chị Phượng cùng ông xã vô cùng bất ngờ do trước đây khi đi khám sức khoẻ ở Việt Nam, các bác sĩ đều kết luận chị khó có thai do mang nhiều nang nhỏ. “Lúc biết mang thai, buồn cười lắm, anh xã đang đi công tác xa, mình chụp hình gửi qua cho anh ấy, ảnh cứ cười tủm tỉm trong suốt buổi họp” – chị xúc động nhớ lại.
Từng trải qua hai lần sinh nở, với chị mỗi lần đều là những trải nghiệm khác biệt.
Cả hai lần bầu bí chị Phượng đều nghén nặng đến mức phải dùng thuốc, chị ốm nghén tới mức chỉ cần nhắc đến thức ăn là cũng buồn nôn. Hai tháng trời mỗi ngày chị chỉ ăn được vài lát bánh mì trong ngày. Thậm chí bác sĩ phải đổi thuốc liên tục thì tình trạng ốm nghén của chị mới thuyên giảm.
Mang bầu em bé thứ hai chị đặc biệt lưu ý tới chế độ dinh dưỡng do được cảnh báo tiểu đường thai kỳ. Nhờ ăn uống khoa học và nạp dưỡng chất đầy đủ nên cân nặng thai kỳ khá ổn định. Lần mang bầu đầu tiên chị tăng 20kg, lần 2 tăng 16kg. Có những giai đoạn chị tăng cân vùn vụt, 3 ngày tăng 2kg khiến bản thân phát hoảng.
Giới thiệu về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thai kỳ tại đất nước mình sinh sống, chị cho biết, ở thành phố chị chọn làm nơi sinh em bé phụ nữ mang thai sẽ tìm bác sĩ mà mình thích để theo dõi thai kỳ cho tới lúc sinh. Trong quá trình khám thai thì sẽ có thêm bác sĩ khác khám cùng để nắm thông tin, trong trường hợp bác sĩ mình chọn bận việc hoặc mình chuyển dạ sớm hơn dự định mà bác sĩ mình chọn không có mặt được thì có bác sĩ khác thăm khám và đỡ đẻ.
Thời điểm vợ sinh con chồng sẽ được vào phòng cùng với vợ, sau sinh họ chuyển thai phụ về phòng hồi sức, một mình một phòng rộng rãi, có đầy đủ tiện nghi như khách sạn. Tại đây, bệnh viện có suất ăn cho mẹ. Và đặc biệt chị được bảo hiểm thanh toán chi phí 100% theo mức đóng bảo hiểm của chồng.
Nhắc nhớ lại câu chuyện “vượt cạn” của mình, mẹ Việt đang sinh sống ở Mỹ cho biết, cả hai lần sinh chị đều có những kỷ niệm đáng nhớ, bé đầu chị sinh vào tuần 39, hôm đó chị đi khám thai định kỳ thì bác sĩ kiểm tra không sờ được đầu bé nên đã cho siêu âm, sau đó bác sĩ yêu cầu nhập viện mổ ngay vì em bé quay đầu và bị kẹt cổ vào vai ko thể quay xuống được.
Lần sinh bé thứ 2 chị Phượng cũng sinh vào tuần 39. Lúc này cả thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 nên ca sinh của chị cũng khá vất vả. Chị nói: “Chủ nhật bên mình phát hiện 3 trường hợp bị nhiễm nCoV thì thứ 2 mình sinh, vì thế lúc đến bệnh viện là các bác sĩ đang họp khẩn cấp nên mình được đưa về phòng gắn thiết bị đo nhịp tim thai nhi để theo dõi. Vì mình chọn sinh mổ nên lúc chuyển dạ mình không dám ăn gì, vào đó nằm đói quá nên mình mệt, y tá cho mình 1 ly nước cam nhỏ, vậy là trong lúc mổ mình bị nôn, nôn hết nước cam đến dịch trong dạ dày đắng ngắt, không thở nổi luôn”.
Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Sau khi hạ sinh em bé nặng 4,5kg xong chị Phượng được chuyển về phòng hồi sức, mọi thứ vẫn bình thường cho đến 2 tiếng sau y tá vào kiểm tra tử cung, cô ấy nói tử cung của chị Phượng căng cứng là điều không tốt.
Riêng ở lần sinh con thứ 2, do đúng đợt dịch COVID-19, lại nhiễm trùng máu sau sinh nên chị đã gặp phải vô vàn khó khăn.
"Ngay lập tức, các bác sĩ xuất hiện, cả ê-kip mỗi người một chân một tay thay nhau nhào nặn, nhồi bóp bụng mình, lúc đó thuốc tê chỉ còn tê nhẹ ở phần chân thôi nên đau đến nỗi mình bấu tay vào thanh giường vừa gào thét vừa khóc, bạn có thể tưởng tượng nhồi bột thế nào thì họ nhồi bụng mình cũng y như vậy.
Khi bác sĩ và y tá vừa rời tay khỏi bụng mình thì bất ngờ mình lên cơn co giật, toàn thân run bần bật, môi răng va vào nhau, thấy lạnh khủng khiếp, tay bắt đầu co cứng lại. Y tá xuất hiện mỗi lúc một đông hơn, máy móc được đưa vào phòng siêu âm tại chỗ, họ lấy ven khắp nơi trên tay của mình nhưng không được, lúc đầu mình còn nhận biết còn thấy đau nhưng sau không có cảm giác nữa, huyết áp cũng không đo được, y tá bên cạnh cứ thỉnh thoảng gọi mình mở mắt không được ngủ.
Lúc này phòng chật cứng bác sĩ và y tá và họ đưa anh xã cùng em bé sang phòng khác vì sợ anh ấy mất bình tĩnh. Sau đó mình không còn biết đã xảy ra chuyện gì nữa, 3 tiếng trôi qua mình bắt đầu mơ hồ nhận ra họ đang đưa mình đi chụp phim, rồi đưa mình lên phòng chăm sóc tích cực, tiếp tục lấy máu nhiều lần trong đêm để xét nghiệm” – chị Phượng kể lại.
Theo lời mẹ 8X, sau khi được cấp cứu chị được cách ly 1 đêm với 2 cha con vì một phần bác sĩ sợ mẹ nhiễm nCoV trong quá trình sinh thì sẽ lây sang cho con. Sáng hôm sau bác sĩ vào và nói với chị rằng họ đã rất hoảng sợ vì nghĩ rằng chị sẽ không qua khỏi và vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao chị chuyển biến xấu nhanh như vậy song họ cũng ngạc nhiên vì chị phục hồi cũng rất nhanh.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, chị Phượng đã qua cơn nguy hiểm và đoàn tụ cùng chồng con.
Hôm sau khi sức khoẻ chị đã dần ổn định và được anh xã kể lại, thời điểm cấp cứu chị có tổng cộng 25 bác sĩ lẫn y tá cùng tập trung ở trong phòng để thay nhau hội chẩn, đưa ra phương án kịp thời, còn bản thân anh thì sợ đến mức ôm con ngồi bất động. Ba tuần sau đó, chị Phượng được bác sĩ gọi báo kết quả xét ngiệm và cho biết đêm đó chị bị nhiễm trùng máu.
Những tưởng mọi sóng gió đã ở lại phía sau, thế nhưng sau sinh trở về nhà chị Phượng còn gặp thử thách khá éo le. Khi vừa xuất viện về nhà được 2 ngày thì anh xã của chị có triệu chứng nhiễm nCoV, anh ho khan, thỉnh thoảng mệt và khó thở nên đã tự cách ly trong phòng và đeo khẩu trang. Lúc đó chị chỉ biết cầu nguyện mong anh xã không bị nặng hơn và các con không bị lây dịch bệnh. Cũng may sau 3 tuần anh hết triệu chứng và 3 mẹ con không bị nhiễm cùng.
Từ hành trình sinh đẻ của mình, chị Phượng gửi gắm thông điệp tới các chị em phụ nữ, những người sẽ và đang mang thai nên chuẩn bị tâm lý và kiến thức thật kỹ về những nguy cơ mà có thể mẹ hoặc con sẽ gặp phải, nên tìm hiểu về trầm cảm sau sinh cũng như cách giải quyết để bản thân mẹ bầu tránh được nó. Nếu có điều kiện thì hãy chọn bác sĩ và bệnh viện uy tín cũng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ rủi ro cho hai mẹ con.
Những hình ảnh về tổ ấm hạnh phúc của chị Mỹ Phượng tại đảo Guam (Mỹ).