Những ngày này với gia đình tôi đầy đau thương và nước mắt. Tôi chẳng bao giờ ngờ được, đám cưới của 2 con vừa diễn ra đã gặp phải bi kịch này.
Nuôi bao năm, cuối cùng con trai tôi cũng khôn lớn nên người. Con có việc làm ổn định tại một công ty nước ngoài với mức lương rất khá. Từ ngày con đi làm thường hỗ trợ bố mẹ và gia đình rất nhiều. Nhà cửa được con sửa sang khang trang và cuộc sống dư dả hơn.
Ở tuổi 32, con thông báo có người yêu. Sau hơn năm chờ đợi và chuẩn bị, đợt rồi con trai con dâu được tuổi đẹp nên 2 đứa tiến hành làm đám cưới. Con dâu chỉ kém con trai 5 tuổi, rất ngoan ngoãn, có ý thức và biết cách cư xử nên mấy lần về nhà tôi chơi, ai cũng hết lời khen.
Ở tuổi 32, con thông báo có người yêu và càng vui hơn khi con dâu có bầu trước cưới. (Ảnh minh họa)
Sát ngày cưới của 2 đứa, gia đình 2 bên càng vui hơn khi biết con dâu có bầu hơn 2 tháng. Để con là cô dâu không mệt mỏi, tôi cũng mua rất nhiều đồ bổ cho con ăn. Ngoài ra, vào ngày cưới vì 2 nhà cách xa 70km, con dâu đang ốm nghén nên mệt mỏi khi đi xa, tôi cũng chuẩn bị mọi cách chống say xe và bắt con uống sữa, nước hoa quả để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng trong giai đoạn này.
Chuẩn bị chu đáo nên hôm rước dâu, con dâu tôi rất khỏe khoắn, vui vẻ. Nhìn sắc mặt dâu bầu như vậy cả nhà cũng thở phào nhẹ nhõm. Tối đầu tiên ở nhà chồng, con dâu con trai còn ngồi dưới nhà cùng bố mẹ kiểm phong bì suốt đêm. Đến gần 1h sáng chúng mới lên phòng đi ngủ.
Sáng sớm hôm sau con dâu bầu vẫn dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa, tôi phải bắt đi ngủ tiếp cháu mới chịu. 9h sáng 2 con dậy ăn sáng xong ở nhà thì đi trả váy cưới và một số đồ đạc khác. Tất nhiên, không để vợ bầu đi một mình, con trai tôi nhận chở đi bằng ô tô. Trước khi đi 2 con còn bảo mẹ nấu canh chua cá ngon để sẽ về ăn trưa cùng vì mấy hôm ăn nhiều cỗ đã quá ngán.
Khi 2 con vừa đi trả đồ được khoảng 40 phút, tôi đột nhiên nhận được cuộc gọi từ con trai nhưng người gọi không phải là cháu và nói giọng run run gấp gáp:
“A lô, cô có phải người nhà của người có số điện thoại này không? Cô đến ngay ngã tư phố X nhé vì các con đang gặp tai nạn giao thông rất nghiêm trọng”.
Nghe người này nói mà tôi run lên lo lắng vội thông báo cho cả nhà đến. Thì ra con dâu và con trai tôi vừa đi trả đồ cưới về đến ngã tư phố X đụng vào 1 chiếc xe khác gây tai nạn. Con trai tôi đã mất ngay trên xe còn con dâu bầu đang bị gãy tay chân. Nhìn cảnh ở hiện trường vụ tai nạn mà tôi chết lặng vì quá đau lòng.
Dưới sự giúp đỡ của người đi đường, con dâu đã được đưa vào viện gần nhất cấp cứu. Cũng may thai nhi trong bụng không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ bị ra máu dọa sảy nhưng tôi vẫn bắt nằm viện theo dõi nghiêm ngặt.
Chúng tôi không dám tiết lộ sự thật đau lòng này cho con dâu biết vì sợ con đang bầu như vậy không thể chấp nhận nổi. (Ảnh minh họa)
Hiện chúng tôi đã lo hậu sự cho con trai xong xuôi mà không dám tiết lộ sự thật đau lòng này cho con dâu biết vì sợ con không thể chấp nhận nổi biến cố. Bởi bác sĩ cũng nói, con dâu đang bầu bí gặp tai nạn sẽ càng nghiêm trọng và đáng lo hơn nhiều người vì gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Trước mắt có thể tạm ổn nhưng tôi vẫn lo cho con dâu và cháu quá.
Tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi như thế nào?
Nguy cơ cho mẹ
Sẩy thai: Thai nhi được bảo vệ bởi tử cung, nước ối, nhau thai và các cấu trúc khác của khoang bụng mẹ. Những cấu trúc này được thiết kế để bảo vệ đứa trẻ khỏi chấn thương nhẹ. Trong trường hợp tai nạn nhẹ, thai nhi thường được người mẹ bảo vệ hoàn toàn và không bị thương do va chạm. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, người mẹ phải chịu những lực tác động rất mạnh và sẩy thai.
Sinh non: Xảy ra khi em bé chào đời trước 37 tuần thai kỳ. Các nghiên cứu đã tìm thấy tỉ lệ sinh non cao trong số các nạn nhân tai nạn ô tô và các tai nạn khác
Nhau bong non: Đây là một biến chứng không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Chấn thương khi mang thai làm tăng khả năng bị nhau bong non. Nhau thai là cơ quan giúp trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa mẹ và thai nhi. Khi nhau bong non sẽ gây gián đoạn việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và hậu quả là thai bị tử vong.
Vỡ tử cung: Tử cung to ra khi mang thai nên dễ bị chấn thương do tai nạn hơn. Trong trường hợp vỡ tử cung, nguy cơ tử vong cho mẹ và thai rất cao (tỷ lệ tử vong ở thai nhi gần 100%, của mẹ là 10%). Mẹ cần được mổ cấp cứu càng sớm càng tốt.
Xếp loại thai kỳ có nguy cơ cao: Khi mẹ mang thai bị tai nạn, thai kỳ này được dán nhãn thai kỳ nguy cơ cao. Thai phụ cần được theo dõi sát sao. Tăng chăm sóc y tế và tăng chi phí.
Nguy cơ cho con
Chấn thương thai nhi: Các nghiên cứu đã lưu ý rằng chấn thương trực tiếp của thai nhi tuy không thường xuyên, nhưng khá nghiêm trọng sau tai nạn. Chấn thương đầu là phổ biến nhất khi chấn thương xảy ra vì đầu là phần lớn nhất của trẻ chưa sinh. Nhiều trường hợp chấn thương đầu trực tiếp của thai nhi có tiên lượng xấu. Chấn thương ở đầu của thai nhi trong một vụ tai nạn tương tự hội chứng rung lắc trẻ em. Bộ não thai nhi có thể bị hất về phía trước và đập vào phía trước hộp sọ, sau đó bị hất ra sau và đập vào mặt sau của hộp sọ. Điều này gây ra tổn thương não nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
Khuyết tật bẩm sinh: Cả chấn thương trực tiếp của thai nhi và sinh non đều có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh. Một nghiên cứu trên Tạp chí Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho thấy, khuyết tật bẩm sinh ở trẻ sinh non (31 đến 36 tuần) gấp 2 lần so với sinh đủ tháng (37 đến 41 tuần). Con số này tăng vọt lên năm lần khi sinh non (24 đến 31 tuần tuổi thai) được so sánh với sinh đủ tháng. Các khuyết tật bẩm sinh của trẻ dẫn đến tăng chi phí do chăm sóc y tế và các dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ. Những bé bị khuyết tật bẩm sinh thường kém phát triển về thể chất và tinh thần.
Trẻ bị non tháng: Chào đời ở tuổi thai quá non ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của bé. Những bệnh lý do non tháng như: bệnh lý võng mạc, thính giác, bệnh đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nhiễm trùng sơ sinh… gây tăng thời gian nằm viện, chậm phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ về sau, tăng chi phí xã hội và tăng gánh nặng cho ngành y tế.