Sợ mẹ chồng khó tính lúc sinh không dám nhờ, hành động nhỏ của bà trong viện khiến tôi hổ thẹn

Nắng - Ngày 23/05/2024 18:00 PM (GMT+7)

Mặc dù biết rằng bà quan tâm mình nhưng tôi vẫn thấy sợ bà, nghĩ chắc chẳng qua bà mong cháu nên mới chăm cho mình chứ chưa chắc đã thật lòng lo cho con dâu.

Mẹ chồng tôi khó tính. Hôm về ra mắt nhà chồng, tôi mặc váy bó sát lại bị sai vào bếp nấu ăn nên hơi vướng. Thấy tôi loay hoay làm việc không được thuận, bà chẹp miệng:

“Lần sau nhà có việc thế này tốt nhất cháu cứ mặc cái quần dài cho nó tiện. Vừa dễ đi lại, ngồi xuống đứng lên cũng không ngại”.

Hôm ấy tôi được trận xấu hổ, ngượng không nói được câu gì. Sau cưới, vợ chồng tôi lại còn phải ở chung với bà, tôi càng căng thẳng. Bà nấu nướng khéo, làm việc gì cũng cầu toàn, tính tôi thì lại ẩu đâm ra hay bị nhắc nhở lắm. Có hôm chồng với bố chồng đi vắng, nhà chỉ có 2 mẹ con, tôi nấu cơm, bưng luôn nồi canh đặt lên mặt bàn. Xoong canh là nồi inox nấu bếp từ cũng sạch sẽ. Ai ngờ tôi bị bà quát:

“Con cứ ẩu đoảng như thế, sau có con gái làm sao mà dạy bảo được”.

Mẹ chồng tôi nấu nướng khéo, làm việc gì cũng cầu toàn, tính tôi thì lại ẩu đâm ra hay bị nhắc nhở lắm. (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng tôi nấu nướng khéo, làm việc gì cũng cầu toàn, tính tôi thì lại ẩu đâm ra hay bị nhắc nhở lắm. (Ảnh minh họa)

Thế là sau hôm ấy, tôi tịt luôn, cấm bao giờ dám mang cả xoong nồi lên bàn ăn nữa. Trong lòng thật sự lúc nào tôi cũng sợ mẹ chồng, cảm giác như bà ghét và cố tình làm khó mình.

Khi tôi có bầu thì mẹ chồng dễ tính hơn rất nhiều. Lúc mới cưới bà toàn yêu cầu tôi phải dậy sớm dọn nhà, lo cơm nước nhưng có bầu thì bà bảo:

“Trước mẹ rèn con dậy sớm là để quen nếp sinh hoạt của gia đình cũng là để con biết cách chăm lo cuộc sống về sau. Giờ có bầu rồi thì con phải chăm sức khỏe của 2 mẹ con con. Việc nhà cửa mẹ lo được rồi”.

Từ đấy mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà làm hết, không cho tôi động chân động tay.

“Mẹ bảo rồi, bà bầu là phải nghỉ ngơi giữ gìn. Việc đã có mẹ lo, con không cần phải ngại”.

Mặc dù biết rằng bà quan tâm mình nhưng tôi vẫn thấy sợ bà, nghĩ chắc chẳng qua bà mong cháu nên mới chăm cho mình chứ chưa chắc đã thật lòng lo cho con dâu. Vậy nhưng tới khi tôi nhập viện sinh thì mới hiểu hết tấm chân tình của mẹ chồng. Tôi sinh khó, đau 1 đêm vẫn chưa đẻ. Thấy con dâu đau quá, bà sụt sùi ngồi bên nắm tay:

“Cố lên con, đàn bà khổ nhất lúc chửa đẻ. Giá mẹ đau đỡ con được thì mẹ cũng làm”.

Càng ngày tôi càng nhận ra mẹ chồng sống tình cảm chứ không hề lạnh lùng, khó tính như tôi nghĩ. (Ảnh minh họa)

Càng ngày tôi càng nhận ra mẹ chồng sống tình cảm chứ không hề lạnh lùng, khó tính như tôi nghĩ. (Ảnh minh họa)

May mắn tôi sinh mẹ tròn con vuông. Để sinh được, tôi bị rạch hơn chục mũi đau không khác gì mổ. Nằm viện 2 ngày được về nhà, hết thuốc tê tôi đau không đứng, không ngồi được. Sợ nhất lúc đi vệ sinh vừa buốt vừa xót khóc không thành tiếng, mẹ chồng tôi thấy vậy lại ngẩn người:

“Cố gắng lên con. Rạch thế nát hết cả người bảo sao không đau”.

Xót ruột nhìn con dâu đi lại khó khăn, bà bưng luôn bô vào tận giường bảo:

“Vừa đẻ xong còn yếu, vết khâu đau đi lại rồi ngã ra lại khổ. Tốt nhất con cứ đi vào bô này, mẹ sẽ mang đổ cho”.

Tôi ngại bảo tự vào nhà vệ sinh được nhưng bà cười:

“Cùng là phụ nữ với nhau, hơn nữa với mẹ con giống như con gái nên không phải e ngại gì hết”.

Những ngày sau đó, bà bưng bô vào tận giường cho tôi. Nhìn bà lụi hụi phục vụ con dâu không 1 lời than phiền, lúc nào cũng niềm nở vui vẻ tôi mới cảm nhận hết được tình cảm bà dành cho mình là rất thật. Bà đã coi tôi như máu mủ ruột thịt chứ không hề làm khó hay ghét bỏ giống như tôi đã nghĩ về bà trước đó.

Tôi thấy mình may mắn quá khi có một người mẹ chồng tuyệt vời như vậy. Nhờ có bà chăm sóc mà vết rạch sau sinh thường của tôi hồi phục rất nhanh.

Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn khi sinh thường

Việc chăm sóc đúng vết khâu tầng sinh môn sau sinh là kiến thức mọi phụ nữ cần biết để tránh nhiễm trùng và tăng tốc độ chữa lành các cơ trực tràng và vùng chậu. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn giảm đau và nhanh lành vết khâu hiệu quả:

- Vết khâu tầng sinh môn có thể bị đau nhiều, do vậy bạn có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm viêm sưng. Bạn có thể ngồi vào bồn nước lạnh, sau đó lau khô vết khâu với khăn sạch.

- Thuốc giảm đau là biện pháp hiệu quả với bạn. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ để được kê thuốc giảm đau mà không ảnh hưởng đến sữa mẹ.

- Nếu bị đau khi ngồi, bạn nên ngồi trên đệm hơi có thể điều chỉnh được sự căng phồng để giúp bạn thoải mái hơn.

- Nhiều người sẽ thấy đau khi quan hệ trong vài tháng đầu. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên nói với chồng và chờ đợi cho đến khi vết khâu rạch tầng sinh môn lành hoàn toàn.

- Giữ vết khâu sạch sẽ và khô ráo theo lời khuyên của bác sĩ, đặc biệt là sau khi tiểu tiện. Nếu việc đại tiện khiến bạn đau nhiều, bạn nên dùng thuốc làm mềm phân trước.

- Giữ vùng vết khâu khô ráo và sạch sẽ. Bạn nên rửa vùng này nhanh bằng vòi sen và lau khô nhẹ nhàng. Không nên thụt rửa, dùng tampon hay quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ cho phép. Bạn cũng có thể hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn hại cho vết thương.

- Lau vùng này cẩn thận từ trước ra sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ hậu môn.

- Bạn nên ăn chế độ dinh dưỡng, uống nhiều nước như thường trừ khi bác sĩ cho bạn lời khuyên khác; nghỉ ngơi nhiều hơn và chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng.

- Tập bài tập sàn chậu thường xuyên hơn để giúp máu lưu thông và thúc đẩy lành vết thương.

- Thay đổi băng vệ sinh thường xuyên và đảm bảo không làm tổn thương đến vết khâu.

Điều quan trọng là bạn cần nghỉ ngơi để vết thương nhanh lành. Bạn có thể di chuyển xung quanh nhà để tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn và giúp vết khâu mau lành hơn.

Sợ mẹ chồng khó tính lúc sinh không dám nhờ, hành động nhỏ của bà trong viện khiến tôi hổ thẹn - 3

Có bao nhiêu mẹ ở đây hiểu đúng về RẠCH và KHÂU tầng sinh môn khi sinh thường?
Tại sao hầu hết các mẹ bầu, dù chưa sinh thường lần nào lại sợ hãi việc khâu tầng sinh môn đến vậy? Đó là bởi những "kinh nghiệm" của không ít các mẹ...

Bà bầu cần biết

Theo Nắng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự bà bầu