Không biết có phải đang bầu bí mà tính khí của vợ tôi càng thêm khó hiểu, cụ thể là nói một đằng nhưng diễn biến tâm lý lại một nẻo. Nói 8/3 chẳng thích hoa quà vì lãng phí, tôi nghe lời rồi nhận cái kết đắng.
Vợ tôi đang mang thai con đầu lòng, chỉ ít hôm nữa là tới ngày dự sinh. Vì bụng khá nặng nề nên cô ấy xin nghỉ thai sản từ gần 1 tháng trước để ở nhà nghỉ ngơi, tránh phải đi lại nhiều. Từ ngày nghỉ ở nhà, tâm trạng vợ cũng không vui, chắc do không có bạn bè, đồng nghiệp thân quen trò chuyện mỗi ngày, nên cô ấy cũng có đôi chút hụt hẫng.
Hiểu tâm lý vợ nên tôi muốn… bù đắp cho cô ấy một món quà nào đó dịp 8/3. Khi tôi hỏi: “Vợ muốn chồng tặng quà gì? Cả hoa và quà luôn nhé, lãng mạn như thuở mới yêu luôn”.
Vợ tôi suy nghĩ một hồi rồi bảo: “Thôi, hoa với quà làm gì cho lãng phí, em sắp sinh rồi, vợ chồng mình tiết kiệm một chút để lo cho con. Mấy thứ lãng mạn ấy chắc dành cho đôi nào còn yêu nhau, mình kết hôn rồi thiết thực thôi chồng”.
Vì bụng khá nặng nề nên cô ấy xin nghỉ thai sản từ gần 1 tháng trước để ở nhà nghỉ ngơi, tránh phải đi lại nhiều. (Ảnh minh họa)
À, hóa ra vợ tôi đã thực sự trở thành người phụ nữ chín chắn, một người mẹ thật rồi. Khác xa so với tính cách trước đây của cô ấy. Khi còn yêu nhau, những ngày kỷ niệm hoặc các dịp lễ, dù lớn dù nhỏ tôi cũng đau đầu nghĩ tặng gì cho nàng. Lúc thì nhẫn, lúc thì dây chuyền, khi thì mỹ phẩm, túi xách, giày dép rồi cả hoa nữa nàng mới không giận dỗi. Giờ thì… nhìn vợ khệ nệ bụng bầu, nhắc đến ngày 8/3 mặt không cảm xúc, tự dưng tôi cũng thấy mủi lòng.
Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng nhẽ vợ nói thế mình không tặng gì, tôi cũng lăn tăn trong lòng. Chợt nhớ vợ sắp sinh, đồ sơ sinh tuy cũng mua hòm hòm nhưng nếu mua thêm chắc cũng không thừa. Vợ từng bảo sau này chắc tiền bỉm sữa tốn lắm đây, sữa thì tôi chưa dám mua, nhưng bỉm thì chắc chắn cần dùng.
Nghĩ thế hôm sau đi làm về, tôi ghé qua cửa hàng dành cho mẹ và bé, mạnh dạn đặt hẳn 3 bịch bỉm newborn. Vợ tôi nói mấy tháng đầu tốn bỉm lắm, chắc 3 bịch này cũng được 2 tháng không cần phải đi mua. Vì mua liền lúc 3 bịch, tôi còn được giảm giá kha khá, tính ra hết có hơn 1 triệu đồng. Kiểu này về vợ không khen hơi phí, vừa là ông bố đảm, vừa biết tính toán chi tiêu.
Thế nhưng về nhà, thấy vợ đang lúi húi chuẩn bị đồ ăn, tôi hồ hởi bê 3 bịch bỉm trên tay. Vợ trố mắt lên hỏi: “Gì đây?”. Tôi bảo: “Quà cho em và con gái 8/3 đấy, tâm lý chưa nào”. Đáp lại nụ cười khoái chí của tôi vợ hét lên một tiếng rõ to: “Giời ơi là giời, chồng người ta tặng này tặng nọ cho vợ, nào vòng vàng nhẫn kim cương, chồng tôi mua hẳn mấy bịch bỉm”.
Phụ nữ thật khó hiểu quá đi mà, muốn chiều cũng không được mà không chiều thì hậu quả nhớ đời luôn. (Ảnh minh họa)
Lúc này, lại đến lượt tôi trố mắt lên: “Vợ bảo không thích hoa quà vì lãng phí, anh mua thế này thiết thực thì vợ lại dỗi, là sao, sao thế?”. Vợ lại nhấm nhẳng: “Sao trăng cái gì, đúng là vô tri”.
Thế rồi từ lúc đó vợ không nói câu nào, tối đến cũng đóng sầm cửa đi ngủ trước, hại tôi phải ra sofa ngủ cả đêm rồi. Phụ nữ thật khó hiểu quá đi mà, muốn chiều cũng không được mà không chiều thì hậu quả nhớ đời luôn. Nhưng điều tôi canh cánh là vợ sắp đến ngày dự sinh rồi, nhỡ cô ấy có dấu hiệu chuyển dạ mà lại đang giận chồng, cứ nằm 1 mình trong phòng thế thì sao.
Các mẹ có kinh nghiệm cho tôi biết dấu hiệu sắp sinh là gì với.
Các dấu hiệu sắp sinh và chuyển dạ thường gặp
Theo quan niệm, quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày là đến ngày sinh nở, tuy nhiên, việc sinh nở thường rất khó theo kế hoạch và bé yêu có thể chào đời bất cứ lúc nào. Do vậy, mẹ bầu có thể tham khảo 6 dấu hiệu sắp sinh dưới đây để chuẩn bị tâm lý “vượt cạn”:
Sa bụng dưới: Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ di chuyển dần xuống khu vực xương chậu của người mẹ để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hiện tượng này có thể xảy ra trước một vài tuần hoặc thậm chí vài giờ trước khi sắp sinh thật, đặc biệt dễ nhận biết đối với trường hợp sinh con đầu lòng. Song, đối với những mẹ bầu sinh con lần thứ 2 trở đi, dấu hiệu này thường khá mơ hồ và chỉ cảm nhận được khi “cuộc vượt cạn” chính thức bắt đầu. Lúc này, thai nhi đã ở tư thế sẵn sàng chào đời: đầu trẻ quay xuống phía dưới và ở vị trí thấp.
Cơn gò tử cung: Cơn gò tử cung chuyển dạ là một trong những dấu hiệu chuyển dạ mà thai phụ thường gặp nhất. Lúc này, thai phụ sẽ thấy bụng gò cứng lên, đau nhiều hơn và không giảm dù đã thay đổi tư thế. Tần suất các cơn gò thật sự diễn ra liên tục và đều đặn hơn, khoảng 5 – 10 phút sẽ xuất hiện một cơn gò kéo dài từ 30 – 60 giây, sau đó tăng dần 2-3 phút có 1 cơn. Vì vậy, sẽ không quá khó để thai phụ có thể phân biệt giữa co thắt sinh lý và co thắt chuyển dạ.
Vỡ ối: Đây là dấu hiệu sắp sinh rõ ràng cho thấy phụ nữ mang thai bắt đầu chuyển dạ, sắp sinh em bé.
Cổ tử cung giãn nở: Trong những tuần cuối của thai kỳ, đoạn dưới của tử cung sẽ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sinh bằng cách giãn ra và mỏng đi dần trước khi mẹ bầu chuyển dạ nhằm “thông đường” cho trẻ chào đời.
Mất nút nhầy: Nút nhầy là một khối chất nhầy dày nằm tại lỗ cổ tử cung, được hoạt động như một hàng rào ngăn chặn vi khuẩn, virus và các nguồn lây nhiễm khác đi vào tử cung. Vào khoảng tuần 37 - 40 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết ra chất nhầy hồng hoặc hơi đỏ, đây chính là hiện tượng mất nút nhầy cổ tử cung nhằm “dọn đường” cho trẻ chào đời.
Chuột rút, đau thắt lưng: Khi sắp sinh, bạn sẽ cảm thấy những cơn chuột rút xuất hiện thường xuyên hơn. Đồng thời, tình trạng đau mỏi hai bên háng hoặc vùng lưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu là lần đầu tiên bạn mang thai, các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh nhận biết sẽ rõ ràng hơn.