Dù đã khám tới 3 phòng khám khác nhau, với các mức giá chênh lệch chẳng đáng là bao nhưng lần nào chồng tôi cũng than phiền dịch vụ quá đắt đỏ.
Tôi mang thai con thứ hai đến nay tròn 12 tuần, điều đáng mừng là cả mẹ và con đều khỏe. Thế nhưng, thay vì giống như những bà mẹ khác háo hức đi khám thai định kỳ để được gặp con yêu thì với tôi đi khám thai chẳng khác nào một nỗi ái ngại.
Chuyện xuất phát từ tính rạch ròi tiền bạc quá đáng của chồng. Chúng tôi chẳng quá dư dả tiền bạc nhưng sống ở thành phố cũng gọi là vừa đủ. Mỗi lần tôi đi khám thai, chồng đều cẩn thận đưa đi, vào tận khu vực siêu âm để trao đổi và nghe bác sĩ giải thích.
Mỗi lần tôi đi khám thai, chồng đều cẩn thận đưa đi, vào tận khu vực siêu âm để trao đổi và nghe bác sĩ giải thích. (Ảnh minh họa)
Lần đầu, khi thử que 2 vạch, chồng chở tôi đến phòng khám gần nhà. Em bé lúc này được hơn 5 tuần tuổi, đã có tim thai, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng bao nhiêu niềm vui chợt tan biến khi xuống khu vực thanh toán, chồng tôi trố mắt hỏi cô nhân viên: “Vợ anh vừa vào siêu âm có tí làm gì mà gần 200.000 đồng thế? Bên em đúng là tính giá cắt cổ, thế này thì ai còn dám đến khám”.
Tôi á khẩu, hẩy nhẹ tay chồng ra hiệu đừng nói nữa. Cô nhân viên cũng ngượng ngùng giải thích: “Đây là giá dịch vụ chung rồi anh ạ”.
Về nhà, chồng tôi vẫn không ngừng thắc mắc: “Cái phòng khám đó nhìn cũng bình thường, bác sĩ cũng đâu phải là bác sĩ nổi tiếng, lấy thế là đắt đấy, lần sau nhà mình không qua đó nữa”.
Khoảng 3 tuần sau, chúng tôi lại tìm một địa chỉ phòng khám mới. Chồng tôi lúc này đã tìm hiểu trước bảng giá dịch vụ, anh bảo giá siêu âm 2D là 250.000 đồng. Thế nhưng khi vừa đến nơi, nhân viên tại phòng khám yêu cầu tôi đi lấy nước tiểu và chi phí cho dịch vụ xét nghiệm nước tiểu là 50.000 đồng.
Chồng tôi hậm hực ra mặt, trong lúc bác sĩ đang siêu âm cho tôi, anh buông câu: “Xét nghiệm nước tiểu có cần thiết không bác sĩ? Em thấy chỉ siêu âm cũng đủ rõ quá trình phát triển của thai nhi, xét nghiệm thêm nước tiểu rõ chỉ vẽ ra thu tiền”.
Nghe chồng nói tôi chỉ muốn có một cái hố nào đó chui xuống cho đỡ ngại. Bác sĩ siêu âm cũng cau mày tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn giải thích việc này nhằm xác định những dấu hiệu tiềm ẩn qua các chất khác nhau có trong nước tiểu của mẹ bầu.
Qua hai lần bị chồng làm cho bẽ mặt, ngại vì nhiều người trong phòng khám nghĩ chúng tôi so đo, kẹt xỉ. Tôi quyết định lần khám thai tiếp theo sẽ không để chồng đưa đi nữa. Quả thật, lần siêu âm tuần thứ 12 trải qua khá êm đềm và dễ thở. Tôi nhủ thầm trong bụng “thà tự thân vận động cho sướng thân”, thì ôi thôi, chồng tôi vẫn không buông tha.
Tối về, anh hỏi tôi hôm nay khám xét thế nào, hết chi phí bao nhiêu, tôi giải thích siêu âm 4D nên hết 400.000 đồng, kèm xét nghiệm nước tiểu và mua một số loại thuốc. Tổng cộng hết gần 2 triệu đồng.
Chồng đang ăn cơm đánh rơi đôi đũa, anh hỏi dồn: “Em làm cái gì mà hết gần 2 triệu, anh không tiếc tiền cho vợ con nhưng cũng vừa phải thôi chứ, em đừng có để mấy cái phòng khám tư dắt mũi. Lần này mất tiền rồi thì thôi, lần sau vào bệnh viện công mà khám. Bao nhiêu người vào đó vừa rẻ, vừa tốt, cớ sao mình cứ phải tốn kém làm gì”.
Tôi bực tức nhưng cố nín nhịn sự tức giận vì không muốn vợ chồng cãi vã. Nhưng chồng tôi vẫn tiếp lời: “Đấy ngày xưa có bầu Bon (con lớn của chúng tôi) ở quê, đi khám mỗi lần hết có hơn trăm nghìn, vừa rẻ vừa tiện, con đẻ ra vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Giờ lên thành phố thì bày đặt tốn kém giống người ta, phải biết tiết kiệm sau này còn lo cho con”.
Chẳng hiểu chồng tôi nghĩ gì mà hết lần này đến lần khác ý kiến việc đi khám thai đắt đỏ. (Ảnh minh họa)
Tôi giận đến mức không ăn nổi bữa cơm tối, bỏ vào phòng nằm nghỉ. Chẳng hiểu chồng tôi nghĩ gì mà hết lần này đến lần khác ý kiến việc đi khám thai đắt đỏ. Tôi không chê bệnh viện công, quả thực ở đó khám xét giá thành hợp lý nhưng đổi lại tôi phải đi quãng đường rất xa. Chưa kể tôi cũng không thể tự đi xe máy được mà phải gọi xe ôm công nghệ hay taxi. Tính ra tổng chi phí cũng chẳng hơn kém nhau là mấy mà rất mệt mỏi.
Thế nhưng, dường như chồng tôi chẳng chịu hiểu điều đó. Có thể, anh vì muốn tiết kiệm lo đến lúc tôi sinh nở nhưng quả thực, sự so đo của anh khiến tôi cảm thấy tủi thân vô cùng. Chưa dừng ở đó, trước khi đi ngủ ảnh còn dặn với thêm câu: "Lần sau em không phải đi khám thai định kỳ nữa, ở quê đầy người có đi khám thai định kỳ đâu mà vẫn sinh con ra khỏe mạnh đấy thôi".
Đến nước này thì tôi cạn lời, vì tiếc tiền khám mà chồng còn bảo tôi không đi khám thai định kỳ.
Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
Lần thứ 1: Tuần thứ 5 - 8
Việc khám thai lần đầu thường diễn ra khi mẹ bầu biết mình có thai ở tuần thứ 5 – 8. Trong lần này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ, kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai nhằm phát hiện các bất thường như thai ngoài tử cung...
Lần khám thai thứ 2: Tuần thứ 11 -13 tuần 6 ngày
Trong lần này, bác sĩ vẫn tiến hành kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định làm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra các bất thường lớn có thể gặp ở tuổi thai này ví dụ như: thai vô sọ, thoát vị rốn, bang quang lớn..., đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down và một số bệnh bất thường về nhiễm sắc thể. Mẹ bầu cũng có thể lựa chọn làm xét nghiệm NIPT nếu như được bác sĩ chỉ định.
Lần khám thai thứ 3: Từ tuần 16 - 22
Ngoài kiểm tra sức khỏe của mẹ và các chỉ số phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test, đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 – 18 của thai kỳ.
Lần khám thai thứ 4: Từ tuần 22 - 28
Lần này, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung và vòng bụng sản phụ để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai, siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.
Mẹ bầu cũng sẽ được tầm soát đái tháo đường thai kỳ và nếu có bất thường sẽ được bác sĩ tư vấn thay đổi chế độ ăn, lối sống và có thể dùng thêm thuốc nếu tình trạng nặng hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng được tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.
Lần khám thai thứ 5: Từ tuần 28 - 32
Các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm tầm soát dị tật trong quý 3 để phát hiện các bất thường của thai nhi như: tắc ruột, giãn não thất, nhiễm trùng bào thai, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi.... Trong lần khám thai này, thai phụ sẽ được tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi thứ 2.
Lần khám thai thứ 6: Từ tuần 32 – 34
Quá trình siêu âm được thực hiện để kiểm tra tim thai, kích thước thai nhi.
Lần khám thai thứ 7: Từ tuần 34 - 36
Bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá tương tự ở lần khám thai thứ 6 để theo dõi sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ.
Lần khám thai thứ 8,9,10: Từ tuần 36 - 39
Đây là giai đoạn quan trọng vì thai phụ sắp bước vào quá trình chuyển dạ. Khoảng một tuần/lần, thai phụ sẽ được hẹn tái khám. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, đo monitor và kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ.