Đứa bé tiếp tục làm việc mà mẹ vẫn hay cấm dù biết rằng mẹ đang theo dõi camera.
Nuôi và dạy con là cả một quá trình dài đối với các bậc cha mẹ. Khi các con lớn dần, việc nuôi có thể dễ dàng nhưng dạy dỗ có vẻ lại càng khó khăn hơn bởi trẻ có những quan điểm và chính kiến riêng của mình, thậm chí còn hay cãi lại lời cha mẹ khiến người lớn đau đầu ứng phó.
Một bà mẹ ở Hồ Bắc (Trung Quốc) mới đây chia sẻ câu chuyện mà bản thân đang gặp phải tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa dạy con sâu xa. Chị kể "Con gái tôi thường xuyên được nghỉ thứ 7 ở nhà nhưng tôi vẫn phải đi làm. Thế nên trước khi đi làm tôi thường dặn dò con ở nhà học bài và làm việc nhà giúp mẹ, không được xem tivi, mẹ có thể nhìn thấy hết qua camera trong nhà đó.
Đứa trẻ vâng dạ rất ngoan nhưng vào một hôm tôi mở camera giám sát ra thì phát hiện con gái đang ngồi sofa, quấn chăn và lén xem tivi, tôi nói vọng vào camera rằng 'Mẹ đang xem đó, không được coi tivi nữa' ý muốn nhắc nhở đứa trẻ rằng mẹ đã biết. Thế nhưng phản ứng của cô con gái khiến tôi vừa bất ngờ, vừa bật cười nhưng lại khá lo lắng".
Ban đầu cô con gái có phần giật mình sợ hãi vì việc làm lén lút của mình bị mẹ phát hiện, bé ngẩng đầu nhìn camera giám sát rồi thấp giọng lẩm bẩm điều gì đó.
Bà mẹ tưởng chừng con gái sẽ tắt tivi đi ngay nhưng không ngờ cô bé đi quanh nhà để tìm kiếm điều gì đó. Cuối cùng cô bé quay trở lại phòng khách với 1 quả bóng bay cầm trên tay. Cô bé đã thổi to quả bóng đó và cho nó bay đến khu vực camera giám sát để vừa vặn chắn camera.
Tưởng rằng quả bóng đã che được camera nên cô nhóc ngồi xuống và tiếp tục theo dõi phim hoạt hình. Cô bé không nghĩ rằng quả bóng bay chỉ chặn được một phần của camera và hình ảnh cô bé ngồi xem phim hoạt hình vẫn bị lộ ra và mẹ nhìn thấy.
Ban đầu khi nhìn thấy cảnh này, người mẹ bật cười vì hành động đáng yêu của con gái. Thế nhưng sau đó cô nhanh chóng nghĩ đến những điều sâu xa hơn nên liên tục nhắc nhở con gái không được làm những điều mẹ cấm khi ở nhà một mình nữa.
Bà mẹ cho rằng xem tivi là việc đơn giản nhưng con gái sẵn sàng tìm cách để dối trá với mẹ, vậy với những việc kinh khủng khác hơn nữa, bé sẵn sàng tìm cách nói dối và không nghe lời mẹ.
Trên thực tế không chỉ riêng bé gái nói trên mà có rất nhiều bé gái khác khi lớn dần sẽ dần phản kháng lại lời bố mẹ nói. Thậm chí là tìm cách để lừa dối bố mẹ.
Cha mẹ nên làm gì để nuôi dạy con ngoan hơn?
Hầu hết các mẹ hay cáu gắt và nóng giận khi trẻ không nghe lời, tuy nhiên đây không phải là phương pháp được chuyên gia khuyến khích. Vậy cha mẹ nên xử lý ra sao cho hợp tình hợp lý nhằm giúp trẻ ngoan ngoãn và biết nghe lời mình hơn?
Quan sát những lý do sâu xa đằng sau hành vi của con
Khi trẻ thể hiện thái độ chống đối, không nghe lời, hãy cố gắng bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi của con.
Cha mẹ hãy cố gắng tập cho bản thân thói quen là dành một ít thời gian để lắng nghe và nói chuyện trực tiếp với trẻ. Cơ hội trẻ lắng nghe mình nói cũng sẽ tăng lên nếu cha mẹ hoàn toàn chú tâm vào những gì mình đang yêu cầu trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ không muốn đi học mặc dù những ngày trước đó tâm trạng rất phấn khởi, cha mẹ hãy tìm hiểu xem ngày hôm trước cô giáo có nói điều gì làm trẻ buồn, hay xem trẻ có bị bạn bè bắt nạt ở trường không?
Cha mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình
Người xưa thường nói, "Bố mẹ nào, con nấy", tức là bạn là kiểu cha mẹ nào, con bạn sẽ là tấm gương phản chiếu điều đó, việc quản lý cảm xúc cũng không ngoại trừ.
Do đó, cha mẹ cần chú ý tới cảm xúc của chính mình trước, từ đó có thể giúp đỡ điều chỉnh, hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của bé.
Khi xúc động và muốn quát mắng con cái, cha mẹ nên dừng lại một chút, hít thở sâu và suy nghĩ xem tại sao bản thân lại mất bình tĩnh và điều này có thể ảnh hưởng gì đến trẻ.
Có thể tổ chức họp gia đình mỗi tháng một lần
Một cách tuyệt vời để trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn là tổ chức các cuộc họp gia đình, cha mẹ có thể bắt đầu khi trẻ khoảng 4 tuổi.
Để có buổi họp mặt gia đình, cha mẹ cần chuẩn bị những thứ sau:
- Lập kế hoạch thời gian cho cuộc họp: Tạo thói quen tổ chức các cuộc họp vào cùng một thời điểm hàng tháng hoặc hàng tuần.
- Chuẩn bị nội dung cuộc họp: Ví dụ, cuộc họp được chia thành những phần nào, ai sẽ phát biểu trước và những khía cạnh nào của nội dung sẽ được đề cập, những điều này phải được chuẩn bị trước.
- Ghi lại nội dung cuộc họp: Nội dung cuộc họp cần ghi lại ai cần chú ý những vấn đề gì, việc gì cần làm phải có cơ sở, trong cuộc họp sau mọi người có thể khen ngợi và cải thiện hành động của mình.
Trò chuyện với con nhiều hơn
Cha mẹ nên trao đổi và dành thời gian trò chuyện với trẻ để có thể hướng sự chú ý và làm cho trẻ quên đi sự căng thẳng đang hiện hữu .
Nếu cha mẹ không lắng nghe con, mà chỉ chăm chăm vào việc trẻ đã làm sai, trẻ có thể cảm thấy như bị bỏ rơi, và không được yêu thương.