Du lịch An Giang, du khách chắc chắn sẽ "ngất ngây" khi nếm thử những đặc sản này.
Gỏi sầu đâu
Là một món khá lạ, đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua khi đến An Giang. Được biết đến với tên gọi sầu đâu, sầu đông hay cây xoan, loài cây đặc trưng của vùng đất An Giang với thân và hoa màu xanh sẫm, ít đắng, có tính mát.
Bạn có thể thưởng thức món gỏi sầu đâu với thịt, tôm, hải sản hay gỏi cá,... Nổi tiếng nhất là sự kết hợp của sầu đâu khô cá lóc, bạn có thể thưởng thức thử. Điểm nổi bật của món gỏi sầu đâu này chính là đọt non của lá sầu đâu, sau khi trụng nước sôi sẽ trộn đều với những nguyên liệu khác và nước mắm chua ngọt.
Tất cả tạo nên sự hòa quyện của vị ngọt của tôm tươi, vị mềm béo của thịt, vị hơi đắng nhẹ nhưng ngọt hậu của lá sầu đâu và vị cay nồng của mắm ớt, ban đầu bạn sẽ cảm thấy hơi khó ăn, nhưng càng ăn bạn sẽ càng bị “cuốn” và khó mà “buông đũa”.
Lẩu mắm
Thành phố Châu Đốc được mệnh danh là vương quốc mắm vì hầu hết các chợ trong vùng đều có một khu dành riêng bán các loại mắm: mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái… Mắm Châu Đốc nổi tiếng với mùi đặc trưng, có vị rất đặc biệt và được đánh giá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế những món ăn làm từ mắm ở đây rất phong phú và lẩu mắm là một trong số đó. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt… Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích.
Nước lẩu được nấu cùng với cá basa, cá kèo, cá bông lau, cá lóc… Để gia tăng sự phong phú của món ăn người ta cho vào cả chả cá và thịt ba rọi. Lẩu mắm ăn kèm với cà tím cắt khúc, bông so đủa, điên điển, bông súng… và bún tươi. Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… hòa quyện tạo nên ấn tượng khó phai.
Bò cạp Bảy Núi
Khó có địa phương nào ở Việt Nam mà các món ăn từ côn trùng lại nhiều như ở An Giang. Cũng vì vậy mà bò cạp Bảy Núi đã trở thành đặc sản An Giang mà không phải du khách nào cũng dám thử. Món ăn này được bán nhiều nhất ở khu chợ Tịnh Biên. Vì giáp ranh với Campuchia nên các đặc sản An Giang có phần kinh dị này không chỉ phục vụ người Việt mà còn có cả người Campuchia.
Những con bò cạp đen thui còn sống bò qua bò lại trong khá đáng sợ. Nhưng khi được chế biến chiên lên giòn rụm, vàng tươi thì cũng không kém phần hấp dẫn. Theo kinh nghiệm du lịch An Giang của nhiều người từng ăn qua món này thì hương vị của món Bò cạp Bảy núi cũng khá ngon.
Thịt bò bảy món
Một đặc sản vùng Châu Đốc khác cũng được khá nhiều thực khách ưa chuộng là món bò bảy món núi Sam, nghe cái tên chắc hẳn bạn cũng đã hình dung được, với món thịt bò đơn giản bạn sẽ được thưởng thức đến 7 món với hương vị hấp dẫn. Một mâm đầy đủ sẽ được chia thành 07 phần nhỏ với thành phần chính là thịt bò tươi nhưng cách thức chế biến ở mỗi phần là hoàn toàn khác nhau.
Bạn có thể lựa chọn những món như bò bít tết, lúc lắc, cháo bò, bò xào lá giang, lòng bò luộc,… Với cách chế biến đặc trưng, bạn sẽ bị cuốn hút với những miếng bò mềm, được ướp tẩm khá đậm đà. Ngoài ra, các quán ngoài bò cũng có bán kèm nhiều món đặc sản An Giang, bạn có thể tranh thủ thưởng thức.
Bánh canh Vĩnh Trung
Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) được làm từ gạo thơm Neang Nhen trồng ở vùng cao của người Khmer vùng Bảy Núi. Nhìn qua, sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà đầy lẳn, trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột và dai mềm, lạ miệng.
Trên trục đường Lê Lợi đi từ trung tâm Tịnh Biên đến biên giới Campuchia, du khách sẽ nhận ra có nhiều quán bánh canh đông khách. Sợi bánh được trụng chín để trong tô, chủ quán đặt nhân giò heo, bò viên, miếng cá lóc đều trên mặt bánh rồi rưới ngập nước lèo trong vắt, rắc thêm nhúm hành ngò phi thơm lừng. Khi ăn cần chế thêm một chén mắm nhỏ kèm ớt chưng để chấm phần nhân, làm tăng vị ngon tối đa cho tô bánh canh. Tô bánh canh với nước súp trong vắt, đậm đà nóng hổi, bốc khói và thoang thoảng hương thơm của các loại gia vị, hành ngò đã làm nức lòng thực khách. Cộng với sợi bánh trắng nõn, dai, thơm và có vị beo béo khi cắn phải khiến ta đã ăn một đũa lại muốn ăn tiếp nữa.