Đến thành phố hoa phượng đỏ, du khách nhất định phải thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như bánh đa cua, bánh mỳ cay, nem cua bể…
Nem cua bể
Nem cua bể (hay còn gọi là nem vuông) là đặc sản nổi tiếng nhất Hải Phòng. Nó được làm từ nhiều loại nguyên liệu như tôm, cua, thịt, mộc nhĩ… Thậm chí người ta phải dùng thịt cua ở vùng biển Cát Hải, Đồ Sơn để tạo ra hương vị của nem được ngon và chuẩn nhất.
Các nguyên liệu được trộn cùng gia vị theo bí quyết của người dân thành phố hoa phượng đỏ, sao đó gói trong lớp bánh tráng giòn giòn rồi chiên vàng là đã có thể thưởng thức. Món ăn này ăn kèm với nước mắm ớt, đu đủ chua ngọt và rau sống.
Bánh đa cua
Một bát bánh đa cua Hải Phòng chuẩn và đúng vị được tạo nên từ nhiều thành phần khác nhau. Đầu tiên là bánh đa đỏ vừa mềm vừa dai. Sau khi trần qua nước dùng, bánh đa cua sẽ được để vào tô, thêm chả cá, chả lá lốt, gạch cua, thịt bề bề, rau sống, hành phi và hành lá. Cuối cùng chính là nước dùng thơm, béo ngậy được nấu từ gạch cua.
Bánh mỳ cay
Bánh mỳ cay (hay còn gọi là bánh mỳ que) có hình dáng khá đặc biệt, to bằng 2 ngón tay, dài hơn một gang tay và giống chiếc que. Nguyên liệu để làm ra nó rất đơn giản, chỉ cần bột mì, muối và bột nở. Nhưng để ra lò chiếc bánh thơm giòn cần phải biết trộn bột đúng tỷ lệ, nướng đúng độ…
Ngoài ra, nhân bánh rất quan trọng, thường là pate được nấu từ gan lợn, mỡ và thịt nạc, thêm chút hạt tiêu… Sau khi xay nhuyễn hỗn hợp trên, người ra sẽ hấp cách thủy khoảng 6 tiếng. Khi ấy pate sẽ rất mềm, béo vừa phải và đậm đà.
Nước mắm
Được chế biến theo công thức gia truyền, từ nguyên liệu tươi ngon có nguồn gốc từ chính các loại hải sản của Hải Phòng. Nó có hương vị mặn đến trước, càng về sau càng ngọt.
Để chọn được nước mắm Cát Hải đúng vị, du khách đến xem kỹ bao bì, nhãn mác rồi đến hương thơm tự nhiên, đậm đà, không gắt. Đặc biệt, nó sẽ mặn hơn nước mắm công nghiệp, không chất bảo quản. Nước mắm có thể dùng để chấm các món chiên, luộc hoặc nêm nếm vào món kho, canh…
Nem chua
Nem chua ở xã An Thọ (An Lão) vô cùng thơm ngon, không hề kém nem chua Thanh Hóa chút nào. Nó có thể ăn kèm với cơm nóng hoặc dùng làm mồi nhậu trong các bữa lai rai của cánh mày râu.
Cách chế biến nem chua An Thọ không khó nhưng phải khéo léo. Công đoạn quan trọng nhất là lựa thịt bởi nó là nguyên liệu chính trong nem, thịt ngon thì nem mới ngon. Lựa thịt xong, người dân phải dùng dao lọc gân sơ. thái thành lát mỏng rồi xắt mỏng bì, trộn thịt, bì và các gia vị theo tỉ lệ thích hợp, để lên men tự nhiên. Khi nem đủ chín là có thể thưởng thức được.
Nem chua thường ăn kèm với cá loại rau sống như lá sung, mơ lông, xà lách. Sau đó, du khách có thể chấm nước mắm chua ngọt để thưởng thức trọn vẹn hương vị của đặc sản này.
Rượu nếp cái hoa vàng
Xuất phát từ nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng – một loại gạo thơm ngon, khác với các giống lúa thông thường. Hương vị thơm ngon của gạo khi ủ rượu sẽ tạo ra một loại rượu có mùi vị thơm mức và vị ngọt đậm đà.
Men của rượu nếp cái hoa vàng Hải Phòng được nấu theo phương thức cổ truyền. Ngoài nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng, loại rượu đặc sản này còn chứa đến 36 vị thuốc Bắc. Sau đó người dân nấu trên bếp củi khoảng 4 tiếng đồng hộ, ủ trong chum sành ít nhất 1 năm mới được uống.
Mực khô Cát Bà
Ngoài sá sùng và cá thu khô, mực khô Cát Bà chính là đồ khô được nhiều du khách yêu thích nhất bởi hương vị ngon ngọt và khác biệt.
Những con mực tươi rói với kích thước to lớn được ngư dân đánh bắt ngay trong vùng biển xanh mát của đảo Ngọc. Sau đó mực sẽ được sơ chế sạch sẽ , xẻ ra và treo thành hàng lên sợi dây căng sẵn, phơi ngay khi thuyền cập bến.
Mực khô Cát Bà khi phơi dưới nắng vẫn còn rất tươi, lưng có màu hồng đẹp mắt, bụng trắng trẻo, và không hề tanh. Nướng lên sẽ dậy mùi thơm hấp dẫn, nếm thử sẽ thấy thịt mực ngọt, dai, vô cùng đậm đà.