Gỏi sầu đâu, bò bảy món, bánh bò thốt nốt, cơm tấm… là những đặc sản nổi tiếng vùng đất An Giang làm nao lòng bao người.
Gỏi sầu đâu
Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở vùng đất An Giang…Nó có thân cao và thẳng, rất dễ trồng; lá màu xanh, vị đắng; hoa thì ít đắng hơn và thơm.
Từ lá sầu đâu, người dân có thể chế biến thành nhiều món ăn như sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm chưng… Nhưng nổi tiếng hơn cả là gỏi sầu đâu: gỏi tôm, gỏi cá, gỏi thịt và gỏi khô.
Cách chế biến gỏi đầu sâu khá đơn giản, chỉ cần đem đọt sầu đâu non đã trụng với nước sôi trộn đều với nước mắm ớt chua ngọt rồi thêm thịt, tôm, cá, nước me cùng các loại gia vị. Món ăn sẽ có vị đắng – cay – ngọt tạo nên cảm giác lạ làm ai thưởng thức sẽ rất khó quên.
Bò bảy món
Bò bảy món núi Sam là một trong những đặc sản nổi tiếng vùng Châu Đốc. Chỉ cần đi dọc đường chân núi Sam, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi các quán ăn treo biển quảng cáo “bò bảy món”: bò đun bánh hỏi, lòng bò luộc, cháo bò, bò kìa bánh mì, bò xào lá giang, bò bít tết và bò lúc lắc.
Cơm tấm
Đến thành phố Long Xuyên, du khách nhất định phải thưởng thức đặc sản cơm tấm. Món ăn này không giữ nguyên miếng sườn to bản, thịt được thái thành lát dài, tẩm ướp gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng.
Cơm tấm Long Xuyên còn có trứng kho. Trứng được chế biến gần giống trứng kho thịt nên vừa có màu gạch vừa thấm gia vị rất ngon. Ngoài ra, cơm tấm ở đây ăn kèm với bì lợn, mỡ hành, rau muống muối chua, cải chua…
Bánh canh
Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) làm từ gạo thơm Neang Nhen trồng ở vùng cao của người Khmer vùng Bảy Núi. Sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột và dai mềm, lạ miệng.
Tại các quán ăn ở Vĩnh Trung, người ta để sẵn sợi bánh chín trong tô rồi thêm giò lợn, cá lóc, bò viên… Ai đến ăn, họ sẽ rưới ngập nước lèo, bỏ hành ngò là xong.
Các món từ trái thốt nốt
Nước thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bia chua thốt nốt, đường nốt thốt… là những đặc sản vùng Bảy Núi hấp dẫn du khách. Trong đó bánh bò có thể xem là món ăn nổi tiếng hơn cả.
Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt, màu vàng ươm. Nó có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa.
Cháo bò
Cháo bò Tri Tôn có vị ngọt đậm đà, thơm ngon, khác hẳn với cháo ở đồng bằng. Cháo được nấu bằng gạo lúa mùa “sóc Khmer” thơm, dẻo cùng với nước thốt nốt tạo ra một nét đặc trưng.
Cháo ăn cùng với lá sách, gan, phèo, huyết, bánh mì… vô cùng thơm ngon. Nếu muốn hương vị đậm đà, du khách có thể ăn kèm với rau thơm, giá sống và trái chúc – giống trái chanh nhưng nồng và the the.
Gà đốt lá chúc
Gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, điều tạo nên vị ngon của món gà đốt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà ở bí quyết chế biến riêng của mỗi quán. Ngoài các loại gia vị muối, sả, ớt, tỏi thì lá chúc là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng.
Gà sau khi nướng chín có màu vàng bóng, thơm nức, thịt ngọt tự nhiên… Gà sẽ được chấm với muối ớt chanh, ăn kèm rau bắp chuối và rau răm.