Một loại rau rừng mang tên cây bông Gờ bỗng trở thành rau đặc sản ví như trời ban tỉnh Phú Yên

Ngày 02/02/2021 10:33 AM (GMT+7)

Em khoe trên Fb của mình về bông Giờ với những shot hình mộc mạc chân quê về loài hoa có cái tên là lạ ở quê em, hình như giống hoa gừng hoa nghệ mà hình như không giống bất kỳ loài hoa nào, có màu tím nhạt chen chút nhụy vàng như gây lưu luyến, để hoài niệm về một miền quê xứ biển xứ gió xa xôi.

-   Bông Giờ là bông gì vậy em? Nghe lạ quá.

-   Dạ, là loài hoa dân dã chỉ nở rộ trong vài tuần vào mùa thu quê Phú Yên.

-   Bông Giờ để ngắm chơi hay có gì đặc biệt mà thành hoài niệm quê?

-  Ôi, chị ơi, bông Giờ không chỉ ngắm vì vẻ đẹp dịu dàng thùy mị, mà còn là một loài “rau sạch”, đặc sản của Trời ban cho riêng miền đất biển Phú Yên quê em, như quà tặng mùa thu để bất kỳ ai xa quê, có thể quên gì chứ không thể quên hương vị từ các món ăn từ bông Giờ.

Một loại rau rừng mang tên cây bông Gờ bỗng trở thành rau đặc sản ví như trời ban tỉnh Phú  Yên - 1

Gần 700km đường bộ, em nâng niu túi bông Giờ mang vào Sài Gòn để biếu chị một hương vị quê độc đáo mà thân thương. Em đùa vui : “Một tí gọi là... nhưng cái lòng bự chà bá nha chị”. 

Chẳng phải một tí gọi là, mà nguyên một túi bông Giờ, em nâng niu sao đó mà vẫn tươi rói, cánh hoa mỏng trong, thoảng một hương thơm nhẹ rất khó gọi tên, như có hương cay ấm của gừng, hương nồng thơm của xả, hương tổng hòa của các loại rau lá thơm gia vị, cùng màu tím nhạt e ấp lả lơi thương chi thương lạ đến nao lòng…

 Bông Giờ quê em mỗi năm chỉ nở một lần vào mùa thu, khi mưa xuống làm đất mềm, kỳ lạ nhất là hoa như từ dưới đất mọc lên, rồi mới thấy lá. Và khi lá sum suê thì hoa tàn. 

Mà còn lạ nữa, hoa không phải bỏ công vun trồng chăm sóc, chỉ một lần trồng là sau một mùa cứ tự phát tán âm thầm dưới tầng đất, và khi những giọt mưa thu rắc xuống, hoa trồi lên như nấm, từng búp nõn nà tím nhạt, chen chúc dưới thân những bụi bồ ngót, táo nhơn, hàng rào dâm bụt trong vườn, hay ngoài cánh đồng…

 Đọc trong sách về thực vật, thì cây bông Giờ thuộc loài thân thảo, có bà con với Nghệ, thuộc họ nhà Gừng. Bông và lá giống nghệ, có vị the họ gừng, mỗi năm nở từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch. 

Hoa cánh mỏng, màu tím nhạt pha sắc sáng trắng, màu tím của làng quê rất khó gọi tên, mỏng như sương chiều buông trên biển, nhưng giản dị, thẹn thùng, gợi cảm dến se lòng. Trái ngược với cánh hoa, nhụy cứng cáp, màu vàng tươi như nắng, tỏa hương thơm nhẹ, giống hệt một bản hòa tấu êm ái các hương vị những loại rau lá thơm, cho cảm giác ấm áp mà gần gũi thân thiện.

 Em nói, bông Giờ có thể chế ra rất nhiều món ngon. Từ bình dân trong các bữa cơm gia đình như kho với cá rô bí, cá trầu cẩn, cá sặc, cá trắng đến cá đá trứng béo ngậy mùa mưa, để mâm cơm mẹ phải thêm vài nắm gạo cho các con thỏa sức. 

Cao hơn thuộc hàng mỹ vị là bông Giờ nướng với thịt heo, thịt gà trong ống tre hay lá chuối, thêm chút rau rừng, trở thành món không phải ai cũng có thể thưởng thức vì chỉ có trong vài tuần khi bông Giờ vào mùa.

Bông Giờ đổ bánh xèo, ăn kèm lá và các loại rau rừng hoặc xào như rau cũng rất được người vùng quê Phú Yên ưa chuộng. Món sáng trẻ quê Phú Yên mùa bông Giờ cũng độc đáo, bắc chảo lên phi chút dầu ăn, đổ bông Giờ, thêm giá vào xào vài phút, cho thêm xác đậu, nêm nước mắm, gia vị, xào năm bảy phút, rồi sau đó lấy bánh tráng nhúng nước hay bánh tráng phơi sương cuốn chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt là có bữa sáng nhà quê thịnh soạn, có thể cho trẻ chắc dạ đến trường.

Một loại rau rừng mang tên cây bông Gờ bỗng trở thành rau đặc sản ví như trời ban tỉnh Phú  Yên - 2

 Bông Giờ không chỉ kết với các loài động vật mà khi kết với các loại rau trái vườn quê như bầu, bí, mướp, mùng tơi, rau dền cơm, lá bát, rau ngót, sẽ trở thành món canh rau cực phẩm chỉ có ở đất Phú Yên mới định hương vị chuẩn. 

Và nếu thử cho vài bông Giờ vào nồi cháo cá, hay dĩa mì xào, hoặc bỏ vào trộn chung với hột vịt rồi chiên lên, chắc chắn sẽ cho ra một món ngon mà các nhà ẩm thực thuộc hàng quán quân “Master Chef” cũng ngả nón chào khâm phục bởi hương vị thơm đặc biệt mà rất khó có thứ rau lá nào có thể tạo được hay thay thế...

Ngoài ra, hãy một lần thử, ngắt vài bông Giờ cho vào nồi cơm gạo nương, hay bỏ vào xoong chè đậu ngọt, hoặc thêm vào ly sinh tố trái cây…

Một hương vị quyến rũ là lạ không bao giờ quên, để chỉ một lần thôi, đủ nhớ đất và người Phú Yên đến đậm lòng khó mà không muốn ghé lại lần nữa, thêm lần nữa, rồi “kết” với người Phú Yên hồi nào không hay.

Nhưng cũng rất đặc biệt, dù là loài hoa đồng quê bình dị, mọc từ trong lòng đất cát xứ biển, nhưng bông Giờ cũng biết “giá sang chảnh” dân dã của mình, chỉ chịu kết với cá đồng, cá suối, vật nuôi thả vườn.., các loại rau trái vườn quê, nếu mang bông Giờ kết hợp với cá biển ướp đá, các loại thịt nuôi công nghiệp hay những loại rau trồng trong nhà kính…, thì sẽ không ra hương ra vị của bông Giờ.

Cũng lại em dặn: Chị không cần chế biến gì cầu kỳ, cứ luộc lên rồi chấm nước mắm cá Phú Yên chánh hiệu cá cơm quê em, là sẽ “bay” ngay nồi cơm… Và bữa cơm giữa Sài Gòn của gia đình tôi vào một ngày thu mưa gió sụt sùi, dĩa bông Giờ luộc thơm thảo đặc biệt. Không chỉ thảo từ em đã cất công mang bông Giờ vượt ngót 700 cây số, mà còn thấm đậm thảo của người Phú Yên, quê hương của bông Giờ…

Cảm ơn em đã tặng chị một mỹ vị nhân gian mang tên bông Giờ đậm tình người Phú Yên.

Loại bánh được nướng bằng thứ bốc mùi, nghe đáng sợ nhưng làm nên hương vị đặc trưng
Người dân nơi đây khẳng định món bánh này phải được nướng bằng khói và tro đốt từ… phân bò mới có hương vị thơm ngon và đặc trưng.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương