Những người từng thưởng thức thứ rau rừng này cho biết chúng có vị chua, chát nhẹ, có thể chế biến thành nhiều món ngon.
Kon Tum nằm ở phía bắc Tây Nguyên, với vị thế quan trọng ở ngay ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Nơi đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Núi rừng Kon Tum có nhiều loại cây rừng, quả rừng có tên vô cùng lạ, tưởng chỉ mọc dại không ăn được, không ngờ là nguyên liệu độc đáo để chế biến thành nhiều món ngon. Trong số đó phải kể tới cây rau blu kít.
Người dân địa phương cho biết cây blu kít có nghĩa là đùi ếch. Thứ rau rừng này mọc ở trong rừng sâu, hoặc trên dãy núi Ngọc Linh có độ cao gần 2.000 m mới tìm thấy.
Anh Ngôm (ở làng Đắk Hơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết rau blu kít là một món ăn đặc sản riêng của Kon Tum mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.
Rau blu kít lạ miệng và vô cùng hấp dẫn, là đặc sản nổi tiếng ở Kon Tum, mấy năm gần đây được nhiều người tìm mua để thưởng thức
"Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Kon Tum chắc chắn sẽ không thể quên được mùi vị của rau blu kít. Thứ rau rừng này có vị chua, chát nhẹ. Do đó nó rất phù hợp để ăn kèm, cuốn thịt nướng hoặc bánh tráng thịt heo. Ngoài ra, người dân quê mình hay nấu canh sâm dây hoặc nhúng lẩu. Vị chua xen lẫn chan chát sẽ khiến người ta có cảm giác lạ, ăn hoài không chán.
Trước đây rau blu kít là món ăn "cứu đói", người dân lên rừng hái về để làm thành các món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình. Dần dần, khi cuộc sống khấm khá hơn, người thành phố có xu hướng tìm ăn các đặc sản lạ của núi rừng thì rau blu kít được biết tới nhiều hơn", anh Ngôm chia sẻ.
Anh Ngôm nói thêm, khi rau blu kít được biết tới, chúng được nhiều người tìm mua về thưởng thức. Trong các nhà hàng, hay quán ăn ở Kon Tum, thứ rau dại này cũng được đưa vào thực đơn để tiếp đãi khách.
Đến mùa, bà con lại vào rừng hái rau blu kít, bó thành từng bó ngay ngắn rồi bán cho các nhà hàng hay bán lẻ ở chợ quê. Rau blu kít hiện hiếm hơn xưa rất nhiều, không phổ biến như các loại rau khác nên phải đi vào rừng sâu mới tìm được.
Anh Hoàng (ở Đà Nẵng) tình cờ biết đến rau blu kít trong một chuyến du lịch tới Kon Tum. "Lúc vào nhà hàng, thấy có món rau lạ nên mình quyết định gọi thử. Khi ăn thấy hương vị của nó rất lạ, hơi chua, hơi chát nhưng lạ miệng và có sức cuốn hút. Sau đó mình có đặt mua của người dân địa phương về cho gia đình thưởng thức.
Về đến nhà, vợ mình ngạc nhiên hỏi lá rừng này cũng ăn được à? Mình bảo cứ chờ chế biến xong rồi ăn, sau đó hãy nhận xét. Khi nấu canh lên, vợ đã phải xin lỗi vì trước đó “đánh giá” sai thứ rau dại này. Nó mang hương vị đặc biệt, lạ miệng vô cùng", anh Hoàng nói thêm.