Đặc sản Hà Tĩnh có tên độc lạ, xưa dành cho "người nghèo", nay dân được ưa chuộng vì hương vị đặc biệt

Phú Nguyễn - Ngày 29/10/2024 23:52 PM (GMT+7)

Loại giò này được làm từ nguyên liệu chủ yếu là bột gạo tẻ xay mịn và thịt lợn. Thời còn nghèo khó, món ăn này gắn với những bữa cơm dân dã của người dân Hà Tĩnh.

Với một vị trí địa lý khá độc đáo, đặc sản Hà Tĩnh mang những nét đặc trưng hoà quyện giữa núi rừng, biển cả cùng với những phương pháp chế biến độc đáo tạo nên những món ngon ấn tượng. Trong số đó phải kể tới món giò bột. 

Nếu như giò lợn, giò bò, giò tai đã quá quen thuộc thì khi nghe tới tên giò bột, chắc chắn ai cũng tò mò về món ăn này, từ nguyên liệu đến cách chế biến. 

Giò bột được làm bằng nguyên liệu đặc biệt, khác với giò bò, giò lợn

Giò bột được làm bằng nguyên liệu đặc biệt, khác với giò bò, giò lợn

Người dân địa phương cho biết sở dĩ gọi là giò bột bởi nguyên liệu chủ yếu làm từ bột gạo tẻ xay mịn và thịt lợn.

"Món ăn này gắn các thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Trước đây, khi cuộc sống khó khăn, giò bột là món ăn quen thuộc nhưng thịt thời kỳ ấy hiếm, và cũng  không phải nhà nào cũng có đủ tiền để mua. Do đó, thịt để làm giò chỉ được điểm xuyết như một thứ gia vị. Còn bột gạo tẻ vẫn là chủ yếu, có lẽ vì lý do đó mà nó mới có tên là giò bột. 

Hồi bé, những đứa trẻ nghèo thiếu thốn cái ăn cái mặc, mùa xuân chỉ thật sự bắt đầu khi nghe tiếng lợn kêu eng éc và khi mẹ bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm giò bột. Món này có mặt trong mâm cỗ Tết và các ngày lễ Tết quan trọng của người dân địa phương", bạn Trà Giang (ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) kể. 

Trước đây giò bột được làm bằng bột gạo tẻ là chủ yếu, chỉ có một ít thịt

Trước đây giò bột được làm bằng bột gạo tẻ là chủ yếu, chỉ có một ít thịt

Để làm ra một cái giò bột đúng vị phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp gia vị đến xay thịt, đóng gói, luộc… đều phải rất tỉ mẩn và cẩn thận. Thịt sau khi được xay nhuyễn sẽ được trộn đều với bột gạo và tẩm ướp với các loại gia vị như tỏi, hạt tiêu, nước mắm nguyên chất... Nhìn có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 8 tiếng cho tất cả các công đoạn để hoàn thành giò bột.

Trà Giang nói thêm: "Người gói giò bột phải đều tay để cây giò tròn, chắc chắn. Người thợ phải biết cách gói lá chuối làm sao để lá bó sát vào khoanh giò, mới có được màu xanh vàng như tấm áo lụa bao quanh. Tuy nhiên, không nên bó quá chặt để thịt có độ chín “nở” nhất định và vị thơm ngon đậm đà".

Giò bột bán đắt khách vào dịp Tết

Giò bột bán đắt khách vào dịp Tết

Từ món ăn của người nghèo, giờ đây giò bột được biết đến nhiều hơn. Trên chợ mạng, giò bột có giá khoảng 150.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, nhiều hộ dân mở rộng mô hình làm giò bột để bán ra thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngày nay, thành phần trong giò bột cũng khác đi nhiều nhưng hương vị vẫn giữ nét đậm đà, thơm bùi. "Ở nhà tôi, cứ đến Tết, ngoài gói bánh chưng, bố mẹ tôi còn tự gói giò bột để vừa ăn, vừa biếu họ hàng. Bố tôi bảo giò bột giờ mua đâu chẳng được, nhưng vẫn muốn tự làm để các con các cháu nhớ về kỷ niệm tuổi thơ, để ngày Tết sum vầy và ý nghĩa hơn", bạn Hoài (quê ở Hà Tĩnh) kể.

Thưởng thức 5 đặc sản làng cổ Đường Lâm, gói gọn tinh hoa ẩm thực Hà thành
Đến thăm làng cổ Đường Lâm không chỉ là dịp du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể di sản văn hóa Việt mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn...

Món ngon Hà Nội

Theo Phú Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương