Bất cứ ai đặt chân đến An Giang đều không thể bỏ qua đặc sản nổi tiếng này!
Cây thốt nốt thuộc họ cau, sống nhiều ở vùng Nam Á, Đông Nam Á như Campuachia, Ấn Độ, Malaysia... Nó có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân; lá xòe tròn như lá cọ; chùm quả lớn hình hơi tròn... Tại Việt Nam, cây thốt nốt là một đặc sản của vùng đất An Giang.
Cây thốt nốt chẳng bỏ đi bất cứ thứ gì: lá để lợp mái nhà, thân dùng trong xây dựng; quả lấy trái, thịt ngọt thanh, giòn dẻo; hoa cho nước để làm nước giải khát hoặc nấu thành đường. Trong đó, quả thốt nốt là gần gũi với người dân nơi này và khách du lịch trong nước nhất.
Cây thốt nốt.
Quả thốt nối vỏ nâu tím, to gấp rưỡi trái cam, vỏ cứng nên phải dùng dao chặt mới lấy được múi bên trong. Hơn nữa việc lấy múi không hề đơn giản vì quanh nó là lớp màng màu vàng, phải tỉ mỉ bóc lớp màng này thì phần thịt mới lộ ra và ăn được.
Thịt thốt nốt trắng đục, giòn dai nhưng nhạt nhẽo. Vì thế người ta thường bỏ thịt thốt nốt để ăn uống chung với nước thốt nốt cho ngọt hoặc xắt mỏng ngâm chung với chút đường để có vị hơn.
Thịt thốt nốt trắng đục, giòn dai nhưng nhạt nhẽo.
Ngoài ra, ở An Giang còn nổi tiếng với đặc sản bánh bò thốt nốt. Những chiếc bánh vàng óng tuy dân dã nhưng lại chinh phục bao người bởi vị ngọt thanh và beo béo khó quên. Món này có thể ăn thêm nước cốt dừa để tăng thêm hương vị thơm ngon.
Đặc sản cuối cùng được làm từ thốt nốt phải kể đến chính là đường thốt nốt. Công đoạn làm đường thốt nốt rất công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau.
Đường thốt nốt nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Nhưng mỗi cây thốt nốt chỉ có khoảng 2 – 3 bông cho nước tốt, phần còn lại sẽ chờ thu hoạch trái.
Hàng ngày, người dân phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp để trèo lên cây cất nước. Sau khi lấy nước, thợ tiếp tục dùng dao cắt một khoanh tròn mới ở phần đầu hoa bỏ đi và tạo phần nốt cắt mới cho hoa để tích nước tiếp.
Công đoạn chế biến đường thốt nốt.
Nước thốt nốt sau khi lấy xuống được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bụi, côn trùng và đem nấu ngay để tránh bị chua. Khi đó nước được cho vào 1 cái chảo lớn, nấu khoảng 4 giờ là cô đặc lại thành đường chảy. Thoạt nhìn, công đoạn này có vẻ khá dễ dàng nhưng để tạo ra mẻ đường ngon lại là cả kinh nghiệm nhiều năm.
Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để còn màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt. Khi nước thốt nốt đã được cô sền sệt, ấy là lúc đổ sang chảo thứ hai, lại đều lửa đun tiếp cho đến độ thành hạt đường.
Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Mặc dù chúng có độ ngọt kém hơn các loại đường khác nhưng thơm hơn và quý hơn.