Vốn là cây mọc hoang dại, loại rau này giờ trở thành đặc sản có hương vị độc lạ, bán trên chợ mạng với giá 80.000 đồng/kg.
Cây sa sâm còn có tên gọi khác là cây sâm cát, tên khoa học là Launaea sarmentosa (Willd.) Alston, thuộc họ Cúc - Asteraceae. Đây vốn là cây mọc hoang dại ở trên vùng đất cát ven biển Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bến Tre, Trà Vinh... Người dân địa phương ví đây là "lộc trời" vì hương vị hấp dẫn và những công dụng tuyệt vời với sức khỏe.
Cây sa sâm thuộc loại cây thân thảo sống dai. Gốc rễ hơi dày lên, thân dài 20-30cm, mảnh, mọc bò, đâm rễ và mang hoa ở các đốt. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, chia thuỳ lông chim.
Sa sâm mọc hoang dại ở bãi cát
Trước đây, người dân vùng ven biển hái sa sâm về nấu thay cho những loại rau thông thường. Bà Hên (ở Thạnh Phú, Bến Tre) chia sẻ: "Tôi tình cờ biết đến rau sa sâm khi một ngư dân quê ở Vĩnh Long hái mang xuống ghe để ăn với cá nướng. Rau này nấu canh chua cá thì ngon vô cùng, còn đem phơi khô nấu nước uống thì thấy khỏe trong người... Từ đó, tôi cứ đi ven biển để kiếm rau sa sâm".
Theo bà Hên, rau này mọc hoang dại ở bãi cát, nếu thời tiết mưa nhiều hay nắng nhiều, cây sẽ chết lụi. Mùa mưa chúng tự mọc lên rồi người dân cắt bán, mùa nắng thì chúng lụi sạch, đến mùa mưa năm sau lại tự mọc lên nên người dân địa phương gọi đây là lộc trời ban.
Trước đây chúng gắn với món ăn dân dã của người dân miền biển, bây giờ được người thành phố săn lùng vì hương vị độc đáo
Là loại cây rau mọc rất nhiều trên cát nên việc hái cũng rất dễ dàng. Người hái chỉ cần dùng tay bới sơ lớp cát phía dưới gốc rồi nhổ lên, giũ cát rồi bỏ vào bao, rổ đựng mang theo. Mỗi người một lần hái có thể hái từ 1-2kg rau sâm cát về dùng trong gia đình.
Từ thứ rau dân dã của người dân miền biển, những năm gần đây, sa sâm được nhiều người biết tới. Đến mùa, thứ rau này được rao bán trên chợ mạng với giá khoảng 80.000 đồng/kg, người thành phố tò mò đặt mua về đổi vị cho bữa cơm gia đình. Rau này khi ăn sống có vị nồng cay nhẹ, phảng phất hương thuốc nam, vị hơi nhẫn đắng, thường ăn kẹp với cá nướng. Ngoài ra, có thể luộc hoặc nấu canh cũng rất ngon miệng
Vì mang lại giá trị kinh tế, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường. Nhờ đó, nhiều người đã đổi đời nhờ sa sâm.
Nhiều hộ dân mở rộng mô hình trồng sa sâm để bán ra thị trường
Chị Hà (ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết sau nhiều lần thất bại, 3 năm trước gia đình chị đã nhân giống và trồng thành công sa sâm ở trong vườn xoài. Cây sa sâm được thu hoạch bằng cách cắt ngang gần sát gốc, lấy phần lá để bán. Sau thu hoạch, sa sâm tiếp tục ra lá trở lại, cứ thế gia đình chị thu hoạch luân phiên nhưng không đủ bán.
Cây sa sâm dễ trồng, chỉ cần cung cấp đủ lượng nước cây sẽ phát triển, không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Sau khi thu hoạch, rau sa sâm được bán tại các khu chợ lớn nhỏ hoặc thương lái thu mua để gửi đi khắp các tỉnh thành.
Theo các tài liệu nghiên cứu, sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng mát phổi, dưỡng huyết, chữa ho, hết đờm,..., được dùng chủ yếu để trừ đờm và làm mát phổi.