Muốn thưởng thức loại lá này cũng không phải dễ bởi không phải nơi nào cũng tìm mua được.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có một loại cây thân gỗ mà người dân thường trồng trong vườn nhà để lấy bóng mát. Hơn nữa, người dân còn thường hái lá của loại cây này để sử dụng như một loại rau sống, ăn kèm với một số món ăn. Đó là cây đọt mọt.
Đọt mọt hay còn được gọi là cây lá lụa. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là bởi lá của cây có màu xanh nhạt và mỏng láng như lụa. Đây là một loại rau thường thấy trong các bữa ăn hoặc những món bánh của người miền Nam. Không những thế, loại thực vật này còn có tác dụng điều trị hiệu quả một số loại bệnh theo phương pháp Đông y và cả Tây y.
Cây lá lụa được tìm thấy nhiều ở khu vực Đông Á. Các nước Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Lào, Việt Nam,… đều rất giàu có về loại cây này. Chúng thường sinh trưởng tốt ở các khu vực ven biển, ven rừng ngập mặn có thủy triều lên xuống.
Lá của loại cây này là lá kép chẵn, có hình dáng hơi giống lưỡi liềm, thuôn dài từ 7 - 12cm. Lá có màu hồng nhạt, trắng hoặc màu xanh nhạt pha chút vàng phơn phớt. Khi ăn, lá lụa có vị chua chua, chát chát đặc biệt, lại có cảm giác mềm mịn như nhung.
Cũng bởi vậy, người miền Tây thường ăn kèm loại rau này như một loại rau sống, thường được dùng với các món cá kho. Cá bống kho, cá lòng tong kho, cá linh kho hay cá cơm kho đều ăn cùng với lá lụa rất ngon. Cuộn một ít lá lụa chấm với nước cá kho thì quả là tuyệt vời. Hương vị thơm mát, chua chua của lá lụa hòa quyện với vị mằn mặn, ngòn ngọt của cá kho khiến cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Ngoài ra, lá lụa cũng thường được ăn kèm với các món mắm kho, bánh xèo. Đặc biệt, nhiều người ăn bánh xèo mà thiếu đi lá lụa thì có cảm giác như thiếu vắng linh hồn của món ăn, khiến món này kém ngon hơn nhiều.
Các tỉnh Vĩnh Long, An Giang thì lại rất chuộng món cá lòng tong đá kho tộ với lá lụa. Cá lòng tong đá là loại cá có kích thước to, nhiều thịt. Một bữa cơm nấu vội chỉ có mỗi nồi cá kho này thôi cũng đủ đánh bay vài bát cơm trắng.
Người ta sẽ chọn những lá lụa còn non để làm rau sống ăn kèm trong bữa cơm. Lá mọt non rất mềm, mỏng và mịn như nhung. Rau này ăn kèm với lẩu mắm, bánh xèo hoặc chấm cá kho đều được. Dù được ăn kèm với nhiều loại rau khác cùng lúc, nhưng lá lụa vẫn nổi bật lên các vị chua chua, chát chát vương lại trong cổ họng.
Để thưởng thức loại lá đặc biệt này thì khá là khó, đặc biệt với người thành phố. Lá lụa được bán ở miền Tây với giá từ 60.000 - 90.000 đồng/kg.