Vào cuối hè, đầu thu, chị em lại lùng mua bằng được thứ quả “gây thương nhớ” này với giá khá đắt đỏ bởi với nhiều người, loại quả màu vàng ươm, thơm phức đã gắn liền với những năm tháng tuổi thơ cùng câu truyện cổ tích của bà, của mẹ.
Trước đây, ở các vùng quê khắp đồng bằng Bắc Bộ, hầu như nhà nào cũng có một cây thị ở góc vườn. Vào những ngày chớm thu se lạnh, những quả thị vàng óng với mùi thơm thoang thoảng trở thành thứ quả ăn vặt yêu thích của trẻ nhỏ, có mặt ở bàn thờ gia tiên vào ngày rằm tháng bảy.
Ngày nay, cây thị được chặt bỏ, thay bằng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao nên số lượng cây thị trồng còn sót lại ngày càng ít. Quả thị trở thành loại quả “sang chảnh” có giá bán khá cao được nhiều người tìm mua mỗi dịp thu về.
Những quả thị màu vàng óng, da căng mịn với mùi thơm đặc trưng “gây thương nhớ”.
Chị Cao Ngọc Lan (trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm nào vào đầu thu, chị cũng tìm mua bằng được quả thị về để trong nhà.
“Quả thị giờ hiếm lắm, muốn mua cũng khó, may quá hôm nay đi qua chợ Nghĩa Tân lại thấy có người bán. Mỗi quả thị bé xíu trong lòng bàn tay được bán với giá 10.000 đồng nhưng được một lúc là hết veo”, chị Lan cho hay.
Cầm quả thị lên hít hà tỏ vẻ thích thú, chị Lan kể, quê chị ở Phú Thọ, ngày xưa phải 3 ngày mới có một phiên chợ, mỗi lần mẹ đi chợ về là mấy chị em lại háo hức chạy ra xem mẹ mua gì không.
Chị Lan vui mừng khi tìm mua được thứ quả quen thuộc của tuổi thơ.
“Mở chiếc túi cước màu xanh ra chỉ có mấy quả thị vàng ươm, chúng tôi cầm chơi cả ngày, lúc ngủ cũng để đầu giường để mong ngủ mơ thấy bà Tiên như chuyện cổ tích. Chơi chán lại dùng tay bóp cho quả thị thật mềm rồi cấu chút vỏ và hút một hơi hết sạch, ngọt ngọt, chát chát nhưng cảm giác hạnh phúc vô cùng”, chị Lan xúc động.
Bán thị chín trên chợ mạng với giá 60.000 đồng/kg, chị Thu Thủy (trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết quê chị ở Thái Bình, năm nào đến mùa thị chín chị cũng mang lên Hà Nội bán.
“Nhà bác tôi có cây thị cổ hàng trăm năm ở góc vườn, tán rộng sum suê. Năm nào vào dịp này tôi cũng nhờ bác hái rồi mang bán trên chợ mạng. Để hái được những quả thị bé xíu trên những vòm lá cao vút cũng rất vất vả nên mỗi lần bác chỉ gửi được chừng 50kg, đăng lên cái là hết veo”, chị Thủy nói.
Cây thị cổ hàng trăm năm tuổi với tán lá rộng và cao rất khó hái quả.
Theo chị Thủy, để quả thị có màu sắc vàng rộm đẹp mắt phải hái những quả già nhưng vỏ vẫn còn xanh, mang về xếp gọn gàng trong thùng xốp để tránh bị xước, để thêm 1-2 ngày quả thị bắt đầu chuyển sang màu vàng.
Những quả thị già, vỏ màu xanh được hái để tránh xước xát và để được lâu.
“Tôi nhớ ngày xưa khi còn nhỏ, muốn thị chín nhanh, bác tôi toàn mang thị xanh vùi vào trong hòm lúa, qua 1 đêm là quả thị chín thơm lừng. Sáng sáng bác lại gánh gồng mang ra chợ bán. Tôi bán thị ở Hà Nội cũng là muốn nhiều người xa quê muốn thưởng thức loại quả “quê mùa, dân dã” này mua được dễ dàng hơn”, chị Thủy chia sẻ.
Theo DS. Trần Văn Thành, quả thị có tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Quả tròn, sắc vàng, mọng nước và thường chia thành 6 - 8 múi. Quả thị chín ăn ngon nếu biết cách ăn (xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm ra và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút).
Quả thị ngày càng trở nên quý hiếm nên được bán với giá khá cao, từ 60-100.000 đồng/kg.
Trong một nghiên cứu gần đây, khi so sánh 19 loại trái cây trong đó có nhiều loại trái có mặt ở Việt Nam như: Quả thị, trái bầu nâu, quả trứng gà, vú sữa, me keo, bồ quân, cóc rừng, vối rừng, bình bát, ổi, chuối hột, cà na, trứng cá, me rừng, chùm ruột núi… thì các nhà khoa học nhận thấy hàm lượng flavonoid tương đối cao.
Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có nhiều tác dụng được biết đến như chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa. Nghiên cứu cũng chỉ ra quả thị có tác dụng chống oxy hóa nhẹ, bổ sung vitamin C và đường.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác đã chỉ ra quả thị có tác dụng bổ máu, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng sốt rét.