Từ trái bần, người dân miền Tây đã chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó cốt bần đem lại giá trị kinh tế cao.
Trái bần là loại quả dại, thường xuất hiện ở vùng đồng Bằng Sông Cửu Long, sống trong môi trường bùn nước. Chúng có hình tròn dẹt tựa như bánh cam, phần đuôi nhọn và cuống có nhiều cánh tỉa ra như hình ngôi sao.
Khi chín quả bần rụng và trôi nổi theo nước thủy triều, hạt sống lâu và phát tán mạnh trên các bãi bồi. Muốn trồng cây bần không cần gieo hạt chỉ cần nhổ những cây bần con mọc sẵn trong tự nhiên để trồng.
Hương vị đặc trưng của trái bần là bùi bùi, chua chua. Trẻ nhỏ ở miền Tây thường coi trái bần xanh là thức quà vặt, gắn liền với tuổi thơ: Bần được hái xanh rồi chấm với muối ớt hoặc mắm ruốc. Tất cả tạo lên vị mặn nồng của mắm và muối, giòn giòn chua chát của bần xanh.
Hương vị đặc trưng của trái bần là bùi bùi, chua chua.
Đến độ bần chín, chúng trở thành một nguyên liệu được các chị em nội trợ miền Tây ưa chuộng. Họ có thể dùng bần chín nấu canh chua, kho cá hay làm nước lẩu. Bởi nó mang đến vị chua thanh, hơn hẳn độ chua gắt của giấm hay me.
Dưới đây là những món ăn được chế biến từ trái bần:
Canh chua trái bần
Người dân miền Tây lấy trái bần chín dầm vào nước ấm rồi lọc bỏ hạt, trút vào nồi nước sôi và cho các loại cá: cá lóc, trê, bông lao, basa, cá lăng… vào, sau đó nêm nếm gia vị. Khi cá chín, họ tiếp tục thêm rau muống, bông súng, giá và rau thơm. Tất cả tạo nên hương vị chua chua của bần, ngọt ngọt của thịt cá… hấp dẫn bao người.
Cá kho bần
Cá kho bần được rất nhiều người khen ngợi. Món ăn này dùng cá gì cũng ngon, nhưng hơn cả là cá lóc và cá bông lau. Bởi vị béo và đậm đà của cá sau khi kho quyện vào các loại gia vị, thêm vào vị chua của bần lại càng ngon, ăn mãi không ngán.
Theo đó cá được kho đến đậm đà thì người dân mới dầm trái bần ra lấy nước, bỏ hạt rồi chặt vào nồi cá kho. Ai thích vị đậm đà thì chắt với ít nước sôi để bần ra vị chua nhiều hơn.
Lẩu bần
Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Sự hấp dẫn của lẩu bần nằm ở hương vị rất đặc trưng của món ăn: chua chua, thanh thanh.
Nguyên liệu để nấu lẩu bần rất đa dạng: các loại cá hoặc ba ba, cua đinh. Còn cách nấu lẩu bần cũng tương tự các loại lẩu khác của người miền Tây: phần nước lẩu bần rất thơm, có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt nhưng đặc trưng nhất là hương vị trái bần khá đặc biệt. Lẩu bần ăn với các loại rau đặc trưng miền sông nước như: bông súng, rau muống, kèo nèo, lục bình,… kèm với bún và nước mắm mặn.
Trái bần dầm mắm chấm rau
Trái bần dầm mắm phải là trái chín dầm chung với nước mắm, thêm ớt, đường… Vị chua của trái bần không ngắt như me và hắt như chanh mà nó có vị chua thanh nhẹ. Dùng chấm rau muống hay đọt rau lang luộc rất bắt cơm.
Với những “công dụng” trên, trái bần miền Tây đã vươn xa ra nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều người Việt ở nước ngoài khi về thăm thú quê hương đã đem chúng sang tận Mỹ, Úc,… để thỏa nỗi nhớ quê nhà. Vì thế cốt bần đã trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và được nhiều người ở nước ngoài ưa chuộng.