Hiện tại chao có giá khá đắt, tầm 170.000 - 190.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Chao là một loại thực phẩm lên men, có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc). Chúng làm từ đậu hũ với lớp ngoài được lên men mềm mại và vị béo đặc trưng, do vậy nó được mệnh danh là "phô mai châu Á".
Tại bản địa, chao được dùng để chế biến các món mặn, đôi lúc nó sử dụng để tẩm ướp nhằm tăng hương vị cho món ăn. Thậm chí, thi thoảng có còn được dùng như một loại gia vị.
Ở Việt Nam, chao phổ biến ở miền Nam và miền Trung với vị béo thơm và mềm đặc trưng. Chúng được người dân biến tấu thành nhiều loại khác nhau với nhiều "công dụng".
Chao trắng
Đây là một loại chao được gọi tên dựa trên màu trắng đặc trưng của chúng. Loại chao này thường được lên men trực tiếp và ít khi kèm theo các loại hương liệu hay nguyên liệu khác.
Chao trắng thường được dùng để ăn kèm với các món rau củ luộc hoặc đậu hũ chiên (đối với người ăn chay) và các món luộc, chiên khác (đối với người ăn mặn). Chúng thường được pha với một ít đường, ớt, nước cốt chanh rồi dùng trực tiếp.
Ngoài ra, chúng vẫn có thể dùng như một loại gia vị để giúp tăng hương vị cho các món ăn.
Chao đỏ
Đây là loại chao cũng được dùng khá phổ biến với hương vị thơm ngon và màu đỏ đặc trưng. Loại chao này thường được lên men chung với các hương vị liệu khác như ớt, điều này tạo nên hương vị và màu sắc đặc trưng của chao đỏ.
Chao đỏ thường được dùng để làm nước chấm cho các món nướng vì hương thơm và vị cay nhẹ tự nhiên. Ngoài ra, chúng cũng được dùng để thêm vào nước lẩu nhằm tăng màu sắc và hương vị cho nồi lẩu.
Không những thế, chao đỏ còn được dùng pha chế thành nước sốt hoặc tẩm ướp trực tiếp và các nguyên liệu như thịt gà, thịt bò, cá hay các loại hải sản. Nguyên liệu này tạo nên màu sắc và hương vị vô cùng đặc trưng cho các món nướng.
Chao môn
Đây là một loại chao được cho là đặc sản của người dân Sóc Trăng, được làm trực tiếp từ khoai môn (hay khoai cao). Chao môn được làm khá đơn giản nhưng hương vị thì khó có thể quên được khi đã thử một lần.
Các củ khoai sau khi được sơ chế sạch sẽ đem cắt thành từng miếng vuông nhỏ như các viên chao truyền thống khác. Tiếp theo là đem từng miếng khoai đi hấp cho đến khi chín tới, rồi dùng chao cái (chao đã thành phẩm) nghiền nhuyễn rồi trộn với khoai môn vừa hấp.
Sau đó đem khoai vừa trộn đi phơi dưới trực tiếp dưới ánh nắng khoảng 3 - 4 giờ, rồi lại đem vài nơi thoáng mát. Sau khoảng 10 - 15 ngày sẽ thấy chao có hiện tượng lên men là có thể dùng được. Nhưng loại chao này để càng lâu thì hương vị càng ngon vì mùi rượu sẽ bớt đi và các viên chao sẽ thấm đều gia vị.
"Xưa người Việt hầu như không biết chao là gì, ăn ra sao. Song vài năm trở lại đây chúng bỗng trở thành đặc sản được người dân cả nước ưa chuộng.
Vì thế tiểu thương bắt đầu nhập hàng về bán để phục vụ người tiêu dùng. Thậm chí trong các siêu thị cũng bán chúng giống như một loại gia vị. Hiện tại chao có giá khá đắt, tầm 170.000 - 190.000 đồng/kg, tuỳ loại", chị Hồng Gấm (29 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết.
Vịt nấu chao thơm ngon.
Vì chao là một loại thực phẩm được lên men, do đó chúng chứa khá nhiều rượu, este và các axit hữu cơ. Chúng cũng là loại thực phẩm chứa nhiều protein thủy phân (khoảng 12 - 22%), axit amin tự do và chất béo. Không những vậy, chao còn là nguồn cung cấp carbohydrate, thiamine, axit oxalic và riboflavin vô cùng dồi dào. Chúng còn chứa phốt pho, các thành phần dinh dưỡng khác và đặc biệt không chứa cholesterol.