Thái Bình có nhiều đặc sản thơm ngon mà có thể bạn chưa biết hoặc chưa có dịp thưởng thức.
Nem chạo Vị Thủy
Nem chạo hay còn gọi là nem sống – món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày cưới, ngày lễ tại làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Nem được làm từ thịt sống, nên chỉ những người có kinh nghiệm chế biến thì khi ăn mới không bị đau bụng.
Nét độc đáo của món nem ở đây là thịt lợn xẻ ra còn nóng hổi, không đem rửa lại với nước mà băm nhuyễn luôn khoảng 1h thì phần xương, thịt lợn, tủy hòa vào nhau tạo nên độ dẻo, dính. Phần bì lợn được cạo sạch lông, luộc chín, thái mỏng. Sau đó các nguyên liệu được trộn với nhau cùng với tỏi, ớt, nước mắm, mì chính và thính gạo rang.
Sứa muối Thái Thụy
Ở vùng quê ven biển Thái Thụy còn có món hải sản nối tiếng là sứa muối. Sứa là hải sản đặc trưng của các vùng biển, từ những con sứa này có thể chế biến ra rất nhiều các món ăn khác nhau, trong đó có món nộm sứa và sứa muối. Sứa muối được chế biến từ những con sứa tươi, được rửa sạch và cắt khúc thành những tảng nhỏ. Sau đó ngâm sứa vào các bình, chum hoặc vại lớn.
Khi cắn miếng sứa vào miệng, đầu tiên ta sẽ thấy giòn sần sật, sau đó là đến một chút chua chua, mặn mặn cộng thêm với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu của mắm tôm tạo nên một hương vị không thể nào quên được, ăn một lần là muốn ăn thêm.
Gỏi nhệch
Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Người ta cũng dùng tro để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới làm thành món ăn như kho, nấu canh chua, om… Đặc biệt là gỏi nhệch. Sau khi sơ chế, cá được cắt lát mỏng, trộn thính. Phần da cũng cắt thành miếng chiên giòn. Còn xương cá được giã nhuyễn, nấu thành thứ nước chấm có tên đặc biệt không kém tên cá – chẻo. Chẻo nấu xong, pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ.
Gỏi nhệch ăn kèm rau chanh, lá sung, rau húng, tía tô. Cứ cầm lá sung gắp miếng gỏi, cho thêm tí da, cuốn lại chặt tay rồi chấm vào chẻo là đủ thấy món ăn dân giã đến độ nào. Vị bùi bùi của lá sung cùng với thịt cá ngon, béo béo da, thơm lừng thính từ gạo rang, quyện đậm đà với chẻo cay cay nồng nồng khiến gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng.
Bún bung
Bún bung còn có tên gọi khác là bún hoa chuối. Bún bung thường được làm từ các nguyên liệu: chân giò, mọc, mùng, lá xương sông,... và tất nhiên không thể thiếu được hoa chuối. Vị chát của hoa chuối, vị thơm của lá xương sông, vị béo ngậy của thịt hòa quyện với hương vị của nhiều loại rau sống sẽ cho ta những hương vị tuyệt vời.
Canh cá Quỳnh Côi
Đặc biệt từ cái tên gọi, canh cá Quỳnh Côi - đặc sản Thái Bình, là món ăn không thể không nhắc đến hay nếm thử khi qua “quê hương của chị Hai 5 tấn”. Gọi canh cá nhưng đây lại là món ăn như bún, phở chứ không phải món kèm cơm. Món ăn nhìn tưởng đơn giản mà khá tốn công với nhiều bước đòi hỏi sự khéo léo của đầu bếp.
Cá được làm sạch, lóc xương, thái miếng dày vừa ăn, ướp ngấm gia vị rồi đem nướng chín tới. Tiếp đến, lại chiên cá đã nướng cho đến khi vàng ruộm. Còn phần cá gần vây được băm nhuyễn với hành khô, tiêu, ớt thật kỹ rồi nặn thành viên, đem chiên vàng giòn. Đầu, xương sống cá không bỏ đi mà đem ninh làm nước dùng. Tất cả các công đoạn trên đã tạo ra một tô canh cá thơm ngào ngạt làm say đắm lòng người.
Bánh gai Đại Đồng
Bánh gai tuy là loại bánh phổ biến ở nhiều miền, tuy nhiên bánh gai Đại Đồng lại có hương vị riêng biệt. Chính vì vậy mà đây là một trong những đặc sản Thái Bình được nhiều người yêu thích. Ở Đại Đồng, làm bánh gai là nghề truyền thống, đã gắn bó lâu đời từ xưa đến nay.
Khi thưởng thức một chiếc bánh gai ở đây bạn sẽ dàng nhận ra các hương vị quen thuộc như: Lá gai, đậu xanh, lạc, vừng, dừa,…Tất cả hòa quyện tạo nên vị ngọt vừa phải, hương thơm thoang thoảng, béo bùi, dẻo dẻo. Món này mua về làm quà thì đảm bảo ai cũng sẽ thích.