Xưa, loại của này hầu như xuất hiện ở các tỉnh thành trong cả nước, được coi là lương thực thay thế gạo
Khoai sọ thuộc họ ráy, có củ cái và củ con. Chúng khác với khoai môn hay khoai lang ở điểm nhỏ hơn, có nhiều củ con và nhiều tinh bột hơn. Ở nước ta phổ biến một số giống khoai sọ là khoai sọ núi, khoai sọ trắng, khoai sọ dọc trắng,... Và được trồng ở vùng nông thôn miền Bắc, vùng núi.
Xưa, loại của này hầu như xuất hiện ở các tỉnh thành trong cả nước, được coi là lương thực thay thế gạo. Chị Lam Vũ (36 tuổi, Vĩnh Phúc) nói: “Ngày tôi còn nhỏ, gia đình nghèo toàn phải ăn khoai lang, khoai sọ thay cơm. Tôi nhớ mỗi chiều tan học, lũ trẻ trong xóm lại rủ nhau ra đồng đào khoai sọ. Bọn tôi ăn chúng đến phát ngán: nào là khoai sọ luộc, hấp,... nhưng vẫn phải ăn vì nhà làm gì có gạo nấu cơm”.
Khi xã hội phát triển, người nông dân Việt dần dần chuyển sang trông các loại rau củ khác. Vì thế, diện tích trồng khoai sọ dần thu hẹp lại. “Giờ chỉ có một số nơi trồng chúng. Nhà ai muốn ăn các món từ khoai sọ phải ra chợ mua hoặc đặt hàng truớc với giá hơn hai chục nghìn/kg. Thi thoảng, tôi vẫn mua khoai sọ về nấu canh xương. Bọn trẻ nhà tôi thích lắm. Đặc biệt tôi lại được thưởng thức hương vị của tuổi thơ”, chị Lam Vũ nói.
Từ khoai sọ, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc chấm đường, nấu canh xương, canh cua khoai sọ....
- Canh cua khoai sọ
Nguyên liệu gồm: cua đồng, khoai sọ, rau rút 1 mớ. Cua đồng bỏ yếm và mai, rửa sạch giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc ngắt đoạn, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được.
- Xương lợn hầm khoai sọ
Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước gia vị, đun nhỏ lửa trong 2 giờ, cho ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp. Món ngày dùng cho người bị nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.
- Khoai sọ chiên xù
Khoai sọ rửa sạch, cho vào nồi luộc chín. Sau đó vớt ra để nguội rồi lột vỏ. Cho vào tô 3gr muối, 5gr hạt nêm, 200gr bột chiên giòn, trộn đều với 1 ít nước đến khi hỗn hợp sệt mịn. Sau đó, xiên que vào khoai sọ rồi lăn qua hỗn hợp bột... Cuối cùng lăn thêm qua một lớp bột chiên xù. Bắt chảo ngập dầu lên bếp, khi dầu nóng cho khoai vào chiên đến khi khoai vàng đều. Cho khoai ra đĩa, ăn kèm với tương ớt cay nồng.
- Bánh khoai sọ nhân thịt
Nấm mèo khô ngâm trong nước cho nở, sau đó rửa sạch, thái sợi. Thịt heo băm cho vào tô, ướp gia vị, trộn đều, để yên trong 30 phút. Khoai sọ rửa sạch đem hấp chín. Sau đó lột vỏ cho vào tôn rồi tán thật nhuyễn. Cho khoai sọ vào tô thịt bằm cùng với nấm mèo thái sợ, nêm thêm 1 muỗng cà phê nước mắm, ¼ muỗng cà phê muối, ¼ muỗng cà phê tiêu rồi trộn đều. Sau đó, nặn hỗn hợp khoai sọ thịt bằm thành những viên tròn. Chuẩn bị 1 chén trứng gà đánh tan, 1 chén bột chiên xù. Lăn từng viên khoai sọ qua trứng, sau đó qua lớp bột chiên xù. Bắt chảo lên bếp, cho từng viên khoai vào chiên với lửa vừa, đến khi vàng đều cả 2 mặt. Cho khoai sọ đã chín ra đĩa, ăn kèm với tương ớt để tăng thêm hương vị.
Trong khoai sọ có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như: Protein, chất béo, chất xơ, tinh bột, fructose, canxi, photpho, magie, natri, kali, sắt, kẽm, đồng, vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin,... Dễ thấy khoai sọ nhiều chất xơ, giúp tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Ngoài ra, khoai sọ còn là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể với nhiều công dụng đối với sức khỏe