Trước đây, loại quả này là đặc sản dân dã của người Tây Nguyên, nhưng nó sớm trở thành cái tên được nhiều nhà hàng săn lùng.
Từ xưa đến nay, có nhiều món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên được làm từ loại quả có tên cà đắng. Loại quả mọc dại này là đặc trưng của vùng đất nắng gió, là kết tinh của khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sở hữu hương vị rất riêng.
Cây cà đắng cao ngang đầu người, có vị đăng đắng đặc trưng, nhẩn nhẩn hơn khổ qua một tí, cây trổ bông kết trái quanh năm quả to hơn cà pháo, màu xanh có vân trắng.
Trước đây, cà đắng là loại cây mọc dại dọc các tuyến đường hoặc trên các triền đồi Tây Nguyên, cây cà đắng cao quá đầu người, cành lá sum suê. Sau đó được người đồng bào mang về trồng xen trong những rẫy cà phê. Nhờ những món ăn được chế biến rất ngon từ cà đắng mà nó bắt đầu được nhiều người tìm mua, ngay cả các nhà hàng cũng đưa cà đắng vào thực đơn. Vì vậy một số gia đình đã trồng thành vườn để bán.
Quả cà to bằng đầu ngón tay, có màu xanh, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn, cây ra hoa kết trái từ tháng 3- 10 âm lịch trái rộ nhất là từ tháng 5 trở đi. Đúng như tên gọi, loại cà này có vị đăng đắng rất đặc trưng, được người dân chế biến theo nhiều cách khác nhau. Các cư dân bản địa Ê Đê, M’ Nông, Gia Rai … xem cà đắng như món ăn không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người đồng bào.
Gỏi cà đắng cá khô là một món ăn dân dã, rất dễ chế biến và thường được đãi trong các bữa ăn gia đình, các bữa tiệc gặp mặt hay bữa cơm gia đình. Hương vị đắng của cà, quyện trong vị ngọt mát của cá, vị cay của ớt cùng mùi thơm của gia vị tạo nên nét đặc trưng riêng cho ẩm thực vùng đất này, làm đắm say bao vị khách khi đến thăm mảnh đất và con người nơi đây.
Cà đắng có nhiều kiểu chế biến khá đơn giản. Dễ dàng nhất chỉ cần luộc cà lên là có một món ăn nhẹ nhàng trong bữa cơm. Cà đắng được chế biến nhiều món như cà đắng nấu ếch, cà đắng giã muối ớt, cà đắng om thịt bò… Nhưng có lẽ món gỏi cà đắng cá khô và món vếch nấu cà đắng của người Êđê là nổi tiếng nhất. Cà giã nhuyễn với các gia vị đi kèm như ớt, tỏi, lá é, cá khô rồi phi hành thơm lên nấu cho thật nhừ. Món ăn sau khi nấu có đủ vị đắng, cay, bùi, béo, ngọt quyện lại với nhau tạo nên hương vị đặc trưng.
Một món ăn đưa cơm khác chỉ nghe đã khiến nhiều người phát thèm đó là cà đắng dầm tỏi ớt. Người lần đầu ăn không quen với vị đắng nhân nhẫn, nhưng sau đó sẽ bị hấp dẫn đến khó quên với vị đắng này. Du khách hay ví von ăn cà đắng giống như thưởng thức cà phê, lần đầu thấy đắng nhưng dần dần thành quen, dễ gây “nghiện”.
Nay không còn là món ăn dân dã của đồng bào Tây Nguyên, cà đắng trở thành đặc sản được nhiều nhà hàng sang trọng, khu du lịch đưa vào thực đơn để phục vụ khách hàng. Trong số các món ăn quen thuộc của người bản địa thì cà đắng là món được khách du lịch yêu thích và nhắc tới nhiều nhất bởi vị “đắng” rất đặc trưng chỉ có ở loại cà này. Chẳng phải ai cũng “ưng cái bụng” vị đắng của trái cà đắng. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ nghiền cái vị đắng của cà, vị mặn của cá, vị cay của ớt, vị thơm của lá é hoặc ngò gai….
Để phù hợp với khẩu vị của thực khách, trong quá trình chế biến, người nấu ngâm cà trong nước muối rồi chần qua nước sôi để giảm bớt vị đắng. Ngoài nấu cà đắng với cá khô theo kiểu của người đồng bào thì có thể nấu với cá tươi hoặc um với ếch, lươn, thịt dê, gà, bò… cho đa dạng món ăn. Tuy nhiên, cách nấu và các gia vị đi kèm như ớt xanh, tỏi, lá é hay ngò gai… vẫn phải giữ nguyên để không làm mất đi hương vị đặc trưng.
Không chỉ bày bán ở địa phương, cà đắng còn được đóng thùng đem đi khắp thành phố lớn phục vụ nhu cầu của thực khách hay theo bà con kiều bào làm quà độc của quê hương. Giá mỗi cân cà đắng lên tới 120.000 đồng/kg.