Từ rau mùi tàu, người Việt có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rau ăn sống, canh chuối đậu, canh xương khoai sọ...
Mùi tàu (hay còn gọi là mùi gai, ngò gai) là cây thân thảo có chiều cao trung bình khoảng từ 15 đến 25cm. Chúng có đặc điểm: Lá rau hình mác và thuôn dài, ở 2 bên mép lá có nhiều răng cưa. Lá rộng dần về phía ngọn, lá ở thân thường có răng cưa nhiều hơn. Các lá ở phía trên xẻ từ 3 – 7 thùy ở phía chóp và có nhiều gai; Hoa màu trắng lục, mọc ta từ trục thân với hình trụ hoặc hình bầu dục; Quả có hình cầu, hơi dẹt và bên trong có chứa nhiều hạt để làm giống. Thông thường khi trưởng thành, hạt của cây sẽ tự rụng và phát tán.
Cây mùi tàu được cho là có nguồn gốc từ châu Mỹ, moc hoang dại ở các nước nhiệt đới cũng như á nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở khắp nơi, phổ biến ở nơi ẩm mát vùng đồi núi. Trong đó nổi tiếng nhất là ở các vùng Nghệ Tĩnh, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc...
Mùi tàu thường được hái tươi về để sử dụng trực tiếp. Có thể thu hái vào bất cứ mùa nào trong năm. Ở nhiều vùng, chúng còn được dùng ở dạng khô. Sau khi thu hái tươi về sẽ tiến hành rửa sạch, có thể để nguyên hay cắt ngắn đi rồi phơi khô trong bóng râm và dùng dần.
“Ngày trước ở quê tôi mọc nhiều rau mùi tàu lắm. Hầu như vườn nhà nào cũng có loại rau này. Thậm chí gia đình không trồng cũng có bởi chúng mọc dại rồi tự lan sang nhà khác. Tôi nhớ cứ độ mùa đông là mẹ lại làm món ốc nấu chuối thêm rau mùi tàu. Nồi ốc chuối mới thơm làm sao. Hoặc mẹ chỉ cần hái chúng rồi làm rau ăn sống cũng đủ để tôi mê mệt rồi”, anh Chu Vũ (34 tuổi, Hưng Yên) kể lại.
Theo anh Vũ, giờ anh về quê không còn thấy rau mùi tàu nữa. Anh không hiểu vì sao lại như vậy bởi loại rau này vốn rất dễ trồng. Anh bảo có thể với khí hậu khắc nghiệt cùng sự phát triển của nhiều loại rau khác nên mùi tàu không còn “tồn tại” như trước. “Giờ muốn ăn món gì có lá mùi tàu, mẹ tôi đều phải ra chợ mua. Mẹ đã trồng thử nhưng rau không sống được bao lâu thì chết. Có lẽ rằng loại rau gắn với tuổi thơ của tôi đã dần dần không còn mọc hoang dại”, anh Vũ tâm sự.
Từ rau mùi tàu, người Việt có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rau ăn sống, canh chuối đậu, canh xương khoai sọ... Trong đó canh xương khoai sọ là món ăn phổ biến trong mâm cơm của mọi gia đình.
Theo đó, xương lợn có thể dùng nhiều loại, nhưng để đạt độ ngọt của nước, nên lựa chọn loại xương ống. Khoai sọ lựa đều củ, rửa sạch, bóc vỏ. Đun nước xương sôi lâu, cho ra chất tủy và thịt. Sau đó lọc bỏ chất váng mỡ và thả khoai sọ vào. Sau khi đun nhỏ lửa, nấu cho khoai chín, nêm đủ gia vị rồi thả rau mùi tàu vào và ăn nóng.
Món canh khoai sọ rau mùi tàu được chế biến đơn giản, với nguyên liệu luôn có sẵn. Chắc chắn với màu trắng ngà của canh, vị ngọt và bở của khoai, mùi thơm đặc trưng rau mùi tàu sẽ luôn kích thích khẩu vị của nhiều người.