Tiền bạc vốn là vấn đề rất tế nhị. Nếu ứng xử không khéo, dù là cố ý hay vô tình, mối quan hệ bạn đang dày công vun đắp hoàn toàn có thể xuất hiện những vết rạn.
Để xây dựng được một mối quan hệ lâu bền không phải là điều đơn giản. Và sẽ là rất đáng tiếc nếu hai bạn đánh mất mối quan hệ tốt đẹp đó vì những chuyện liên quan đến tiền.
Tiền bạc vốn là vấn đề rất tế nhị. Nếu ứng xử không khéo, dù là cố ý hay vô tình, mối quan hệ bạn đang dày công vun đắp hoàn toàn có thể xuất hiện những vết rạn. Trong tình bạn hay tình yêu, tiền bạc đều là vấn đề dễ gây hiểu nhầm, mâu thuẫn. Để giảm thiểu nguy cơ rơi vào tình trạng đó, hãy học nằm lòng 10 quy tắc đơn giản sau đây:
1. Không phán xét cách tiêu tiền của người khác
Mỗi người đều có cách chi tiêu riêng và cách họ tiêu tiền thế nào không phải là việc của bạn. Dù là bạn thân, bạn cũng không nên phán xét hay bình luận quá nhiều về cách dùng tiền của người ấy, đặc biệt là khi vắng mặt họ. Bên cạnh đó, cũng cần nhớ rằng đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ rằng người này phải mua cho bạn cái này cái kia chỉ vì họ kiếm được nhiều tiền hơn bạn.
2. Biết cân nhắc đến tình hình tài chính của đối phương
Điều kiện kinh tế của mỗi người không giống nhau và không phải ai cũng có đủ khả năng để chi trả cho mọi kế hoạch mà bạn đề ra. Trước khi đưa ra quyết định có liên quan đến người khác, hãy cân nhắc đến cả ví tiền của đối phương.
3. Mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc cần được bàn bạc và công khai
Trong những môi trường tập thể như công sở, việc góp tiền chung để làm một việc là rất phổ biến. Tuy nhiên, việc này cũng khá tế nhị, có thể gây hiểu lầm nếu như không được bàn bạc một cách công khai. Tốt nhất, với những việc có liên quan đến tiền, bạn hãy hỏi ý kiến mọi người và công khai các khoản thu chi.
4. Hãy chia tiền một cách công bằng
Việc chia tiền khi đi ăn cùng nhau là rất văn minh, lịch sự song sự công bằng ở đây không có nghĩa là 3 người đi ăn thì hóa đơn hôm đó sẽ chia đều cho 3. Đừng bắt một người không ăn uống gì cũng phải trả số tiền bằng với người ăn nhiều. Đây là sai lầm mà rất nhiều người mắc phải.
5. Hãy trả tiền sòng phẳng để ủng hộ việc làm ăn của bạn bè
Dù là bạn bè thân thiết, chuyện tiền bạc vẫn nên được rõ ràng, sòng phẳng. Anh bạn thân mới mở cửa hàng và bạn ghé mua nhưng lại yêu cầu được chiết khấu cao vì "là chỗ bạn bè"? Điều này là rất không nên, hãy trả tiền một cách sòng phẳng để ủng hộ cho việc làm ăn của bạn bè.
6. Ngừng than vãn chuyện tiền bạc với một người thu nhập ít hơn bạn
Dù là vô ý song việc làm này có thể khiến người ấy cảm giác như bạn đang khinh thường họ vậy. Việc than vãn này dễ gây tổn thương lòng tự trọng nên tốt nhất bạn không nên chia sẻ quá sâu về vấn đề tài chính của bản thân, nhất là khi người ấy có thu nhập kém bạn.
7. Không hỏi bằng được giá tiền đồ vật gì của người khác
Chắc hẳn ai cũng biết việc hỏi lương của người khác là không tế nhị thế nhưng người ta lại dễ dàng đưa ra những câu hỏi đầy tính thắc mắc như: "Đôi giày đó bao nhiêu tiền, mua ở đâu?", "Cái áo đó trông đắt đấy"... Những câu hỏi kiểu này thường khiến người bị hỏi thấy rất khó xử. Đừng quá tọc mạch vào chuyện của người khác.
8. Nhớ trả nợ đúng hạn
Khi bạn cho ai đó vay tiền, chắc chắn bạn muốn người đó trả tiền bạn đúng hạn phải không? Vậy thì khi vay tiền người khác, một điều đầu tiên phải nhớ là hãy giữ đúng lời hứa, trả lại tiền họ đúng ngày. Đây là cách giúp bạn gây dựng niềm tin và dễ được người khác trợ giúp tiếp trong tương lai.
9. Cho người khác vay hay không là điều không bắt buộc
Có nhiều người rất e ngại khi phải từ chối lời hỏi cho vay của bạn bè. Hãy nhớ rằng, việc có thể cho người khác vay hay không không phải là nghĩa vụ của bạn. Bạn giúp được người khác là tốt, không thể giúp được cũng không sao. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng.
10. Không khoe mẽ, dạy đời người khác
Dù việc bạn làm là điều tốt nhằm giúp đỡ người khác thì cũng không nên lấy điều đó ra để khoe mẽ, nhắc đi nhắc lại và dạy đời người khác. Họ cần đến sự giúp đỡ của bạn không có nghĩa họ là người thua cuộc, không biết kiếm tiền hay cách chi tiêu tiền bạc.