Những nhận thức sai lầm về lập ngân sách đang khiến nhiều người thất bại và từ bỏ hoàn toàn ý tưởng về lập kế hoạch chi tiêu. Dưới đây là một số lỗi lập ngân sách phổ biến nhất mà bạn cần tránh, giúp chi tiêu hợp lý hơn.
Lập ngân sách không có nghĩa là gạt bỏ đi những thứ bạn muốn chi tiêu. Một ngân sách tốt sẽ giúp bạn giải quyết các chi phí phát sinh, đảm bảo thanh toán các hóa đơn và tích góp tiền cho tương lai.
Trên thực tế, những nhận thức sai lầm về lập ngân sách đang khiến nhiều người thất bại và từ bỏ hoàn toàn ý tưởng về lập kế hoạch chi tiêu. Dưới đây là một số lỗi lập ngân sách phổ biến nhất mà bạn cần tránh, giúp chi tiêu hợp lý hơn.
1. Đặt ra những kỳ vọng không thực tế
Bạn có thể mong muốn cải thiện tình hình tài chính của mình ngay lập tức, thật nhanh chóng nhưng bạn không nên đặt mục tiêu của mình quá cao. Bạn có thể sẽ thấy hào hứng với kế hoạch của mình khi viết chúng trên giấy song để thực hiện được sẽ là một quá trình hoàn toàn khác.
Stephanie Genkin, chuyên gia lập kế hoạch tài chính ở Brooklyn, New York, cho biết: “Những người mới làm quen với ngân sách, đặc biệt là những người đang cố gắng để trả nợ thẻ tín dụng, thường dễ đặt ra những con số thiếu thực tế như vậy. Thoạt nhìn bạn thấy ngân sách đó đầy hào hứng nhưng chúng không có cơ sở trong thực tế. Hãy nhìn vào ngân sách mà bạn đặt ra và hỏi bản thân: “Mình có thực sự từ bỏ được việc ăn hàng hằng ngày trong khi điều đó vốn là thói quen hằng ngày của bạn”.
Thay vào đó, Genkin khuyên bạn nên bắt đầu từ những bước nhỏ như giảm dần số lần ăn hàng, mang đồ ăn đi 1-2 bữa/tuần và tăng dần con số này lên khi bạn đã thấy quen.
2. Sở hữu quá nhiều thẻ
Nếu bạn có quá nhiều thẻ tín dụng, bạn sẽ rất dễ mất kiểm soát với chi tiêu của mình. Cách giải quyết ở đây chính là hãy đơn giản hóa các tài khoản của bạn.
“Với quá nhiều các loại thẻ thành viên, thẻ tín dụng, bạn sẽ khó theo dõi chi tiêu cũng như cập nhật các khoản thanh toán. Điều này thực sự có thể dẫn đến những thảm họa, bao gồm thiệt hại về điểm tín dụng, phí thanh toán trễ hạn và bội chi”, chuyên gia tiết kiệm Woroch chia sẻ.
3. Không bao giờ điều chỉnh chi phí biến đổi
Việc lập ngân sách sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu bạn không sẵn sàng thay đổi hình thức chi tiêu của mình. Hãy thường xuyên kiểm kê, đánh giá chi tiêu của mình xem liệu có phải bản thân đang có sự bất hợp lý trong việc chi tiêu. Nếu bạn thấy mình đang chi tiêu quá nhiều cho các danh mục như giải trí, mua sắm, bạn sẽ cần điều chỉnh sớm nhất có thể, nếu không sẽ dễ dẫn đến việc bội chi sau đó.
4. Tiêu tiền từ các quỹ khác
Bạn sẽ rất dễ tặc lưỡi và lấy tạm tiền từ các danh mục chi tiêu khác để nhanh chóng trang trải cho nhu cầu chi tiêu hiện tại của mình. Tuy nhiên điều đó là không nên.
Ví dụ: Nếu bạn đã chi tiêu hết ngân sách cho giải trí hoặc mua sắm của mình trong tháng, đừng lấy tiền từ quỹ thực phẩm hoặc đi lại chỉ vì sắp tới có một đợt giảm giá tại trung tâm mua sắm.
5. Không bao giờ cập nhật ngân sách của bạn
Thu nhập và chi phí của bạn có thể thay đổi theo từng năm. Do đó, ngân sách bạn tạo ngày hôm nay có thể không còn phù hợp trong thời điểm này năm tới.
“Chi phí luôn thay đổi, vì vậy hãy chủ động tránh các vấn đề có thể gặp với dòng tiền của mình bằng cách cập nhật ngân sách một cách thường xuyên. Đừng quên thêm bất kỳ khoản gia tăng nào trong thu nhập của bạn vào đó”, chuyên gia Choi chia sẻ.
6. Cố gắng theo kịp bạn bè
Thực tế là các đồng nghiệp của bạn có thể không hiểu tình hình tài chính của bạn hoặc không có ý thức về ngân sách như bạn. Nếu bạn cố theo kịp mọi người xung quanh, chạy đua vật chất, điều đó có thể cản trở sự tiến bộ của bạn.
Điều này không có nghĩa là bạn cần loại bỏ hoàn toàn những người này ra khỏi cuộc sống của mình. Điều quan trọng ở đây là bạn cần biết thứ gì thực sự cần và phù hợp với cuộc sống của mình. Trước khi đi mua sắm cùng ai đó, hãy chắc chắn rằng người đó không làm cản trở nỗ lực cải thiện tài chính của bạn.
7. Bỏ qua yếu tố gia đình khi lập ngân sách
Khi bạn đã lập gia đình, ngân sách của bạn buộc phải có những thay đổi nhất định để phù hợp hơn với tình hình. Nhớ rằng, bạn hay bạn đời của bạn, không ai 1 trong 2 người nên là người ra lệnh hoặc kiểm soát ngân sách gia đình. Ngân sách sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi cả hai bên trao đổi và cùng thống nhất với nhau. Đó là lý do vì sao bạn nên cởi mở trao đổi các vấn đề với nửa kia của mình trước khi đặt bút xuống lập ngân sách.
8. Quên đi các chi phí không thường xuyên
Khi lập ngân sách, bạn thường sẽ dễ nhớ đến các khoản chi phí đột xuất như quà tặng, sửa chữa xe hơi, sửa chữa nhà cửa nhưng lại dễ quên lập ngân sách cho các khoản chi không thường xuyên như thanh toán bảo hiểm hàng năm, đóng thuế.
Stefanie O'Connell, chuyên gia tài chính thế hệ millennial và là người sáng lập The Broke and Beautiful Life, cho biết: “Tôi thường xây dựng các khoản chi đó vào ngân sách của mình bằng cách ước tính chi phí hàng năm, sau đó chia cho 12 để lập ngân sách cho từng tháng”.
9. Tước bỏ mọi khoản chi cho giải trí, niềm vui
Việc chúng ta đưa ra quyết định tài chính thông minh hơn, nghiêm túc hơn với những đồng tiền của mình và chi tiêu ít hơn không có nghĩa là chúng ta phải ngồi thu lu ở nhà một cách buồn chán, tự cô lập mình. Mỗi chúng ta đều cần có những khoảng thời gian giải trí. Chi tiêu một chút để vui vẻ không phải là sự vô trách nhiệm.
Breyer nói: “Không có bất kỳ một loại ngân sách nào có thể phát huy tác dụng lâu dài khi bạn ngăn bản thân khỏi tất cả những khoản chi cho giải trí, đem lại niềm vui, đôi khi chỉ là một thanh sô cô la mỗi tuần”.
10. Nghĩ rằng bạn không cần ngân sách
Nếu bạn không bao giờ dành thời gian để ngồi xuống và viết ra ngân sách hàng tuần hoặc hàng tháng, đừng bao giờ hy vọng rằng tình hình tài chính cá nhân của bạn sẽ được cải thiện.
Dù bạn là ai, làm việc gì và có thu nhập bao nhiêu, bạn đều cần lập ngân sách. Để khắc phục và cải thiện tình hình tài chính của mình, bạn cần nỗ lực và hành động. Chỉ nói rằng bạn muốn thay đổi thôi là chưa đủ. Bạn phải thực hiện nhanh chóng thực hiện những bước đầu tiên.