Trong nhiều trường hợp, dù chúng ta cố gắng hết sức để lịch sự nhất có thể song lại vô tình trở nên mất điểm trong mắt người khác. Sẽ tốt hơn khi bạn tránh được 10 thói quen dễ gây hiểu nhầm này.
1. Gọi đồ cho người khác trong nhà hàng
Không ít người nghĩ rằng việc mình gọi sẵn đồ cho người khác sẽ giúp họ tránh được cảm giác bối rối khi không biết phải gọi món gì. Tuy nhiên hành động tưởng chừng lịch sự của bạn lại đang khiến đối phương mất đi quyền quyết định mình sẽ ăn gì. Trừ khi đối phương thực sự muốn bạn làm điều đó, sẽ tốt hơn khi bạn tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người.
2. Quan tâm quá mức
Nếu bạn bè hay người ấy của bạn đã trải qua một ngày tồi tệ, sẽ thật tuyệt khi bạn có thể làm điều gì đó giúp đỡ họ. Nhưng mọi chuyện sẽ là câu chuyện khác khi bạn quan tâm đến ai đó quá mức, không để cho họ có không gian riêng. Mặc dù mọi chuyện hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt của bạn song nó có thể vô tình trở nên thô lỗ.
Có một ranh giới khá mong manh giữa hài hước và thô lỗ, cũng như quan tâm và thô lỗ. Tuy nhiên đừng dằn vặt bản thân nếu như bạn vô tình mắc phải, một lời xin lỗi chân thành sẽ nhanh chóng giải quyết mọi việc.
3. Khen ngợi ngoại hình của ai đó
Một lời khen có vẻ như là một ý kiến hay trong mọi trường hợp phải không? Tuy nhiên mặt trái của điều này trong một số trường hợp là chúng khiến người đối diện cảm thấy rằng bạn quá chú ý đến ngoại hình và cân nặng của họ, khuôn mặt của họ, dáng dấp của họ chính là vấn đề mà bạn sẽ mang ra thảo luận. Tốt hơn hết với những người lạ hoặc ít thân thiết, bạn nên giữ mọi nhận xét cho riêng mình.
4. Dọn bàn trong khi người khác vẫn đang ăn
Có vẻ lịch sự khi chúng ta dọn sạch phần ăn của mình để không làm ảnh hưởng đến những người còn lại trên bàn ăn vẫn đang dùng bữa. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến những người xung quanh cảm thấy căng thẳng. Hành động đó như ngầm nói rằng: “Này! Tôi đã ăn xong rồi đấy! Cậu cũng nên nhanh nhanh chóng chóng đi!”.
5. Gật đầu đồng ý ngay cả khi không nghe thấy
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng làm điều này khi đang trò chuyện nơi đông người hoặc trong quán bar ồn ào. Tuy nhiên sự thật là việc vờ như mình có nghe thấy ai đó nói không phải là điều hay. Khi bạn đặt câu hỏi để làm rõ những gì người khác đã nói, điều đó càng thể hiện sự quan tâm của bạn đến cuộc trò chuyện và như một thông điệp gửi đến đối phương rằng bạn thực sự quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ đó.
6. Đến trước buổi tiệc thật sớm
Đây là một suy nghĩ tốt khi bạn muốn đến sớm và làm điều gì đó giúp chủ bữa tiệc chẳng hạn. Tuy nhiên sự thật là với rất nhiều người, việc bạn đến quá sớm cũng bất lịch sự như khi bạn đến muộn vậy. Trừ khi đó là bữa tiệc của người bạn thân nhất, việc bạn đến quá sớm có thể khiến chủ nhà không thoải mái khi họ chưa sẵn sàng đón tiếp khách.
7. Đưa ra lời khuyên khi không được yêu cầu
Nếu một người bạn đến gặp bạn để trút bầu tâm sự về vấn đề nào đó, thông thường bạn sẽ dễ nghĩ rằng điều họ đang cần chính là một lời khuyên. Tuy nhiên, đôi khi người ta chỉ muốn trút bầu tâm sự, tất cả những gì họ cần là được nói ra suy nghĩ trong lòng và có một người ở bên lắng nghe.
Tốt nhất bạn hãy hỏi xem họ đang thực sự cần điều gì trong thời điểm đó. Các chiến lược giải quyết vấn đề mà bạn đưa ra có thể tốt song việc khuyên nhủ người khác khi họ không cần cũng có thể phản tác dụng, khiến bạn trở nên mất điểm trong giao tiếp.
8. Buôn chuyện ngay cả với người mới gặp
Giả sử bạn vừa gặp một đồng nghiệp mới. Bạn vốn là người thân thiện, đồng nghiệp mới cũng khiến bạn khá thiện cảm, vậy là bạn liền chủ động tiếp cận và bắt đầu buôn chuyện. Bạn kể đầy những câu chuyện về người bạn trai cũ hay chính sếp cũ, đồng nghiệp cũ ở đó. Điều này có thể khiến đối phương nghĩ rằng bạn là người thân thiện, dễ mến song cũng có thể khiến bạn trở thành người vô duyên. Tốt nhất hãy chờ đến khi mối quan hệ của hai bạn tiến đến một mức độ thân thiết nhất định.
9. Thành người lái xe thứ 2
Bạn có thể chỉ đơn giản là muốn tư vấn cho người bạn đang lái xe con đường thuận tiện nhất song việc này thực sự dễ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Trừ khi bạn thấy một tai nạn sắp xảy ra, hành động tốt nhất là giữ im lặng và không làm tài xế mất tập trung.
10. Ôm hoặc ngồi quá gần
Tất nhiên, bạn không có ý định xâm phạm vùng không gian cá nhân của người khác song nhiều người lại thấy rằng việc bạn ngồi quá gần họ hay những tiếp xúc thân thiết khác là điều khá thô lỗ. Tốt nhất, bạn nên tôn trọng quan điểm, suy nghĩ của người khác bằng cách hỏi trước hoặc giữ khoảng cách lịch sự (khoảng cách tối thiểu bằng một sải tay).