Những dấu hiệu để bạn nhận ra cấp trên quý mến mình không phải lúc nào cũng rõ ràng. Biết được lợi thế của mình, bạn sẽ phát huy năng lực và đạt được nhiều thành tích tốt hơn trong công viêc.
Để nhận ra việc cấp trên quý mến mình là điều không phải ai cũng cảm nhận được. Điều này rất quan trọng khi bạn biết được sếp đang đứng về phía mình. Hòa hợp với cấp trên là một phần khá quan trọng giúp bạn đạt được thành công trong công việc.
Một số người lãnh đạo sẽ thể hiện rõ sự đánh giá cao của họ thông qua các lời khen ngợi song không phải ai cũng cởi mở như vậy. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn được cấp trên quý mến ngay cả khi họ không thể hiện ra điều đó:
1. "Thương cho roi cho vọt"
Theo Suzanne Bates, CEO của Bates Communications, tác giả của cuốn All the Leader You Can Be, cho rằng rất khó để phát hiện liệu cấp trên có quý mến mình hay không.
"Một người sếp đánh giá bạn có tiềm năng sẽ đưa ra cho bạn nhiều nhận xét, không phải tất cả đều tích cực - một số có thể là kiểu “thương cho roi cho vọt”. Lý do là bởi họ coi trọng bạn và đánh giá bạn hoàn toàn có thể đảm đương được nhiều công việc, sẵn sàng nhận nhiều trọng trách hơn”, Bates phân tích.
2. Sếp thử thách bạn
Nếu đôi khi bạn cảm thấy công việc quá tải, mình có quá nhiều công việc, đừng cho rằng cảm giác đó thật tệ, mọi chuyện đều tiêu cực.
Suzanne Bates cho rằng: “Cấp trên có thể sẽ giao cho bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ mình có thể xử lý. Điều này không phải bởi họ muốn trừng phạt bạn hay đưa ra thử thách làm khó bạn. Điều họ muốn làm là kiểm tra khả năng của bạn thông qua những "bài tập" khó”.
3. Sếp chia sẻ lời khuyên giúp bạn thành công
Đừng ngại ngần hỏi sếp của mình về việc bản thân nên đặt điều gì lên vị trí ưu tiên hoặc vị trí ưu tiên của chính sếp bạn.
Hãy cho cấp trên thấy rằng, bạn thực sự đang hành động và muốn đạt được thành công. Đặc biệt nếu bạn đang làm dự án rất quan trọng, được anh ấy/cô ấy đánh giá cao, hãy cho sếp biết bạn đang làm gì.
4. Sếp có thể không thể hiện sự quý mến nhưng họ tôn trọng bạn
Đừng quá lo lắng về việc liệu sếp có quý mến mình hay không vì điều thực sự quan trọng nhất là liệu họ có tôn trọng bạn hay không, có đưa bạn vào những cuộc trò chuyện quan trọng hay không.
"Được yêu thích không quan trọng bằng việc được đóng góp, trở thành đối tác, cộng sự ăn ý và giúp nhóm của bạn cũng như công ty ngày càng phát triển”, CEO Bates chia sẻ.
5. Sếp yêu cầu bạn đóng góp ý kiến
Theo Bruce Tulgan, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của RainmakerThinking, tác giả cuốn “It’s Okay to Manage Your Boss”, các ông chủ có xu hướng bàn bạc công việc nhiều hơn với những nhân viên họ thích và tin tưởng.
"Nếu cấp trên thường xuyên hỏi ý kiến của bạn trong các cuộc họp và dành cho bạn nhiều thời gian để chia sẻ, phát biểu; đưa ra phản hồi tích cực với điều bạn nói - đó là những dấu hiệu tốt", ông nói.
6. Sếp kiệm lời khen
Bạn có thể nghĩ rằng những người cấp trên sẽ thường xuyên khen ngợi những nhân viên mà họ đánh giá cao. Tuy nhiên, Bates cho rằng, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
"Cấp trên có thể nghĩ rằng bạn đã biết rõ mình được vị trí vững chắc của mình. Họ không muốn thể hiện rõ sự ưu ái dành cho bạn hoặc đơn giản là họ quên khen vì bạn luôn hoàn thành mọi thứ rất tốt", cô phân tích.
Bates khuyên bạn nên chủ động hỏi ý kiến của sếp và nói rõ mình muốn được lắng nghe những đánh giá thật lòng. Về điều này, Tulgan cũng có cùng quan điểm. Ông cho rằng nhân viên không nên tự suy đoán mà hãy chủ động đề nghị được nhận phản hồi.
7. Sếp tìm đến bạn đầu tiên
Tulgan cho rằng, sẽ là điều rất hứa hẹn khi cấp trên dường như luôn tìm đến bạn đầu tiên. Khi có công việc cần hoàn thành, cho dù đó là nhiệm vụ bình thường hay đặc biệt, họ sẽ giao cho bạn trước.
8. Đừng băn khoăn khi sếp giao thêm trách nhiệm cho bạn
Các nhà quản lý thường giao việc cho những nhân viên tài năng nhất của họ. Bạn có thể sẽ không nhận được những tấm bằng khen song bạn sẽ được giao phụ trách các dự án trọng yếu và thậm chí được quản lý những đồng nghiệp khác của bạn.
9. Sếp chuyển giao trách nhiệm cho bạn
Khi nhân viên khác gặp rắc rối, quản lý sẽ gửi họ tới cho bạn. "Nếu sếp bảo người khác đến gặp bạn để xin hướng dẫn, hoặc ý kiến, hoặc học hỏi tấm gương sáng, đây chính là dấu hiệu tốt", Tulgan nêu ví dụ.
10. Sếp trao cho bạn nhiệm vụ quan trọng
Theo Tulgan, một dấu hiệu lớn của sự tin tưởng là sếp yêu cầu bạn làm việc với những khách hàng quan trọng.
11. Sếp tìm hiểu về bạn
Quản lý thường chịu khó tìm hiểu cặn kẽ về những nhân viên ưa thích. Họ sẽ hỏi bạn hài lòng hay không, bạn có ý định chuyển công ty hay không, và làm thế nào để công ty giữ được bạn.
Làm vậy không có nghĩa là hỏi cung bạn. Sếp chỉ đang chủ động tìm hiểu những bước cần thiết để tiếp tục có được nhân viên tốt là bạn.
12. Sếp yêu cầu bạn đào tạo người khác
Nếu cấp trên liên tục đề nghị bạn hướng dẫn người mới, hoặc giải thích công tác cho đồng nghiệp khác, bạn có thể cảm thấy mình đang bị giao thêm việc, mọi thứ thật nặng nhọc.
Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sếp muốn người khác học hỏi điểm tốt ở bạn. Thay vì coi những yêu cầu này là thêm gánh nặng, bạn nên xem là cơ hội để rèn dũa năng lực lãnh đạo, và bộc lộ bản lĩnh.