Một trong những điều khi bước chân vào môi trường công sở bạn cần học được chính là, không phải người sếp nào cũng có thể đánh giá đúng năng lực của bạn.
Có những người cấp trên khiến ta phải ngưỡng mộ bởi tài năng của họ. Họ là người có thể khai thác tốt những lợi thế của nhân viên mình. Tuy nhiên, lại có những người không thể nhận ra hoặc cố tình không muốn trọng dụng người được việc và ta chỉ biết được điều đó khi phát hiện mình bị “ném đá giấu tay”.
Nếu bạn thông minh và thực sự có năng lực, sẽ có rất nhiều người sếp muốn được khai thác bạn song lại có những người sợ bạn sẽ làm lu mờ hay ảnh hưởng đến vị trí của họ. Sự thông minh của bạn đe dọa họ và khiến họ cảm thấy bất an.
Bỗng một ngày, bạn nhận thấy công việc của mình trở nên chật vật một cách khó hiểu. Cấp trên liên tục gây khó dễ với bạn trong khi bạn không biết bẩn thân đã làm gì sai. Hãy nhớ rằng, bạn không làm gì sai cả. Bạn chỉ xuất hiện ở sai vị trí và làm công việc tốt hơn những gì cấp trên của bạn muốn mà thôi.
Luôn làm chủ cuộc chơi hay ít nhất là nắm trước tình hình để có thể chuẩn bị kế hoạch riêng cho mình. Nếu bạn thấy có 5 dấu hiệu dưới đây, rất có thể cấp trên đang tìm cơ hội để sa thải bạn.
1. Cấp trên muốn bạn báo cáo qua một người khác
Trừ khi cấp trên của bạn thuộc ví trí ban Giám đốc, có thể quyết định sa thải bạn ngay lập tức thì những trường hợp còn lại, họ sẽ dần tìm cách để sa thải bạn. Họ sẽ thay đổi vị trí, vai trò hay chức danh của bạn, những điều nghe có vẻ vô hại song thực ra là nhằm mục đích khiến các cấp cao hơn thấy được hiệu suất làm việc đang lo ngại của bạn.
Hãy hiểu đơn giản thông qua ví dụ này. Bỗng một ngày đẹp trời, sếp của bạn nói: “Này! Từ này cậu sẽ báo cáo qua Thu vì tôi không có nhiều thời gian để làm việc riêng với từng người”. Bạn nhanh nhẹn đáp lại đồng ý vì nghĩ rằng dù sao người đồng nghiệp kia cũng nhanh hiểu vấn đề hơn vị sếp quái gở này.
Tuy nhiên, trong câu chuyện của sếp bạn với cấp cao hơn, nội dung lại có sự khác biệt. Anh ta/cô ta nói rằng năng lực làm việc của bạn có vấn đề và đang cần đặt dưới sự kèm cặp của cô đồng nghiệp tên Thu. Đó chính là bước đầu tiên họ làm để biến bạn trở thành một nhân viên thiếu năng lực và nhanh trong tống bạn ra khỏi cửa.
2. Chỉ nói chuyện và giao việc cho bạn qua email
Tại sao cấp trên lại không nói chuyện trực tiếp hay giao việc cho bạn qua điện thoại nữa mà thay vào đó là liên lạc toàn bộ qua email? Đó là bởi cấp trên của bạn đang muốn tạo ra những bằng chứng khi bạn có bất cứ sơ xảy nào.
Cấp trên của bạn có thể sao chép toàn bộ email và gửi tới bộ phận nhân sự để nhanh chóng sa thải bạn thay vì khó lòng có bằng chứng như khi nói chuyện trực tiếp.
3. Đánh giá kết quả công việc của bạn bị hoãn lại vô cớ
Có nhiều lý do khiến việc đánh giá kết quả công việc của bạn bị hoãn lại. Tuy nhiên nếu điều này xảy ra mà không hề có bất cứ một lời giải thích nào và bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ của mình và sếp tại thời điểm đó, bạn nên nhìn nhận mọi việc một cách kỹ càng hơn. Rất có thể cấp trên của bạn đang dành thêm nhiều thời gian để xem xét hiệu quả làm việc của bạn, tìm cách bắt lỗi để có thể sa thải bạn nếu cần thiết.
4. Sếp cử bạn tham gia những lớp đào tạo không cần thiết
Tại sao cấp trên của bạn lại cử bạn tham gia một lớp Kỹ năng giao tiếp cơ bản trong kinh doanh, khóa Kỹ năng quản lý dự án cơ bản, Quản lý dự án hay Kỹ năng làm việc nhóm? Đó là bởi anh ấy/cô ấy muốn các đồng nghiệp của bạn và cấp trên nữa nghĩ rằng bạn thực sự thiếu những kỹ năng đó.
Họ sẽ làm gì sau khi bạn hoàn thành khóa học trở về? Có thể đơn giản là nói chuyện với bộ phận Nhân sự rằng bạn đã không có gì tiến bộ sau khi hoàn thành khóa học, “bật đèn xanh” cho việc sa thải bạn.
5. Họ đưa bộ phận Nhân sự can thiệp vào cuộc trò chuyện
Dấu hiệu cuối cùng cho thấy cấp trên muốn sa thải bạn là khi họ yêu cầu bộ phận Nhân sự can thiệp vào cuộc nói chuyện của họ với bạn. Bạn sẽ được mời đến một cuộc họp có sự tham gia của bộ phận Nhân sự cùng người sếp của mình để bàn về những khiếm khuyết bạn không hề có trong công việc. Cấp trên của bạn sẽ liên tục nói rằng anh ấy/cô ấy đã cố hết sức để làm việc với bạn nhưng không thể. Thực tế là cấp trên của bạn cảm thấy sự thông minh của bạn đe dọa họ.
Bạn cần làm gì trong hoàn cảnh này? Tất nhiên là đừng cảm thấy thất vọng về bản thân mình. Lý do duy nhất khiến cấp trên thấy bị đe dọa là bởi anh ta/cô ta đã quen làm việc với những người năng lực thấp, những người họ có thể bảo gì nghe náy mà thôi. Cấp trên của bạn luôn muốn bản thân mới là người tài giỏi nhất.
Bạn không làm gì sai, bạn chỉ đơn thuần là đã chọn sai người để làm việc cùng. Hãy cho mình một cơ hội khác để làm việc với người xứng đáng hơn. Nếu cấp trên “thêu dệt” những điều không tốt về bạn, hãy tìm cơ hội trao đổi trực tiếp với bộ phận Nhân sự để tránh bất cứ hiểu lầm nào. Xin nhớ rằng, không phải ai cũng xứng đáng với năng lực của bạn.