Con người khi thuận lợi, muốn giữ hạnh phúc cho mình thì phải học cách khiêm tốn, chớ khoe khoang.
Trong thế giới này, những người khác nhau có hiểu biết khác nhau. Mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình, mỗi người đều có vinh quang của riêng mình. Một số người có thể hành động khiêm tốn ngay cả khi họ có rất nhiều, trong khi một số luôn khoe khoang gấp đôi những gì mình có.
Bản chất của con người là thích được thể hiện, khoe ra nhưng khoe khoang quá mức chưa chắc đã mang lại vinh quang cho bản thân mà còn mang đến tai họa. Người sống khiêm tốn, điềm đạm mà bước đi, con đường phía trước sẽ ngày càng suôn sẻ. Có 2 điều người khôn ngoan luôn học cách không khoe khoang:
1. Của cải
Nhà văn Trung Quốc Dương Giang từng nói: "Hãy nhớ rằng, bí quyết để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh bạn không phải là chia sẻ niềm vui thành công hay hạnh phúc với họ. Tội lỗi lớn nhất trong bản chất con người là không thể thấy người khác hơn mình. Người càng khôn ngoan càng biết cách che giấu!"
Có cô gái nọ sinh ra trong gia đình rất có điều kiện. Ngày tốt nghiệp đại học, mẹ đã mua cho cô một căn nhà và không quên dặn dò rằng nếu ai đó hỏi hãy nói rằng ngôi nhà này được mua bằng tiền vay. Cô gái cảm thấy khó hiểu nên hỏi mẹ, mẹ cô trả lời rằng: “Trên đời này, ngoài cha mẹ muốn con sống tốt, có thể sẽ có người muốn con sống tốt, nhưng họ không muốn con sống tốt hơn họ. Tốt nhất đừng khoe khoang cuộc sống của mình. Sống ở đời nhất định phải học cách làm người khiêm tốn."
Trong cuộc sống, có rất nhiều người thích khoe nhà lầu, xe hơi, những bữa ăn tối thịnh soạn với bạn bè. Thậm chí, họ còn bồi thêm bằng những ngôn từ khoa trương để phô trương sự giàu có và địa vị xã hội của mình. Họ không biết rằng trên đời này luôn có những người không thể nhìn thấy điểm tốt của người khác. Một khi cuộc sống của người khác tốt hơn mình, những người này sẽ nảy sinh ý muốn bẻ gẫy đôi cánh của ai kia.
Nếu tự tay bạn kiếm được tiền, hãy giữ thật tốt, đừng lúc nào cũng khoe ra xung quanh. Người khôn ăn nói nửa vời chính là như vậy. Chớ dốc hết tâm tư, học cách giấu mình, đó mới là trí huệ lớn nhất của con người.
2. Kết nối
Bản chất của các giao tiếp xã hội thực chất là sự trao đổi giá trị. Việc cố lân la đến ai đó để làm quen khi bạn không có khả năng, rồi nhân cơ hội này thể hiện quan hệ đó là điều vô cùng ngu ngốc. Kết nối không phụ thuộc vào việc bạn biết ai và người bạn biết giỏi như thế nào mà phụ thuộc vào việc ai có thể xuất hiện bên bạn và giúp đỡ bạn khi bạn cần.
Không lo không có kết giao, chỉ lo không thể trưởng thành.
Nhà văn Li Shanglong khi còn học đại học rất thích tham gia hoạt động của câu lạc bộ. Trong thời gian này, ông đã cố gắng xin số điện thoại của nhiều "người tài giỏi". Ông cố gắng hết sức để lấy lòng các thầy cô trong trường, thường mua trái cây đến thăm, mong nhận được lời khuyên hữu ích. Nhưng không ai ở đó thực sự nhìn vào mắt ông. Họ chỉ nhớ đến Shanglong khi cần người. Với các thầy cô, câu trả lời của họ thường là “không có thời gian”.
Sau nhiều năm sau, Li Shanglong đã trở thành một tác giả sở hữu cuốn sách bán chạy nhất. Lúc này, những người từng ngó lơ ông trước kia đã lần lượt đến gõ cửa nhà, hỏi han ông về việc xuất bản sách.
Chỉ khi có trao đổi tương đương thì bạn mới có thể nhận lấy sự trợ giúp tương đương. Trong cuộc sống, có một số người rất thích đăng ảnh của mình chụp với người nổi tiếng hay người có địa vị. Họ tin rằng, đó là cách nhanh nhất để khẳng định vị trí của mình. Thế nhưng khi ai đó nhờ họ kết nối với người nổi tiếng kia hoặc cần sự giúp đỡ, họ chắc chắn sẽ không làm được.
Có một câu nói rất hay rằng: "Nếu bạn đang nở rộ, những con bướm sẽ đến." Thay vì khoe khoang quan hệ, hãy dành thời gian đó để đọc sách và nâng cao năng lực cá nhân. Nếu bạn không có giá trị thì mọi sự khoe khoang đều sẽ trở thành trò cười.
Cuộc sống là của chính mình và con đường nằm ở dưới chân ta. Bất kể sự giàu có hay các mối quan hệ, đừng luôn nghĩ đến việc thể hiện, khoe ra mà hãy mang thái độ khiêm tốn và âm thầm trau dồi năng lực của mình.