Nếu tôi có thể cải thiện cuộc sống của mình bằng phương pháp này, bạn cũng vậy. Hãy sử dụng cách này để loại bỏ những thói quen xấu và thay vào đó bằng những thói quen tích cực, ngày càng thành công hơn nữa.
(*) Bài viết là chia sẻ của Leon Ho, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Lifehack.
Vòng tuần hoàn của những thói quen xấu là thứ khiến chúng ta tự cản trở việc phát huy tiềm năng thực sự của mình. Đừng nghĩ rằng việc phá vỡ thói quen xấu là điều gì đó rất khó có thể thực hiện.
Là giám đốc của một công ty và đang nuôi 2 con, tôi vẫn từ bỏ được 3 thói quen xấu mà mình mắc phải trong vòng 2 tháng. Điều đó có nghĩa là tôi đã học được cách phá bỏ thói quen xấu trong vòng chưa đầy 21 ngày. Tôi đã từng bước loại bỏ từng thói quen xấu: uống nước có ga mỗi ngày, ngồi không đúng tư thế và lười vận động.
Cách phá bỏ thói quen xấu bằng phương pháp Xóa - Thay thế - Loại bỏ
Tôi đã dùng phương pháp Xóa - Thay thế - Loại bỏ để thực hiện những điều này. Sự thật là chúng ta đều nhận thấy ở một mức độ nào đó những thói quen xấu của mình song thường phớt lờ tác động tiêu cực mà thói quen có thể dẫn đến.
Đối với tôi, thói quen xấu đó chính là uống nước có ga mỗi ngày để cố gắng tỉnh táo. Tôi cũng không có bất kỳ chế độ tập thể dục nào vì tôi cảm thấy tốt hơn là chỉ cần thư giãn và vui vẻ sau cả ngày làm việc. Kết quả của lối sống rất không lành mạnh đó là tôi bị tăng cân và đau lưng.
Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách về xây dựng thói quen tốt và từ đó nghĩ ra phương pháp của riêng mình để bỏ thói quen xấu, chính là Xóa - Thay thế - Loại bỏ.
Tôi bắt đầu bằng việc chỉ tập trung vào một thói quen xấu, đầu tiên là lượng nước có ga tôi tiêu thụ mỗi ngày. Mỗi ngày, tôi áp dụng phương pháp này và sau 2 tuần, tôi không chỉ ngừng uống nước có ga mỗi ngày mà còn bắt đầu có thói quen tốt hơn là uống 8 cốc nước mỗi ngày.
Sau khi loại bỏ được 1 thói quen xấu, tôi chuyển sang 2 thói quen còn lại với cùng một phương pháp này và một tháng sau tôi đã:
Tập thể dục 2 lần/tuần.
Cải thiện tư thế ngồi không chỉ ở văn phòng mà còn ở nhà và mọi nơi khác. Tình trạng lưng được cải thiện rõ rệt.
Giảm mỡ eo, số đo từ từ 91,5 cm (được coi là mức béo phì) xuống 81,3 cm (mức bình thường).
Nếu tôi có thể cải thiện cuộc sống của mình bằng phương pháp này, bạn cũng vậy. Hãy sử dụng cách này để loại bỏ những thói quen xấu và thay vào đó bằng những thói quen tích cực, ngày càng thành công hơn nữa.
Kiểm soát: Làm chủ mong muốn của bạn
Bạn cần xác định các nhân tố kích hoạt của mình. Những thói quen xấu, ví dụ như uống rượu, hút thuốc và ăn vặt quá nhiều sẽ kích hoạt giải phóng dopamine, một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu. Mặc dù bạn có thể không thích kết quả cuối cùng, nhưng chúng mang lại cho bạn một sự thoải mái ngay tại thời điểm đó.
Khi học cách phá bỏ thói quen xấu, điều quan trọng là phải xác định điều gì khiến bạn liên tục thực hiện thói quen này. Đây là việc không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi vì thói quen của chúng ta đã được hình thành trong một thời gian dài.
Để giúp bạn xác định các yếu tố kích hoạt, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như:
Thói quen này mang lại cho bạn sự thoải mái nào?
Tại sao bạn cần sự thoải mái?
Đối với tôi, nước có ga khiến tôi cảm thấy ngon miệng và cảm thấy dễ chịu hơn khi căng thẳng. Tôi thường ngồi võng lưng khi phải làm việc lâu hoặc khi thấy mệt mỏi. Tôi cũng bỏ qua các bài tập luyện vì sau giờ làm viêc, tôi đã cảm thấy nó quá đủ với mình.
Nếu bạn chọn ăn đồ ăn nhanh mỗi đêm, có lẽ bạn đang tự nhủ rằng mình quá bận để nấu ăn. Lúc này hãy tự hỏi vì sao lại vậy và ưu tiên của bạn là gì? Có thể là do bạn thấy mình nấu ăn không ngon hoặc đang chủ quan, chưa dành sự ưu tiên cho chăm sóc sức khỏe.
Để học cách phá bỏ những thói quen xấu, hãy viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn xung quanh mỗi thói quen. Việc phải viết ra mọi thứ buộc não bộ của chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn. Điều này giúp bạn tìm ra nguồn gốc gây ra sự căng thẳng cũng như hạn chế những niềm tin tiêu cực.
Thay thế: Tìm một sự thay thế
Việc bạn cần làm ở bước tiếp theo chính là tìm một thói quen tích cực để thay thế. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã phát hiện ra nguyên nhân kích hoạt của mình, hãy cố gắng tìm ra một thói quen tương tự nhưng tốt cho sức khỏe. Với tôi, điều này chính là thay nước có ga bằng nước chanh; thư giãn bằng cách đơn giản là đi bộ và thường xuyên duỗi cơ khi làm việc; thư giãn ở nhà sau giờ làm việc với các bài tập thể dục khiến tôi hào hứng.
Khi học cách phá bỏ những thói quen xấu, bạn có thể quyết định đi bộ đến văn phòng thay vì lái xe. Bạn có thể chuyển sang một loại ngũ cốc ăn sáng lành mạnh hơn thay vì ăn một bữa ăn sáng toàn đường và tinh bột. Bằng cách này, bạn sẽ không phải từ bỏ hành động hoàn toàn mà không có gì để lấp đầy khoảng trống đó. Bộ não của bạn sẽ chấp nhận sự cải thiện tốt hơn .
Ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc yếu lòng, muốn trở lại với thói quen trước đây. Chính bởi vậy bạn cần có sự chuẩn bị trước cho những khoảnh khắc đó.
Hãy nghĩ về những điều bạn có thể làm khi bị cám dỗ. Ví dụ: Nếu bạn muốn dùng điện thoại ít hơn, hãy nhờ bạn bè hoặc nửa kia giữ điện thoại hoặc tắt máy và đọc sách. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu thói quen tập thể dục, hãy rủ ai đó tập cùng để có trách nhiệm hơn.
Bạn cần có sẵn kế hoạch cho việc mình sẽ làm khi cảm thấy bị kích thích quay lại thói quen cũ. Lặp lại những thói quen thay thế tích cực này sẽ dần khiến não bộ của bạn coi chúng là thói quen bình thường mới.
Loại bỏ: Xóa cám dỗ
Hãy loại bỏ bất cứ điều gì khiến bạn nhớ đến thói quen xấu của mình. Ví dụ, tôi đã loại bỏ tất cả số nước có ga trong văn phòng và ở nhà của mình; thay thế chiếc ghế văn phòng thông thường bằng một quả bóng thể dục.
Tiếp sau đó, bạn cần tránh tất cả các loại cám dỗ, cụ thể là tránh những nơi hoặc những người mà bạn biết sẽ khiến bạn muốn quay lại với thói quen xấu. Đừng đến siêu thị khi bụng đói, đừng đi dạo qua các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, học cách nói không với người bạn mà bạn từng thường xuyên say cùng. Điều quan trọng là đừng đặt mình vào tình huống có nguy cơ khiến thói quen xấu tái phát.