Dưới đây là 4 cách để vợ chồng bạn luôn là một đội, không gặp vướng mắc trong tiền bạc và ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
Thiết lập ngân sách là điều đầu tiên mà bạn và nửa kia của mình cần làm để xây dựng chế độ tài chính bền vững. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bắt đầu của "cuộc chiến".
Khi đã có được ngân sách phù hợp và thực tế, điều quan trọng là làm sao để vợ chồng bạn có thể bám sát ngân sách đó và không rơi vào tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Dưới đây là 4 cách để vợ chồng bạn luôn là một đội, không gặp vướng mắc trong tiền bạc và ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
1. Thoát khỏi mặc định "người tiết kiệm" hay "người tiêu hoang"
Chúng ta thường tự đưa ra tiêu chuẩn để xếp một người vào nhóm tiêu hoang hay tiết kiệm. Sự thật phải công nhận là chúng ta đều là sự kết hợp của cả hai. Bạn có thể thích tiêu tiền khác cách với vợ/chồng của mình song sẽ là nói dối nếu nói rằng chúng ta không thích chi tiêu vào bất cứ điều gì.
Tiết kiệm cũng giống như vậy. Có thể với bạn, tiết kiệm là điều gì đó rất tự nhiên, gắn liền với tính cách, cách sống của bạn song với bạn đời của bạn thì không như vậy. Nhưng tiết kiệm là điều có thể học và tạo thói quen được. Với bạn, tiết kiệm có thể là việc nhìn thấy tài khoản tiết kiệm, tài sản ròng tăng lên mỗi ngày, đối với vợ/chồng bạn, đó có thể là đi du lịch thoải mái hơn mà tổng ngân sách năm vẫn không thay đổi. Mỗi người có một sở thích, cách nhìn và cách làm khác nhau. Hãy đặt ra mục tiêu và hành động để hướng tới mục tiêu đó, đừng gắn mình hay bạn đời với cái mác nào cả. Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và hành động không giống nhau.
Việc dán nhãn bản thân là một người chi tiêu hay tiết kiệm sẽ khiến bạn gắn liền với suy nghĩ cố định đó. Nó có thể đánh lừa bạn nghĩ rằng thành công hay thất bại của bạn trong việc tiết kiệm đã được xác định trước.
Thay vào đó, hãy theo dõi chi tiêu của mình thường xuyên, tổng kết và điều chỉnh kịp thời. Nếu bạn đời của bạn đã chi hơi quá trong tháng trước, đừng quá căng thẳng hay cãi nhau, đơn giản là cả hai cùng biết điều đó và sẽ thay đổi, kiểm soát tài chính tốt hơn trong tháng trước. Nếu anh ấy/cô ấy hay bạn đã tiết kiệm tốt, đừng ngần ngại đưa ra lời khen về sự nỗ lực, chăm chỉ đó. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng đến mục tiêu nhanh hơn khi không áp đặt nhau vào suy nghĩ của mình.
Tìm công cụ tạo nên sự thống nhất
Bước này rất quan trọng trong việc vợ chồng bạn có theo sát ngân sách mà hai người đã lập ra hay không. Đó có thể la bất cứ công cụ nào như ứng dụng trên các thiết bị thông minh, bảng treo ngay lối ra vào, phần mềm excel... hay đơn giản là một cuốn sổ. Miễn là hai bạn có thể gắn bó với nó.
Nếu bạn là người thích công nghệ, hai bạn có thể dễ dàng tìm được các ứng dụng hỗ trợ quản lý tài chính trên internet. Với các công cụ này, bạn có thể theo dõi dễ dàng thu chi, tiết kiệm của mình, tổng kết nhanh chóng mức thu chi hàng tuần, hàng tháng mà không tốn thời gian. Bạn cũng có thể cập nhật thông tin về tài chính của mình ở bất cứ nơi nào.
Nếu bạn là người thích tỉ mỉ, một cuốn sổ ghi chép hay tấm bảng được trang trí bắt mắt ngay cửa ra vào sẽ là một ý tưởng hay. Việc phải đặt tay viết sẽ khiến bạn nhớ lâu hơn và cân nhắc hơn về các khoản thu chi.
Khi hai bạn tìm ra được công cụ phù hợp với vợ chồng mình, cả hai sẽ dễ dàng thống nhất trong quản lý tài chính hơn.
3. Kỷ niệm các cột mốc quan trọng
Không có con đường nào là dễ dàng nhưng luôn có những cách để bạn tận hưởng vẻ đẹp trong suốt hành trình đó. Điều này không chỉ trong một lĩnh vực riêng biệt nào mà có thể áp dụng với mọi mặt của cuộc sống.
Tiết kiệm không phải điều dễ dàng với tất cả mọi người song chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra cách và thực hiện nó một cách thoải mái, không khiến cuộc sống trở nên khổ sở. Quan trọng là cách bạn tận hưởng hành trình đó thế nào.
Hai bạn mơ ước về một căn nhà của riêng mình và đặt ra kế hoạch tiết kiệm 15 triệu mỗi tháng? Tháng trước, nhờ việc cắt giảm đi ăn hàng và tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà mang đi làm, vợ chồng bạn đã tiết kiệm được thêm 2 triệu? Đừng quên kỷ niệm thành công đó bằng một món quà bất ngờ hay bữa tối chiêu đãi bạn đời của mình. Trong buổi hẹn hò đó, hãy cùng nhau trò chuyện về một tháng tuyệt vời mà cả hai đã trải qua và đừng quên viết ra thành công đã đạt được. Sau đó sẽ là những cách để tháng sau có thể làm tốt hơn nữa.
Việc kỷ niệm những cột mốc thắng lợi dù nhỏ sẽ giúp bạn vừa có động lực, vừa giữ vững được tài chính và mục tiêu dài hạn của mình.
4. Trò chuyện thường xuyên
Có thể bạn và bạn đời của mình là những người vốn hay tâm sự, cũng có thể cuộc sống bận rộn với guồng quay công việc, gia đình khiến hai bạn ít có thời gian tâm sự với nhau. Dù ở trong trường hợp nào, đừng bao giờ quên sắp xếp mọi việc theo thứ tự ưu tiên và dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người bạn đời của mình và một trong những chủ đề không thể thiếu chính là tài chính.
Tốt nhất, bạn và vợ/chồng mình nên cùng ngồi xuống ít nhất 1 lần 1 tuần để trò chuyện tập trung về tài chính của gia đình mình. Đôi khi, bạn có thể tự thưởng cho mình một món tráng miệng bắt mắt hay đốt cây nến thơm để không khí trò chuyện trở nên thú vị hơn nhiều. Đôi khi, tất cả những gì chúng ta cần lại chỉ là sự khuyến khích dù đơn giản nhất.
Nhớ rằng, dù chuyện gì xảy ra, hãy nhớ đó là một hành trình và thất bại không định nghĩa con người bạn.
Hãy theo đuổi mục đích của mình và không nản lòng. Sẽ không tránh khỏi những lúc bạn muốn dừng lại, cảm thấy khó khăn, xong khi vượt qua được, bạn sẽ thấy không điều gì là không thể với sự quyết tâm.
Hôn nhân đưa bạn và người ấy đến với nhau, cùng nhau sát cánh nhưng có thể bay đến đích nào là phụ thuộc vào chính hai bạn.