Thay vì xem ngân sách của mình như bị hạn chế bởi một bên thứ 3, về những thứ mình không thể làm, tôi xem nó như những lựa chọn mà tôi tin tưởng. Đây là cách giúp bạn có tài chính tốt hơn, tiết kiệm mà vẫn cảm thấy thoải mái.
(*) Bài viết là chia sẻ của Nick True, chủ của kênh Mapped Out Money nhằm giúp mọi người hiểu hơn về tài chính, cách quản lý tiền bạc và tận hưởng cuộc sống.
Mọi thói quen xấu có thể bắt nguồn từ một từ
Gần đây, tôi đã đọc được một bài báo xuất sắc của James Clear về tầm quan trọng của từ ngữ chúng ta sử dụng khi nói chuyện với mọi người và với chính mình. Cụ thể, anh ấy đã đưa ra những phân tích về tầm quan trọng của lời nói của chúng ta khi chống lại sự cám dỗ. Một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa cách chúng ta tự nói với bản thân mình và khả năng nói “không”.
Nghiên cứu đã được tiến hành như sau:
120 sinh viên được chia thành 2 nhóm khác nhau và được yêu cầu chống lại nhiều cám dỗ khác nhau khi được đề nghị. Một nhóm được hướng dẫn từ chối bằng cách nói rằng họ “không thể”, trong khi nhóm thứ hai từ chối bằng cách nói rằng họ “không”.
Ví dụ: Khi được đưa ra cám dỗ là kem, nhóm đầu tiên sẽ trả lời rằng: "Tôi không thể ăn kem", trong khi nhóm thứ hai sẽ nói "không, tôi không ăn kem".
Sau khi lặp đi lặp lại bài tập này, mỗi học sinh sẽ trả lời một nhóm câu hỏi không liên quan và sau đó nộp lại phiếu trả lời của họ khi hoàn thành. Trước khi rời khỏi phòng, họ được tặng một món quà thay lời cảm ơn vì đã tham gia. Họ có thể lựa chọn giữa một thanh bánh dinh dưỡng và một thanh kẹo.
Và đây chính là phần làm nên điều thú vị. Có 61% những học sinh nói “không thể” đã chọn lấy thanh kẹo trong khi tỷ lệ này chỉ là 36% ở nhóm nói “không”. Có vẻ như những từ ngữ mà họ sử dụng đã tác động đáng kể đến hành động tức thì của họ.
Nhiều người lại nghĩ rằng, có thể đây là một sự may mắn khi những người thuộc nhóm 2 vốn thích những thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa dừng lại ở đó.
“Không thể” so với “Không” trong dài hạn
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng xem xét sự khác biệt giữa “không thể” và “không” trong một khoảng thời gian dài. Đối với nghiên cứu này, họ xem xét trên 30 phụ nữ đăng ký tham gia một buổi hội thảo về sức khỏe. Những người phụ nữ này được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm 10 người và được yêu cầu hình dung về một mục tiêu sức khỏe trong lâu dài. Họ được hướng dẫn để chống lại sự cám dỗ để đạt tới mục tiêu.
Nhóm 1 là nhóm tự kiểm soát, họ không được đưa ra một chiến lược cụ thể nào về cách từ chối khi họ muốn từ bỏ mục tiêu.
Nhóm 2 được hướng dẫn thực hiện chiến lược “không thể” bằng cách tự nhủ rằng mình “không thể bỏ lỡ buổi tập luyện”.
Nhóm 3 đã sử dụng chiến lược “không”, bằng cách tự nhủ rằng “Tôi không bỏ lỡ các buổi tập”.
Những người phụ nữ đã báo cáo kết quả của họ trong những ngày tiếp theo để cho ra kết quả có bao nhiêu người trong số họ đạt được mục tiêu của mình. Và đây là kết quả sau 10 ngày.
Nhóm 1: Chỉ có 3 trong số 10 phụ nữ còn theo đuổi mục tiêu.
Nhóm 2: Tệ nhất khi chỉ còn lại 1/10 người theo đuổi mục tiêu.
Nhóm 3: Có 8/10 phụ nữ vẫn kiên trì với mục tiêu của họ.
Điều này có thể cho thấy rằng những từ bạn sử dụng không chỉ giúp bạn đưa ra quyết định ngắn hạn tốt hơn mà còn còn giúp bạn kiên định với mục tiêu dài hạn của mình.
Vì sao nó lại hiệu quả?
Khi lần đầu tiên đọc về điều này, tôi thấy khá điên rồ khi làm sao mọi thứ trên đời có thể thay đổi bởi một từ như vậy? Tuy nhiên, càng ngẫm nghĩ về nó, càng đọc những gì anh ấy viết, tôi càng thấy điều này ý nghĩa.
Từ “không thể” chính là giới hạn. Chúng ta sử dụng từ đó khi có điều gì đó chúng ta muốn làm nhưng lại vướng mắc bởi lý do nào đó hay yếu tố bên ngoài ngăn cản bản thân làm.
Một đứa trẻ 5 tuổi muốn ăn kem nhưng không thể ăn vì mẹ đứa bé không cho phép.
Bạn muốn nghỉ vào tuần tới, nhưng không thể vì sếp của bạn không cho phép.
Trong khi đó, “không” là quyết định chúng ta đưa ra, chúng ta làm vì chúng ta tin tưởng.
Tôi không lừa dối vợ vì tôi yêu cô ấy và tin rằng lừa dối là sai.
Bạn không ăn cắp của công ty vì bạn tin rằng điều đó là vô đạo đức.
Một vận động viên Olympic không thức đến 3 giờ sáng trước một sự kiện vì họ muốn đạt phong độ cao nhất.
Không ai ngăn cản bạn và tôi làm những điều đó. Chúng ta chọn không làm vì có niềm tin cốt lõi.
Khi bạn nói “không thể”, bạn đang ngụ ý rằng điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và bạn muốn làm điều khác. Nhưng khi bạn nói “không”, bạn đang khẳng định về điều mà mình tin tưởng.
Ví dụ như khi tôi nói “Tôi không thể lừa dối vợ”, điều đó ngụ ý rằng tôi muốn lừa dối nhưng lại không thể vì sợ cô ấy phát hiện chẳng hạn. Thay vào đó, khi tôi nói rằng “Tôi không lừa dối vợ”, tôi đang truyền tải thông điệp rằng tôi là người chồng không lừa dối vợ. Đó là một tuyên bố về niềm tin của tôi với tư cách một con người và tôi muốn trở thành một người chồng tốt.
Những lời bạn nói với bản thân sẽ phản ánh niềm tin cốt lõi của bạn và có tác động đáng kể đến hành động của bạn sau này.
Những từ bạn sử dụng sẽ thay đổi nhận thức của người khác về bạn
Khi bạn ở tuổi vị thành niên, khi ai đó đưa bạn thuốc lá hay rượu và bạn nói rằng bạn “không thể”, chúng có thể chế giễu bạn và nói rằng bạn đúng là đứa trẻ con to xác, luôn nghe lời mẹ. Nhưng nếu bạn nói rằng bạn “không”, nhiều khả năng họ sẽ để bạn yên và thấy tôn trọng bạn. Khi bạn nói rằng bạn “không”, điều đó khiến người khác cảm thấy bạn là người chủ động trong hành động đó, không phải vì bất kỳ ai.
Một ví dụ khác khi bạn thực hiện chế độ ăn kiêng và ai đó mời bạn ăn bánh. Nếu bạn đáp rằng bạn “không thể”, họ sẽ nghĩ rằng ai đó đang ép bạn ăn kiêng (có thể là vợ/chồng hay bố mẹ của bạn…). Nhưng nếu bạn nói: “Không, cảm ơn. Tôi không ăn bánh hơn một lần một tuần”, họ sẽ tôn trọng quyết định của bạn.
“Không thể” và “Không” có thể áp dụng trong chi tiêu
Bây giờ bạn sẽ tự hỏi rằng, liệu điều này có liên quan gì đến tài chính. Câu trả lời chính là, nó hiệu quả với tất cả mọi thứ.
Trong bài viết của James, anh ấy tập trung vào việc áp dụng “không thể” so với “không” để không bỏ lỡ buổi tập luyện nào, gắn bó với mục tiêu sức khỏe. Tôi đã nghĩ về cách áp dụng khái niệm tương tự vào việc thiết lập ngân sách, sử dụng “không” thay vì “không thể”.
Thay vì xem ngân sách của mình như bị hạn chế bởi một bên thứ 3, về những thứ mình không thể làm, tôi xem nó như những lựa chọn mà tôi tin tưởng. Đây là cách giúp bạn có tài chính tốt hơn, tiết kiệm mà không trở nên khổ sở.
Chúng ta muốn trở thành kiểu người không phá vỡ ngân sách của mình.
Chúng ta muốn trở thành mẫu người tiết kiệm tiền vì tin rằng điều đó là cần thiết.
Vì vậy, khi bạn bè của tôi rủ đi ăn và không điều đó không nằm trong ngân sách, tôi sẽ "Tôi không phá vỡ ngân sách của mình" thay vì “Tôi không thể”.
Bạn muốn trở thành kiểu người tự chủ với tài chính, cuộc sống của mình hay muốn thành kiểu người cảm thấy bị hạn chế bởi những gì mình có thể và không thể làm?
Hãy đặt niềm tin trong mỗi lời nói của bạn và không cảm thấy bị hạn chế. Bạn sẽ thay đổi được thói quen của mình từ việc bắt đầu bằng cách thay đổi lời nói.