Dưới đây là những mẹo tiết kiệm đơn giản giúp người làm văn phòng có thể chi tiêu hợp lý hơn, "đút lợn" vài triệu mỗi tháng.
Được đánh giá là nhóm đối tượng có mức thu nhập khá và ổn định song thực tế không ít dân văn phòng vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng mới nửa tháng đã mòn mỏi chờ lương. Dưới đây là những mẹo tiết kiệm đơn giản giúp người làm văn phòng có thể chi tiêu hợp lý hơn.
1. Thiết lập ngân sách
Bạn có thể tham khảo nhiều công thức phân bổ thu nhập khác nhau như 50/30/20 hay 6 chiếc lọ…
Thiết lập ngân sách là bước đầu tiên và cần thiết để bắt đầu kế hoạch tiết kiệm dù bạn làm việc trong ngành nghề gì.
Bạn cần thống kê thu nhập của mình hàng tháng và tạo ngân sách cho từng nhu cầu của bản thân như: thuê nhà, tiền ăn, giải trí, mua sắm, giáo dục… Nhiều người thường xuyên rơi vào tình trạng thu nhập không thấp nhưng giữa tháng đã phải ngóng lương tháng sau. Họ không biết mình đã chi tiền cho những khoản gì, chi tiêu không có kế hoạch, không lập ngân sách.
Một điều cần nhớ khi lập ngân sách là đừng ép mình vào một chế độ quá hà khắc. Việc tiết kiệm như vậy chỉ khiến bạn nhanh chóng bỏ cuộc và thất bại trong việc tiết kiệm mà thôi. Bạn có thể tham khảo nhiều công thức phân bổ thu nhập khác nhau như 50/30/20 hay 6 chiếc lọ… và đừng quên bắt đầu từ tối thiểu tiết kiệm 10% thu nhập hàng tháng.
2. Biến tiết kiệm thành thói quen, tăng dần con số
Việc tăng dần tiết kiệm theo từng bước sẽ giúp bạn dễ thích nghi với cuộc sống mới khi mức chi tiêu giảm xuống.
Khi lên cho mình một mục tiêu cụ thể như mua nhà vào năm 35 tuổi… sẽ giúp bạn có động lực hơn để bắt đầu tiết kiệm.
Ban đầu, bạn có thể khởi động với con số 10% thu nhập hàng tháng gửi tiết kiệm và đảm bảo không được động đến khoản tiền này. Đừng nghĩ rằng khoản tiền đó quá nhỏ và chẳng đáng là bao so với mục đích của bạn. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi ta bắt đầu từ những bước cơ bản nhất.
Sau khi đã dần quen với việc tiết kiệm, hãy nâng dần mức tiết kiệm lên 20% và sau đó là 25%, 30% thu nhập… Việc tăng dần theo từng bước sẽ giúp bạn dễ thích nghi với cuộc sống mới với mức chi tiêu giảm xuống.
Ví dụ: Bạn là nhân viên văn phòng với mức lương 10 triệu/tháng. 6 tháng đầu trong kế hoạch tiết kiệm, bạn có thể làm quen với mức tiết kiệm 1 triệu/tháng (tương đương 10% thu nhập) rồi sau đó tăng lên mức 2 triệu/tháng (tương đương 20% thu nhập) vào 6 tháng sau.
Sau 1 năm tiết kiệm, bạn đã tiết kiệm được 18 triệu đồng, một con số không nhỏ mà quan trọng là cuộc sống không ảnh hưởng nhiều.
3. Cắt giảm chi phí đồ uống
Nếu thống kê theo tháng, năm, số tiền bạn chi cho các loại đồ uống là không hề nhỏ.
Khởi động ngày mới bằng một cốc cà phê, một cốc trà chanh sau bữa trưa hay cốc trà sữa vào bữa xế chiều… là điều khá phổ biến với dân văn phòng. Bạn có thể nghĩ rằng mỗi đồ uống có giá trung bình 30.000 đồng, không đáng bao so với thu nhập của mình song sự thật là khi cộng dồn vào theo tháng, theo năm, con số đó không hề nhỏ chút nào.
Bên cạnh việc hao tổn túi tiền, thói quen uống các đồ uống như trà sữa, cà phê, trà chanh còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn do lượng đường cao có trong đồ uống. Nếu có thói quen uống các loại đồ uống đó, bạn có thể chuẩn bị đồ uống cho mình từ nhà để tiết kiệm hơn và kiểm soát được lượng đường nạp vào cơ thể.
Ví dụ: Mỗi ngày bạn cắt đi một cốc trà sữa hay cà phê, đồ uống bất kỳ khác có giá bình dân khoảng 30.000 đồng, 1 tháng bạn có thể dễ dàng tiết kiệm được 900.000 đồng.
4. Mang cơm trưa đi làm
Tự chuẩn bị đồ ăn không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn kiểm soát được lượng calo nạp vào cơ thể.
Tiền ăn trưa chiếm phần không nhỏ trong các khoản chi tiêu của dân văn phòng. Những bữa ăn ngoài không chỉ gây tốn kém mà còn khiến bạn không thể kiểm soát được độ an toàn của nguyên liệu đầu vào cũng như lượng dầu mỡ, đường trong thức ăn. Tự chuẩn bị đồ ăn còn giúp bạn kiểm soát lượng calo nạp vào mỗi ngày, giữ vóc dáng cân đối.
Việc chuẩn bị cơm trưa đi làm không phức tạp như nhiều người vẫn tưởng. Chỉ cần tìm kiếm trên google, bạn sẽ thấy hiện ra các kết quả hộp cơm đi làm đơn giản cho dân văn phòng. Một mẹo nhỏ là mua hộp cơm và các thiết bị nhà bếp đẹp, hữu ích sẽ giúp bạn có động lực hơn.
Nếu bạn có lịch làm việc căng thẳng và thường phải ăn bữa xế, bạn có thể chuẩn bị các loại thực phẩm lành mạnh vừa tiết kiệm, vừa tốt cho sức khỏe như các loại hạt và trái cây sấy…
5. Kết hợp các loại trang phục
Chỉ với một chiếc áo sơ mi, cô nàng này đã có thể biến hóa, kết hợp với 10 kiểu trang phục khác nhau.
Thông thường các nhân viên công sở, đặc biệt là phái nữ tốn không ít tiền vào việc mua sắm. Đặc thù công việc của nhiều người là cần gặp gỡ khách hàng, giao tiếp nên luôn cần xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu, lịch sự.
Bí quyết để bạn có thể tiết kiệm khoản tiền này chính là học cách kết hợp linh hoạt các loại trang phục. Thời trang là không giới hạn, bạn có thể tạo nên nhiều bộ trang phục mới bằng cách kết hợp những chiếc áo hay chân váy mà mình đã có sẵn.
Bên cạnh đó, mỗi khi đi mua sắm, bạn cần có kế hoạch, đặt ra trước thứ mình muốn mua thay vì đi shopping "bừa". Bạn nên ưu tiên mua các trang phục đơn giản, có màu sắc trung tính để dễ kết hợp, tránh mua về một chiếc áo mà không có quần hay váy nào ở nhà có thể phối mặc cùng. Với những trang phục ít khi mặc đến lại có giá thành cao như váy dạ tiệc, bạn có thể cân nhắc đến việc đi thuê hoặc mượn người thân, bạn bè.