Có rất nhiều mẹo và kỹ thuật tâm lý có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và học cách vui vẻ hơn qua mỗi ngày. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích đến từ các chuyên gia.
Học cách nói lời "Cảm ơn"
Khi chúng ta cảm ơn một người hay cảm ơn cuộc đời, dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta sẽ tập trung bản thân vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống. Những ký ức dễ chịu sẽ thúc đẩy sản sinh serotonin ở vỏ não trước. Đây cũng là phương pháp hay được sử dụng để điều trị trầm cảm.
Giải quyết từng vấn đề một
Bộ não của chúng ta không ngừng tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề khiến ta lo lắng. Điều này tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Đó cũng là lý do bất cứ khi nào bộ não mệt mỏi và vấn đề chưa được giải quyết thì chúng ta vẫn sẽ cảm thấy lo lắng và dễ bị kích động.
Mặt khác, khi giải quyết xong mỗi việc, bộ não của chúng ta sẽ tự thưởng cho mình một liều chất dẫn truyền thần kinh giúp làm dịu hệ thống liên đới và giúp chúng ta thấy cuộc sống tích cực hơn.
Chính vì vậy, thay vì cố gắng giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc, bạn hãy sắp xếp theo thứ tự cần thiết và giải quyết từng vấn đề một.
Đừng để mọi thứ bị dồn nén, hãy nói ra những phiền muộn
Những cảm xúc tiêu cực sẽ có tác động đến hạnh phúc của bạn. Nhiều người có thói quen giữ những suy nghĩ trong lòng thay vì nói ra. Họ cho rằng điều này sẽ giúp mình kiểm soát được hành động, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác và cũng tốt hơn cho mình.
Tuy nhiên, đừng mãi giữ những phiền muộn trong lòng. Khoa học đã chứng minh, khi bạn nói ra được vấn đề của mình, não của bạn sẽ kích hoạt sản xuất serotonin và thậm chí bạn có thể nhìn ra những khía cạnh tích cực hơn của vấn đề và tìm ra cách giải quyết.
Tương tác
Tương tác xã hội thực sự giữ vai trò rất quan trọng. Chúng ta tương tác với nhau qua nhiều hình thức và theo nghiên cứu, những hành động như chạm vào nhau, ôm có thể khiến người ta nhanh chóng xua đi cảm giác mệt mỏi.
Vì bất cứ lý do gì như công việc bận rộn mà bạn bỏ qua những tương tác xúc giác này, bộ não sẽ nhận thức sự thiếu hụt của nó giống như cảm nhận về nỗi đau thể xác. Điều này sẽ kích hoạt các quá trình ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn và khiến cảm giác của bạn trở nên tệ hơn.
Học, học nữa, học mãi
Đối với não bộ, việc tiếp thu kiến thức mới đồng nghĩa với việc liên tục thích nghi với môi trường thay đổi. Nhờ quá trình này, bộ não của chúng ta phát triển hơn, sản sinh ra dopamine (hormone tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái). Khi muốn cải thiện tâm trạng, có một cách rất đơn giản chính là bạn không ngừng học hỏi, tìm hiểu những điều mới trong cuộc sống của mình.
Chơi thể thao
Hoạt động thể chất sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho cơ thể. Khi căng thẳng được giải phóng, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái do tuyến yên trong cơ thể sản sinh ra endorphin. Chất này có tác dụng tương tự như thuốc phiện (ví dụ: morphin), giúp bạn giảm đau và nhanh chóng cải thiện tâm trạng.
Bạn không cần phải chạy marathon để đạt được kết quả này, đó có thể là bất kỳ hoạt động thể thao nào như bơi lội hay đơn giản là đi dạo.
Luôn cố gắng có được một giấc ngủ ngon
Khi ngủ trong bóng tối, cơ thể chúng ta tiết ra hormone melatonin. Hormone này có tác dụng làm chậm lại tất cả các quá trình trong cơ thể, giúp cơ thể phục hồi và tăng mức serotonin ở vùng dưới đồi của não.
Nếu não bộ phát hiện ra sự thay đổi về ánh sáng trong khi ngủ, nó sẽ kích hoạt giải phóng hormone căng thẳng để nhanh chóng đánh thức cơ thể. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo đủ thời gian ngủ 6-8 giờ mỗi ngày và trong điều kiện ánh sáng thích hợp.
Có những điều để chờ đợi
Khi chờ đợi điều gì đó tốt đẹp như một buổi gặp gỡ bạn bè cũ, buổi hẹn cùng đối phương, bộ não của chúng ta thực sự trải nghiệm niềm vui bằng cách đơn giản là đưa ra những dự đoán về sự kiện thú vị đó. Đó là lý do tại sao chúng ta rất thích đếm ngược và chờ đợi nhanh chóng đến các sự kiện đặc biệt như đám cưới của cô bạn thân, cuộc gặp gỡ bạn bè hay đơn giản chỉ là tan làm chiều thứ Sáu.