Ngay cả với người trưởng thành, đã đi làm thì việc kiểm soát tài chính vẫn là cả một vấn đề. Một số kế hoạch thông minh, một chiến lược tốt và hiểu biết những điều cơ bản sau đây sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng quản lý tiền bạc cần thiết để kiểm soát t
Đặt mục tiêu tài chính rõ ràng
Nếu bạn không có một mục tiêu nhất định để hướng tới, bạn có thể khó tìm thấy niềm đam mê hoặc động lực để tiếp tục con đường của mình khi gặp khó khăn. Đó có thể là một căn chung cư 3 phòng ngủ, có thể là những năm nghỉ hưu sống không phải dựa vào con cháu, có thể đi du lịch đó đâu... Hãy xác định cẩn thận những mục tiêu này và tìm ra số tiền bạn cần tiết kiệm và lập kế hoạch để đạt được điều đó.
Khi bạn thiết lập các mục tiêu tài chính, hãy cân nhắc việc đảm bảo các tiêu chí:cụ thể, có thể đo lường, có thể hành động, thực tế và có thời hạn. Tạo mục tiêu bằng cách sử dụng các nguyên tắc này sẽ giúp đảm bảo rằng những gì bạn đang hướng tới là có thể đạt được. Bên cạnh đó, bạn cũng có mốc thời gian cụ thể để hướng tới thay vì mông lung với những suy nghĩ vẩn vơ.
Bắt đầu càng sớm càng tốt
Bạn đã bao giờ nghe nói về lãi kép chưa? Quá trình này cho phép tiền lãi trên khoản tiết kiệm của bạn sẽ tiếp tục sinh ra lãi. Bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm cho việc nghỉ hưu, những đồng tiền của bạn càng có nhiều thời gian để tăng trưởng và tận dụng được lợi thế của lãi suất kép. Thời gian thực sự là một yếu tố dẫn dắt mạnh mẽ cho các khoản đầu tư của bạn. Chỉ cần chần chừ một vài năm để bắt đầu tiết kiệm có thể làm giảm đáng kể quy mô hưu trí của bạn.
Bắt đầu tiết kiệm sớm sẽ cho phép bạn thu được tiền lãi sớm hơn, tiền lãi lại tiếp tục thu được tiền lãi và cứ thế, số tiền của bạn đang sinh sôi nảy nở.
Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được
Đây dường như là một trong những quy tắc tài chính cá nhân đơn giản nhất để tuân theo, song nó cũng có thể là một trong những điều thách thức nhất. Việc sống vượt quá khả năng của bạn là vô cùng dễ dàng trong một xã hội hướng đến người tiêu dùng như hiện nay. Hãy đặt ra một nguyên tắc nhỏ là cố gắng tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập của bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình rất dễ chi tiêu quá đà, hãy thử thanh toán những thứ như quần áo và hàng tạp hóa bằng tiền mặt thay vì dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Thực tế là thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng giúp bạn chi tiêu dễ dàng hơn vì bạn không có mối liên hệ thực tế nào với số tiền mình đang thực sự bỏ ra. Rút một khoản cố định hàng tháng bằng tiền mặt để chi tiêu sẽ giúp bạn ý thức hơn và lựa chọn chi tiêu tốt hơn.
Nếu bạn không thể cam kết tiết kiệm 15% thu nhập để bắt đầu, hãy quyết định xem bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu trong thu nhập của mình. Bạn có thể thiết lập chuyển khoản tự động để ngay khi có lương hay thu nhập phát sinh, một phần đã được cam kết trước sẽ chuyển thẳng sang tài khoản tiết kiệm, khiến bạn không còn cảm giác muốn tiêu nó.
Tạo ngân sách
Ngân sách đóng một vai trò quan trọng trong việc trả nợ, kiểm soát chi tiêu của bạn và đi đúng hướng với mục tiêu đã đề ra. Sẽ rất dễ dàng để bạn tiêu nhiều hơn vào một vài ngày nào đó và khi đã có ngân sách giới hạn chi tiêu hàng tuần, hàng tháng, bạn buộc phải điều chỉnh và bù đắp cho những chi tiêu vượt trội nào.
Việc tạo ngân sách có thể thực hiện dễ dàng bằng việc vạch ra các khoản chi tiêu thiết yếu, các khoản chi có thể xê dịch và tiền cho tiết kiệm, đầu tư. Bạn có thể lập ngân sách bằng cách đơn giản mà hiệu quả là sử dụng bút và giấy hoặc bảng tính hoặc ứng dụng lập ngân sách nếu bạn là người thích công nghệ.
Đặt tiền tiết kiệm của bạn vào chế độ tự động
Để các khoản đóng góp tiết kiệm của bạn được tự động khấu trừ mỗi ngày lấy lương, hãy cài đặt việc này tự động hoặc liên hệ với nhân viên ngân hàng nơi phát hành thẻ của bạn để nhận được thêm hướng dẫn. Khi bạn đặt những đồng tiền của mình sang một nơi khác trước khi nhìn thấy nó, sờ vào nó, bạn sẽ không còn nhớ đến nó và có xu hướng nghĩ xem sẽ tiêu gì nữa.
Nếu bạn được tăng lương tại nơi làm việc, xin chúc mừng và hãy cân nhắc đến việc tự động tăng vào khoản gửi tiết kiệm của bạn thay vì tìm cách "đốt" số tiền đó, lạm phát lối sống. Việc tăng dần tỷ lệ đóng góp mỗi năm sẽ giúp bạn có thể đẩy nhanh số tiền bạn đang tích cóp, ngày càng tiến gần đến mục tiêu tài chính đã đề ra.
Không mua sắm mùa quáng cho nhà mới
Hãy cẩn thận tâm lý muốn sắm quá nhiều thứ cho ngôi nhà mới của bạn. Một phương án do ngân hàng đưa ra, nói rằng bạn có thể mua được căn nhà trị giá thế này với lộ trình trả nợ thế kia không có nghĩa là bạn đủ khả năng và nên mua chúng. Việc đầu tư quá nhiều vào nhà cửa có thể đẩy bạn trở lại với nợ nần, làm lại việc tiết kiệm từ đầu.
Nhớ rằng, những gì bạn thực sự cần là một ngôi nhà để ở và có thể tự do tài chính để làm những việc ý nghĩa khác. Điều này cũng có nghĩa rằng hãy sống trong khả năng của bạn. Đua theo người khác để sống trên khả năng của mình sẽ khiến bạn sớm rơi vào tình cảnh nợ nần, thậm chí là phá sản.
Tự bảo vệ mình
Một kế hoạch tài chính hoàn chỉnh đầy đủ bao gồm cả các khoản dự phòng, giúp bạn bảo vệ cuộc sống và tương lai của chính mình. Bảo hiểm nhân thọ và lập kế hoạch di chúc là cách để bạn tự bảo vệ mình và đảm bảo rằng những người thân của mình vẫn sẽ được chăm sóc tốt.
Đừng để những kiến thức khó nhằn làm bạn sợ
Người ta đã quan sát thấy rằng 80% yếu tố quyết định tài chính cá nhân không phải là kiến thức giáo dục tài chính mà là hành vi tài chính. Nếu bạn có thể sửa đổi hành vi với những đồng tiền của mình, bạn có thể thay đổi tương lai tài chính của mình.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, bạn không cần phải là một chuyên gia tài chính trên thị trường chứng khoán để có thể bắt đầu tiết kiệm cho việc nghỉ hưu hay chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp. Tất cả những gì bạn thực sự cần làm là xây dựng một kế hoạch vững chắc và cam kết thực hiện nó.