Các thực phẩm lành mạnh có thể đắt hơn nhưng bạn không nhất thiết phải làm “thủng” ví của mình để có chế độ ăn tốt hơn. Dưới đây là những cách để bạn có thể ăn uống lành mạnh với ngân sách thực phẩm khiêm tốn.
Ăn uống lành mạnh ngày càng được nhiều người ưu tiên hơn song một trong những trở ngại lớn nhất chính là làm sao để ăn uống lành mạnh với một ngân sách eo hẹp. Các thực phẩm lành mạnh có thể đắt hơn nhưng bạn không nhất thiết phải làm “thủng” ví của mình để có chế độ ăn tốt hơn. Dưới đây là những cách để bạn có thể ăn uống lành mạnh với ngân sách thực phẩm khiêm tốn.
1. Tạo ngân sách
Khi bạn đã quyết định sẽ ăn uống lành mạnh hơn và muốn làm sao để phù hợp nhất với ngân sách của mình, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định số tiền mình dành cho khoản này. Hãy tìm lại các hoá đơn hoặc xem lại phần ghi chép của bạn để biết những gì mình đã chi tiêu cho hàng tạp hóa trong 3 tháng qua rồi chia cho 3 để có được mức chi tiêu hàng hóa trung bình mỗi tháng.
Sử dụng mức trung bình này làm cơ sở để bắt đầu. Nếu bạn biết mình đang chi tiêu quá nhiều, hãy bắt đầu với ngân sách bằng 80% so với con số đó. Nhớ rằng, bạn luôn có thể ăn uống lành mạnh phù hợp với túi tiền của mình.
2. So sánh giá
Bạn cần dành một chút thời gian để so sánh giá ở vài cửa hàng nhằm tìm ra nơi có giá bán phải thăng nhất. Bạn có thể sẽ bất ngờ khi nhận ra ở cửa hàng này có mức giá ưu đãi hơn nhiều so với cửa hàng gần nhà mà bạn vẫn hay mua. Bạn có thể chọn 1, 2 hoặc vài cửa hàng làm nơi mua sắm ruột của mình. Nếu số cửa hàng nhiều, hãy ghi rõ xem mặt hàng nào ở đó rẻ để tránh mất nhiều thời gian. Đây là cách để bạn mua sắm thông minh nhằm ăn uống lành mạnh mà không khiến ví “thủng”
Trước khi đi mua sắm
3. Lên kế hoạch cho bữa ăn của bạn
Việc lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần sẽ giúp bạn đạt được cả 2 mục tiêu của mình: Ăn ngon miệng hơn vì bạn biết mình đang ăn gì và tiết kiệm tiền hơn vì bạn sẽ chỉ mua những thứ cần thiết. Hãy cố gắng lên kế hoạch cho các bữa ăn của bạn sao cho các nguyên liệu được sử dụng tốt nhất, tránh để lãng phí.
Trong kế hoạch ăn này, đừng quên đồ ăn nhẹ giữa các bữa. Có rất nhiều thứ bạn có thể dùng để ăn vặt lành mạnh như hạt hạnh nhân, ngũ cốc, chuối, sữa chua…
4. Lập danh sách hàng tạp hóa và bám sát
Sau khi đã có kế hoạch bữa ăn, điều tiếp theo bạn cần làm là ghi ra danh sách những thứ mình cần mua thay vì nhớ mang máng trong đầu. Việc bám sát danh sách mua sắm này sẽ giúp bạn tránh việc mua sắm những thứ không cần thiết.
Nếu trong quá trình đi mua sắm, bạn thấy có chương trình ưu đãi đặc biệt, hãy linh hoạt với các mặt hàng giảm giá. Một số cửa hàng, siêu thị thường có ngày giảm giá cho một số mặt hàng nhất định, hãy đảm bảo là bạn không bỏ lỡ thông tin đó.
Ví dụ: Nếu ức gà được giảm giá, hãy mua chúng thay cho đùi gà ghi trong danh sách của bạn.
5. Ăn nhẹ trước khi đi
Mua sắm khi bạn đói có thể khiến bạn dễ mua sắm bốc đồng và đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt. Bằng việc có một bữa ăn nhẹ và lành mạnh trước khi đi, bạn sẽ tránh được những cám dỗ nhặt thêm hàng vào giỏ.
Tại cửa hàng tạp hóa
6. Mua sắm xung quanh tường bao
Tại các cửa hàng và siêu thị, các sản phẩm thịt, sữa và thực phẩm đông lạnh thường được xếp ở vị trí xung quanh trong khi lối đi trung tâm thường dành cho thực phẩm chế biến sẵn cũng như hàng hóa giấy và các sản phẩm gia dụng. Hãy đi theo đường vòng quanh của siêu thị để bám sát danh sách của mình hơn, tránh sà vào các quầy hàng không chứa mặt hàng mình cần thiết.
7. Mua hàng số lượng lớn nhưng phải thông minh
Thường thì mua hàng với số lượng sẽ giúp bạn có được giá tốt hơn. Tuy nhiên trước khi định nhặt túi 5kg cam vào giỏ của mình, hãy đảm bảo là bạn ăn hết chúng trước khi chúng bị hỏng. Nếu bạn thường phải vứt đi thực phẩm cũng như rau xanh vì đã bị hỏng, bạn đang lãng phí thay vì tiết kiệm.
8. Cân nhắc trước khi quyết định
Nếu bạn thường chọn mua các sản phẩm thuộc các hãng có tên tuổi, hãy thử những sản phẩm cùng loại được dán mác của cửa hàng nơi bạn mua. Rất có thể bạn sẽ tìm được loại thực phẩm, nguyên liệu tươi ngon với giá tốt hơn.
Đối với các sản phẩm như rau củ, hoa quả, hãy ưu tiên sử dụng các loại theo mùa. Bằng cách này, bạn sẽ được sử dụng nguồn thực phẩm với chất lượng tốt và giá phải chăng hơn. Nếu loại trái cây và rau yêu thích của bạn không có trong mùa này và bạn rất muốn ăn, hãy đến quầy đông lạnh. Trái cây đông lạnh có thể dùng làm món sinh tố hoặc trộn với sữa chua để có một bữa sáng lành mạnh.
Một điều quan trọng nữa trong ăn uống lành mạnh chính là hạn chế mua các thực phẩm chế biến sẵn. Chúng thường đắt và lại ít dinh dưỡng hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người dễ bị thần thánh hoá các sản phẩm hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ thường đắt hơn và có thể không mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể. Thay vì trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm hữu cơ, hãy ưu tiên mua trái cây và rau quả được trồng ngay tại địa phương mình.
9. Mua ít thịt hơn
Thịt thường có giá đắt và chiếm một phần lớn trong ngân sách thực phẩm của chúng ta. Sự thật là rất nhiều người trong số chúng ta đang ăn quá nhiều thịt. Các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nếu lượng calo đề xuất của bạn là 2.000, lượng thịt nạc hoặc protein mỗi ngày khuyên dùng là 5,5 ounce (tương đương 156g).
Ngoài ra, các loại protein không từ thịt như đậu lăng, đậu, đậu phụ, hạt diêm mạch hoặc bột yến mạch có thể là sản phẩm thay thế lành mạnh và ít tốn kém hơn.
10. So sánh đơn giá
Hãy nhớ điều bạn cần so sánh là đơn giá của sản phẩm, không phải giá mà bạn phải thanh toán trên bao bì. Bạn cần biết 1kg sản phẩm này có giá bao nhiêu, 1kg sản phẩm kia có giá bao nhiêu để đưa ra được lựa chọn sáng suốt hơn. Đừng để bản thân bị rơi vào “bẫy” kích thước của sản phẩm hay tưởng rẻ nhưng là trọng lượng ít hơn.
Các tùy chọn khác ngoài cửa hàng tạp hóa
Nếu bạn đang trong thời kỳ hạn chế tiếp xúc hay không thích đi mua sắm, vẫn có rất nhiều lựa chọn tốt khác dành cho bạn.
11. Mua sắm trực tuyến
Mua hàng trực tuyến có thể giúp bạn giảm thiểu việc phải đi lại hay tiếp xúc nhiều. Giờ đây với sự phát triển của công nghệ, bạn không cần ra khỏi nhà vẫn có thể đi chợ và mua không thiếu thực phẩm gì.
Với việc mua sắm trực tuyến, bạn còn có thể biết rõ số tiền mình đang chi tiêu khi thêm bất kỳ mặt hàng nào vào giỏ. Bằng cách này bạn có thể điều chỉnh ngay khi số tiền vượt quá ngân sách của mình. Thêm vào đó, bạn sẽ không bị mùi thơm từ quầy bánh hấp dẫn mỗi lần đi qua.
12. Tự tạo khu vườn của mình
Tuỳ vào điều kiện của mỗi người mà bạn có thể trồng một vườn rau hay đơn giản là vài chậu cây, thùng xốp ngay ở ban công. Cảm giác nhìn thấy những cây con lớn lên từng ngày thực sự rất tuyệt và bạn còn có được nguồn thực phẩm siêu tươi ngon với giá rẻ.
Giờ thì việc mua sắm đã xong!
Lập kế hoạch cho các bữa ăn và tiến hành mua sắm thông minh chính là khởi đầu tuyệt vời để bạn có thể ăn uống lành mạnh mà tiết kiệm. Nhưng một phần quan trọng không kém sau đó chính là việc chuẩn bị và tiêu thụ các loại thực phẩm này để hiện thực hoá kế hoạch của mình.
13. Nấu ăn tại nhà
Đồ ăn mua ngoài quán có thể tiện dụng và ngon nhưng thường không tốt cho sức khỏe và đắt tiền. Thêm vào đó, bạn vừa tiến hành các bước nhằm mua được những nguyên liệu tươi ngon và tốt cho sức khỏe của mình. Vì vậy, hãy vào bếp và tự sáng tạo nên những bữa ăn của mình.
Với các bữa trưa tại cơ quan hay trường học, sẽ tốt hơn cho sức khoẻ và ví tiền khi bạn tự chuẩn bị ở nhà và mang đi. Sự thật là việc chuẩn bị đồ ăn mang đi không hề tốn thời gian, công sức như nhiều người vẫn tưởng. Mang theo bữa trưa đến cơ quan hoặc trường học là cách để bạn đảm bảo sức khỏe mà tiết kiệm.
14. Uống nhiều nước hơn
Nước có giá rất rẻ và nếu trước đây bạn vẫn quen với việc mua nước lọc đóng chai, hãy mua cho mình một chiếc bình nước đẹp để tạo thói quen tự mang nước. Uống đủ nước đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ cũng như giúp bạn cảm thấy no lâu, đặc biệt tốt nếu tiêu thụ ít calo hơn là một phần trong kế hoạch ăn uống lành mạnh của bạn.
15. Không bỏ phí đồ ăn
Khi nấu ăn ở nhà, có rất nhiều món mà bạn có thể nấu một lần và ăn trong nhiều bữa nhằm giảm thời gian nấu nướng. Bên cạnh đó, đừng bao giờ lãng phí, để các thực phẩm phải vào sọt rác vì chúng hết hạn hay hỏng.
Với một chút sáng tạo, bạn có thể tạo ra những món ăn mới với nguồn nguyên liệu sẵn có, tận dụng hết những gì có thể. Nếu bạn còn mỗi loại rau củ một chút, món canh hầm rau củ vừa tốt cho sức khoẻ lại giúp bạn giải quyết lượng nguyên liệu lẻ tẻ kia. Nếu bạn nấu hạt quinoa cho bữa tối, hãy dùng nó cùng món salad cho bữa trưa ngày hôm sau.
Ăn uống lành mạnh mà vẫn tiết kiệm là điều mà bạn hoàn toàn có thể làm được. Với những lời khuyên trên đây và một chút quyết tâm, bạn sẽ vừa tiết kiệm được tiền lại cải thiện được chế độ ăn uống.