Buổi họp lớp sau 20 năm và 5 bài học đáng suy ngẫm ai cũng nên đọc

Bảo Anh. - Ngày 29/12/2020 18:51 PM (GMT+7)

Cuộc đời là một cuộc đua marathon. Sau 1/4 quãng đường, khoảng cách giữa các vận động viên sẽ tăng dần và người về đích đầu tiên là người thể hiện được ý chí, sức bền và năng lực của mình trong 3/4 chặng đường còn lại.

Sau buổi chia tay đầy bịn rịn và nuối tiếc ở mỗi cấp học, có lẽ điều người ta hứa hẹn nhiều nhất chính là buổi họp lớp, gặp mặt những năm sau đó. Người ta nói, sau khi tốt nghiệp 20 năm, hãy đi họp lố, không phải để hơn thua so sánh những điều đạt được mà để xem đâu là điều quyết định thành bại của đời người.

Gần đây, tôi trở nên hào hứng hơn với việc tham gia những buổi họp mặt trường cũ. Tôi nhận ra mình có thể quan sát thấy những điểm thú vị ở họ, những con người đã cùng tôi trải qua nhiều năm tháng ý nghĩa.

20 năm trước cùng là lũ học trò với đủ trò nghịch tinh quái như nhau, 20 năm sau, bạn là ai? Đạt được những gì trong cuộc sống? Điều gì đã giúp bạn thành công? Điều gì ngáng trở hành trình của bạn?

Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau sau buổi họp mặt còn tôi muốn chia sẻ với mọi người về những điều đúc rút ra được qua quá trình quan sát 2 nhóm bạn bè.

Buổi họp lớp sau 20 năm và 5 bài học đáng suy ngẫm ai cũng nên đọc - 1

01. Hãy để tôi kể bạn nghe về đa số những người bạn của mình

A là lớp trưởng cũ của tôi. Cậu ấy luôn nghiêm khắc với người khác và chính bản thân mình. Nhưng cũng vì đặt quá nặng áp lực vào bản thân mà A đạt kết quả thi đại học không tốt lắm, đỗ vào một trường đại học tầm trung.

Không bằng lòng với kết quả, A sau đó vẫn tiếp tục việc ôn luyện, học tập. Bẵng đi 20 năm không có thông tin gì về A, một ngày nọ tôi mới biết cậu giờ là giám đốc điều hành cấp cao của một công ty được định giá trăm tỷ USD.

B không phải là người học hành chăm chỉ nhưng chúng tôi đều biết khả năng học tập của cô ấy rất tốt. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học tầm trung, B vì thất tình nên đã đăng ký tiếp một khóa học kế toán để “giết” thời gian. Một ngày bỗng thấy gần nhà mình có cơ sở đào tạo du học, B quyết tâm học thật tốt Tiếng Anh và xác định con đường của mình. Sau này B không đi du học nhưng cô đã trở thành giám đốc tài chính của một công ty lọt Danh sách Fortune 500.

C nhìn chung không có thế mạnh gì ngoài khả năng viết lách. Tốt nghiệp một trường đại học hạng 3, C làm việc trong ngành báo chí rồi có cơ duyên trở thành một người viết truyện online được nhiều người biết đến cùng thu nhập đáng ngưỡng mộ. Sau này trang web phát triển mạnh hơn, C thành Phó giám đốc của một công ty được định giá vài nghìn tỷ.

Còn rất nhiều người bạn khác của tôi, người từng đam mê truyện kiếm hiệp sau thành cán bộ thuế, người từng gặp nhiều áp lực trong cuộc sống trở thành nhà tâm lý học… Họ đều là những người không đặc biệt xuất sắc ngay từ khi sinh ra song họ đã tạo nên cuộc đời mình, đạt được những điều khiến người khác phải ngưỡng mộ. Có những quy tắc mà tôi đã học được từ họ:

Quy tắc 1: Điểm xuất phát quan trọng nhưng không quyết định tất cả

Người ta vẫn nói rằng, không học trường mẫu giáo tốt thì sao vào được trường tiểu học tốt. Không học tốt tiểu học thì cấp 2, cấp 3 rồi đại học làm sao mà vào được trường tốt. Học trường bình thường thì việc làm rồi cuộc sống sao có thể dễ dàng. Gắn cuộc đời với những tấm bằng hạng ưu từ các trường danh tiếng là điều chúng ta cho rằng có thể đảm bảo cho mình cuộc sống tốt nhất.

Năm đó lớp tôi có 40 người thì 30 người đỗ đại học. Người vào được trường đại học danh tiếng, người thì vào trường thuộc top 2, top 3, người cũng vào đại học nhưng chỉ là trường ở tỉnh.

Nhưng sau 40 tuổi, bắt đầu cuộc sống trung niên với nhiều trải nghiệm hơn, tôi nhận ra sự chênh lệch cuộc sống của họ không lớn, ít nhất là không như sự chênh lệch về điểm số trong các kỳ thi.

Điểm xuất phát của mỗi người đều quan trọng song đừng vì thế mà nghĩ rằng điều đó sẽ mang tính quyết định, xác định cuộc đời của mỗi người.

Quy tắc 2: Yếu tố quyết định thành bại không nằm ở các bài thi

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn được học rất nhiều kiến thức về các lĩnh vực đa dạng khác nhau. Những hơn thua về điểm chác khiến ta phải bận lòng. Nhưng nhớ rằng, những kiến thức trong các bài kiểm tra đó, chúng ta sau này hoàn toàn có thể sử dụng máy móc hay trí tuệ nhân tạo để thực hiện.

Một thống kê về mức lương hàng năm của sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Mỹ. Thời gian đầu, các trường chuyên về kinh doanh, kỹ thuật luôn giữ được vị trí trên cao song sau 15 năm, những sinh viên từng tốt nghiệp từ các trường đạo tạo tốt về giáo dục tổng hợp như Harvard, Princeton… đã có cú lội ngược dòng.

Mặc dù thu nhập không phải là thước đo duy nhất để đánh giá giá trị của một sinh viên cũng như trường đại học mà họ tốt nghiệp song nó có thể phần nào thể hiện tầm quan trọng của giáo dục phổ thông. Các trường đại học như Harvard, Princeton, Yale đặc biệt chú trọng đến khả năng phát triển, sự tự do của các sinh viên.

Sinh viên trường Yale thường dành thời gian nhiều cho các hoạt động ngoại khóa và chúng đã giúp họ trau dồi kỹ năng xã hội, khả năng diễn đạt cũng như làm việc nhóm, lãnh đạo… Harvard cũng hướng sinh viên của mình tới nhiều thứ khác hơn là các bài thi, bằng cấp.

Buổi họp lớp sau 20 năm và 5 bài học đáng suy ngẫm ai cũng nên đọc - 2

Quy tắc 3: Thành công không có ý nghĩa tuyệt đối

Những thành tựu của cuộc sống không đến từ tâm lý tranh đoạt lẫn nhau để mình tồn tại. 20 năm sau ngày ra trường, bạn sẽ thấy lòng mình tĩnh lặng khi nhận ra người bạn mình từng ghét cay ghét đắng. Hóa ra cuộc sống của họ vốn chẳng liên quan gì đến mình. Người từng là “tượng đài” học giỏi trong tim bạn năm xưa cũng có cuộc sống bình thường, như tôi, bạn và bao người khác.

Không có cuộc sống của ai là đáng ghen tỵ tuyệt đối và cũng chẳng có cuộc đời nào đáng bị khinh thường hoàn toàn. Hãy cứ tập trung vào cuộc sống của chính mình và đó là cách bạn thành công, ngày càng phát triển so với chính mình ngày hôm trước.

Không có hệ quy chiếu nào là đúng hết với tất cả mọi người. Mỗi người sẽ có hạnh phúc và những điều muốn hướng tới riêng.

Xét về một khía cạnh nào đó, cuộc sống như một hành trình của sự tu dưỡng, chính bạn sẽ quyết định bản thân có thể đi được bao xa. Những người khác vượt bạn trên đường đời không phải vì họ muốn vượt bạn mà điều họ muốn chính là đi đến nơi xa nhất.

Nếu mãi ám ảnh về thành công của người khác và tự ti về bản thân, cho rằng phải có bằng cấp tốt nhất mới có được cuộc sống tốt, có lẽ con của bạn sẽ phải trải qua những năm tháng tới rất vất vả.

02. Về nhóm bạn có xuất phát điểm không bằng 

Trong số những người bạn của tôi năm xưa, cũng có những người có cuộc sống khó khăn từ nhỏ. Vì liên quan đến những chuyện cá nhân nên tôi sẽ không đi sâu vào cuộc sống của họ, thay vào đó ta hãy nói đến những điều cần suy ngẫm.

Quy tắc 4: Mối quan hệ gia đình gắn kết chính là nền tảng giáo dục tốt nhất cho trẻ em

Có những người bạn của tôi, tuổi thơ lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha mẹ họ. Cha mẹ họ dăm ba bữa một trận cãi, đánh nhau, có người cha bỏ đi biền biệt, không một lời thăm hỏi.

Một gia đình nơi mà cha mẹ không dành tình yêu thương cho nhau, khi chia tay còn không tiếc lời cãi vã sẽ tạo ra những tổn thương sâu sắc trong lòng đứa trẻ. Chúng lớn lên, trưởng thành và mang vết thương đó bước vào cuộc sống hôn nhân, thậm chí có người vì ám ảnh mà không tin vào hạnh phúc gia đình.

Đừng mua cho con những đồ chơi thật đắt tiền mà hãy dành thời gian để chơi cùng con, đừng đi sớm về khuya, cả ngày gia đình không gặp mặt nhau rồi cho con thật nhiều tiền tiêu vặt mà hãy bầu bạn, tâm sự chuyện nhỏ to với con mình. Một mối quan hệ gia đình bền chặt chính là nền tảng giáo dục tốt nhất mà bạn dành cho con trẻ.

Buổi họp lớp sau 20 năm và 5 bài học đáng suy ngẫm ai cũng nên đọc - 3

Quy tắc 5: Không sống đúng với lòng mình sẽ chỉ là hối tiếc

Một cô bạn rất xinh đẹp của tôi năm xưa đã chia tay mối tình sâu đậm để kết hôn với một người chồng giàu. Những tưởng bạn sẽ có được cuộc sống vật chất đủ đầy mà mình mong muốn và tận hưởng hạnh phúc nhưng sau 15 năm, bạn ly hôn, ôm con rời khỏi nhà. Nếu ngày đó bạn và người thương cùng nhau nên duyên vợ chồng, chung lưng đấu cật làm ăn, biết đâu giờ mọi chuyện đã khác.

Dù là công việc hay hôn nhân, nếu bạn lựa chọn bước đi trên con đường bản thân không hề thích thú, yêu mến thì chặng đường sau này sẽ chỉ là những than phiền, hối tiếc mà thôi. Giá trị cuộc sống nằm ở sự lựa chọn.

Nhớ rằng, cuộc đời là một cuộc đua marathon. Lúc bắt đầu, bạn sẽ thấy có rất đông người xung quanh mình nhưng sau 1/4 quãng đường, khoảng cách giữa các vận động viên sẽ tăng dần. Người về đích đầu tiên là người thể hiện được ý chí, sức bền và năng lực của mình trong 3/4 chặng đường còn lại, không chỉ dựa vào chút lợi thế ban đầu.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần 3 lần từ bỏ
Không chỉ tình yêu mà trong bất kỳ mối quan hệ nào như gia đình, tình bạn... sự phụ thuộc quá nhiều vào đối phương sẽ là điều nguy hiểm nhất. 
Bảo Anh. (Theo Aboluowang)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài học cuộc sống