Có những hành động chúng ta vẫn làm theo vì cho rằng điều đó thể hiện sự khiêm tốn, lịch sự song chúng lại khiến đối phương cảm thấy không thoải mái, thậm chí là khó chịu.
Liên tục khen ngợi vẻ ngoài của người khác
Nhiều người nghĩ rằng đưa ra lời khen ngợi vẻ ngoài của người khác chính là cách đơn giản để chiếm cảm tình, thể hiện sự lịch sự. Tuy nhiên việc liên tục đưa ra những lời khen như: "Dáng chị đẹp quá", "Hôm nay trông cậu đẹp quá", "Chiếc váy cậu mặc trông thật tuyệt"... sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang không thật lòng, lời khen có sự nông cạn, thiếu đi sự chân thành.
Theo chuyên gia lễ nghi Bonnie Tsai, việc lịch sự quá mức cần thiết này sẽ khiến đối phương không tiếp nhận nội dung mà bạn đang nói. Sẽ tốt hơn khi bạn đề cập đến các khía cạnh khác như đưa ra lời khen về thành công mà gần đây họ đạt được.
Trả lời quá dài
Theo nhà tư vấn lễ nghi xã hội Maryanne Parker, đa phần người hỏi chỉ muốn biết sự thật, nội dung cơ bản. Có thể bạn muốn cung cấp cho người hỏi nhiều thông tin hơn bằng một câu trả lời thật dài song điều đó là lịch sự không cần thiết.
Những câu trả lời quá dài có thể khiến đối phương mất tập trung, bản thân bạn cũng nói lan man, rời xa nội dung chính. Tốt nhất, bạn nên tập trung vào nội dung chính để đưa ra câu trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Nếu cần biết thêm chi tiết, đối phương sẽ đưa ra câu hỏi tiếp.
Giao tiếp bằng mắt quá lâu
Giao tiếp bằng mắt là một trong những cách để bạn thể hiện với người đối diện rằng bạn đang tập trung vào những gì họ nói. Tuy nhiên, sẽ là hành vi gây khó chịu nếu như bạn giữ giao tiếp bằng mắt quá lâu, khiến đối phương không thoải mái, như có người đang nhìn chằm chằm. Hãy nhìn vào mắt đối phương một cách chân thành sau đó chuyển sang hướng khác một lúc để tự nhiên hơn.
Theo chuyên gia về ứng xử Jeff Larsen: "Bạn nên nhìn vào mắt người đối diện nhưng trong khoảng thời gian vừa đủ, thể hiện sự tự nhiên trong giao tiếp".
Luôn nói "Có"
Nhận lời giúp đỡ người khác là điều tốt song nếu bạn cả nể, không bao giờ biết nói lời từ chối thì đó lại là điều không nên. Hành vi tưởng chừng là biểu hiện của sự nghĩa hiệp này lại dễ khiến bản thân bạn rơi vào những tình huống khó xử.
Có thể, điều này xuất phát từ việc bạn không muốn làm tổn thương người khác hay ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai người. Tuy nhiên thời gian và khả năng của mỗi người là có hạn, không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận lời giúp đỡ tất cả mọi người. Có rất nhiều cách để bạn đưa ra lời từ chối một cách lịch sự, người cả nể nhất cũng có thể làm được.
Lạm dụng các từ ngữ phóng đại
"Quá xuất sắc", "tuyệt vời", "đỉnh của chóp"... là những câu nói nhiều người hay sử dụng trong giao tiếp để khen ngợi người khác. Tuy nhiên việc lạm dụng các từ này sẽ là lịch sự thừa, khiến người khác cảm thấy không thoải mái, thiếu đi sự chân thật trong câu nói của bạn.
Không dám nói ra suy nghĩ của mình
Lắng nghe người khác là một trong những phép lịch sự trong giao tiếp, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng bạn không được nói ra suy nghĩ của mình. Có người nghĩ rằng nói ra quan điểm của mình có thể khiến tình hình thêm căng thẳng song thực tế, điều này chỉ khiến bạn trông có vẻ yếu đuối, thiếu quả quyết.
Đừng ngại thể hiện quan điểm của mình, ngay cả khi đó là những quan điểm trái chiều, quan trọng là thái độ lịch sự, không xúc phạm, gây gổ.
Xin lỗi về mọi thứ
Nói xin lỗi là nguyên tắc lịch sự cơ bản song cái gì quá cũng không tốt, lời xin lỗi cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Việc xin lỗi mọi nơi, về mọi chuyện có thể khiến người khác đánh giá bạn là người tự ti và có thể lợi dụng bạn. Ở một khía cạnh khác, đối phương có thể không thoải mái về những lời xin lỗi của bạn và tự hỏi vì sao bạn lại sợ họ, luôn nói lời xin lỗi như vậy.
Động chạm không thích hợp
Bắt tay, ôm là những cử chỉ lịch sự tuỳ theo các nền văn hoá. Những động chạm cơ thể, đặc biệt là giữa hai giời cần phải thích hợp, phụ thuộc vào hoàn cảnh và người bạn gặp. Đối với người này, một cái ôm gặp mặt hay tạm biệt là hết sức bình thường song đối với người khác, hành động này có thể gây khó chịu, không thoải mái.
Dọn bàn khi người khác đang ăn
Khi có khách đến nhà ăn, nhiều chủ nhà sẽ nhanh nhanh chóng chóng dọn đi bát đĩa bẩn. Điều này có vẻ là lịch sự, chu đáo song nhiều vị khách sẽ cho rằng bạn đang muốn mời họ ra về. Đổi lại, nếu bạn là khách và dọn dẹp bàn khi mọi người còn chưa ăn xong, chủ nhà có thể sẽ cảm thấy bạn đang chê họ không sạch sẽ.
Tốt nhất, hãy đợi đến khi mọi người ăn xong rồi mới dọn dẹp. Trong trường hợp bạn không phải chủ nhà, hãy chủ động hỏi trước khi giúp đỡ.
Tránh những câu bắt chuyện xã giao
Những câu nói mang tính xã giao như: "Cậu khoẻ không?", "Dạo này thế nào", "Cậu đi đường có gặp mưa không"... giúp bạn bắt đầu câu chuyện một cách tự nhiên. Nhiều người thường ngại và bỏ qua những câu mang tính xã giao này và đi thẳng luôn vào vấn đề cho lịch sự. Tuy nhiên, những câu mang tính bắt chuyện này cũng giúp không khí nói chuyện trở nên thoải mái hơn, giúp bạn dễ xây dựng mối quan hệ hơn.
Từ chối lời khen
"Chỉ là may mắn thôi", "Không phải tôi gầy đi đâu, chắc là do chiếc váy đấy", "Tôi không thông minh thế đâu"...
Nhiều người thể hiện sự khiêm tốn, lịch sự của mình bằng cách từ chối những lời khen. Sự thật là luôn từ chối lời khen không phải khiêm tốn mà khiến đối phương cảm thấy không thoải mái. Điều này còn khiến bạn như đang hạ thấp bản thân.
Hãy đón nhận những lời khen chân thành và cảm ơn đối phương vì điều đó.