Làm việc với một vị sếp khó chịu là một trong những nguyên nhân khiến mọi người có suy nghĩ muốn “nhảy” việc hay đầu tiên là hành động chống đối. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có một cơ hội khác tốt hơn hay có tình hình tài chính đủ ổn để nghỉ ngơi ở nhà một thời gian.
(*) Bài viết là chia sẻ của Jennifer Winter, một nhà văn, biên tập viên và cố vấn nghề nghiệp tự do. Cô đã chia sẻ những kinh nghiệm trong 14 làm việc tại các công ty, giúp người đọc định hướng sự nghiệp của mình và ngày càng hoàn thiện bản thân.
Tất cả chúng ta đều mong có được một môi trường làm việc tốt, nơi ta có thể phát huy khả năng của mình, nhận chế độ đãi ngộ xứng đáng cùng những người đồng nghiệp, cấp trên tử tế. Tuy nhiên không phải ai cũng có được điều đó.
Khi lớn lên và trưởng thành, chúng ta có thể tự do trong quyết định của mình, lựa chọn kết thân hay không kết thân với ai đó. Nếu bạn cảm thấy ai đó khiến bạn khó chịu, chỉ mang đến nguồn năng lượng tiêu cực, chắc hẳn bạn sẽ tìm cách tránh xa người kia ngay lập tức. Tuy nhiên nếu người khiến bạn khó chịu lại là sếp của bạn thì sao?
Cấp trên là người sẽ trực tiếp xem xét, đánh giá kết quả làm việc của ta, đóng vai trò quan trọng trong những quyết định tăng lương hay thăng tiến trong công việc. Đó là lý do chúng ta cần một cách xử lý tế nhị và khôn ngoan hơn.
Làm việc với một vị sếp khó chịu là một trong những nguyên nhân khiến mọi người có suy nghĩ muốn “nhảy” việc hay đầu tiên là hành động chống đối. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có một cơ hội khác tốt hơn hay có tình hình tài chính đủ ổn để nghỉ ngơi ở nhà một thời gian. Vậy làm sao để vẫn thể hiện tốt khả năng của mình trong công việc và đầu không “nổ tung” khi làm việc với người cấp trên khó ưa?.
Bài học số 1: Học cách “khóa” miệng
Bạn vẫn thường được nói rằng, cởi mở, hòa đồng và trung thực là những điều nên làm để có mối quan hệ tốt nơi công sở. Tuy nhiên, khi bạn không muốn "đội trời chung" với vị sếp đó thì lời khuyên tốt hơn vẫn là chọn một cách tiếp cận khôn ngoan hơn. Sẽ rất khó khăn khi bạn phải cố tỏ ra yêu thích ai đó trong khi bản thân không hề cảm nhận như vậy.
Tôi đã từng có "kinh nghiệm đau thương" với một người sếp cũ. Khi đó tôi là thành viên cấp cao của nhóm và ở công ty tôi, có một luật ngầm rất khó hiểu. Đó là một khi sếp đã lên tiếng (dù về lĩnh vực họ không hề có chuyên môn) thì tiếng nói của chúng tôi đều trở nên vô giá trị.
Một ngày đẹp trời, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc mình nên nói ra những suy nghĩ của bản thân cho người sếp hách dịch kia biết được. Và bạn biết đấy! Thật thà không phải lúc nào cũng tốt. Tôi đã đoán trước được những rắc rối mình có thể gặp phải khi nhìn biểu cảm trên mặt ông ta lúc kéo tôi vào phòng họp và cho một bài giảng.
Ông ta thực sự rất khó chịu nhưng suy cho cùng, ông ta vẫn là cấp trên của tôi, người sẽ quyết định liệu tôi có được tham gia vào dự án tiếp theo hay không, có thể nhận đợt thưởng cuối năm hay không.
Đối với một người cấp trên khó ưa, tốt nhất là đừng nghĩ đến việc đưa ra quan điểm của mình, thay đổi họ hay chống đối. Ngay cả khi bạn vẫn nghe sếp của mình khuyến khích mọi người nói ra suy nghĩ bản thân, hãy tin tôi đi, điều đó không hoàn toàn tốt đâu. Nếu trong đầu bạn là những điều tốt đẹp, hãy nói ra, còn nếu trường hợp khác, tốt nhất hãy học cách "nuốt" chúng lại.
Bài học số 2: Giải tỏa cảm xúc
Giữ im lặng khi trong đầu bạn thực sự muốn bùng nổ là điều hết sức khó khăn và mệt mỏi. Tôi từng trải qua những tháng ngày làm việc với vị sếp khó ưa nên tôi thực sự hiểu điều đó.
Tôi nhận ra một điều sau khi đã học được bài học số 1. Đó là tôi bắt đầu nghiến răng khi làm việc, uống quá nhiều cà phê và vô thức trút sự thất vọng, bực bội của mình lên những đồng nghiệp vô tội.
May mắn thay, tôi đã nhận ra những điều đó nhờ vào một người đồng nghiệp cùng "phe" không ưa sếp. Cậu ấy đã nói chuyện và cho tôi những lời khuyên sau khi đùa rằng thậm chí đã nghe thấy tiếng tôi nghiến răng từ bên kia phòng.
Theo lời khuyên của người đồng nghiệp, tôi tìm đến lớp học boxing và thật sự đó là một quyết định đúng đắn. Tôi đến lớp tập luyện định kỳ trong tuần và giải tỏa mọi cảm xúc phiền muộn của mình ở đó.
Chỉ sau một thời gian, tôi thậm chí đã rất ngạc nhiên với những thay đổi trong mình. Không chỉ hình thể được cải thiện, tôi còn cảm thấy những cuộc đụng độ với vị sếp kia không còn khiến bản thân khó chịu như trước nữa. Tất nhiên, tôi vẫn không yêu quý hay vui vẻ gì nhưng sự khó chịu trong mình sẽ biến mất rất nhanh.
Nếu bạn muốn làm việc chung với người mà mình không ưa, dành ít nhất 8 tiếng mỗi ngày làm việc cùng họ, bạn thực sự cần cho mình một cách giải tỏa. Hãy chọn các bài tập thể dục và thực hiện đều đặn hàng tuần. Việc đổ mồ hôi sẽ giúp bạn cảm thấy mọi bực tức như đều tan biến hết.
Bài học số 3: Trở thành một nhà ngoại giao
Nếu bạn may mắn, hai bài học trên sẽ giúp bạn có thể "chung sống hòa bình" với vị sếp đáng ghét kia. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp, bạn buộc phải đối mặt với người mà bạn không muốn.
Điều này xảy ra khá với tôi thường xuyên, khi tôi làm việc trong một nhóm nhỏ và thường xuyên phải đối phó với người quản lý khó chịu kia. Cho đến một ngày, tôi nhận ra sự tuyệt vời của những nhà ngoại giao.
Ở công ty tôi, các văn phòng đều được trang bị TV để xem tin tức cả ngày. Một ngày nọ, tôi có xem một chương trình, trong đó hai nhà lãnh đạo của hai nước (họ không hề thích nhau) đang ngồi cùng nhau, cố gắng đi đến một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề khá nhạy cảm. Nhìn cách họ cư xử, tôi chợt nghĩ, vì sao họ làm được mà mình không làm được?
Vậy là tôi bắt đầu học cách cư xử như một nhà ngoại giao khi làm việc với những người mình không thực sự ưa. Hãy lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận hơn trước khi nói ra và tỏ ra thật chuyên nghiệp. Tin tôi đi, việc gặp phải những người sếp đáng ghét là điều bạn phải chấp nhận và học cách làm quen trong cuộc sống này. Vị sếp kia sẽ chẳng bao giờ biết được điều bạn thực sự muốn chỉ là "đá bay" anh ta ra khỏi công ty. Thay vào đó, anh ta sẽ nghĩ rằng bạn làm việc thật chuyên nghiệp và vô tình biết chơi đấm bốc.