Chắt bóp trăm đường mà ví vẫn "lép", tôi ngộ ra 3 sai lầm tưởng là tiết kiệm

Ngày 27/05/2020 19:00 PM (GMT+7)

Sau 1 năm sống khổ sở mà vẫn chẳng để ra thêm đồng nào, tôi ngộ ra tiết kiệm không phải ngừng chi tiêu mà là chi tiêu một cách hợp lý. Có những điều tôi tưởng là tiết kiệm song thực chất chúng lại đang ăn mòn dần ví tiền của tôi.

Cách đây 2 năm, khi chân ướt chân ráo bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi mạnh mẽ tuyên bố với chồng rằng từ nay mình sẽ học cách tiết kiệm. Một đêm miệt mài tra cứu trên google chưa đủ, tôi còn sưu tầm và in ra những câu nói hay để dán ngay trước bàn trang điểm với những mong đó sẽ là động lực để mình chi tiêu hợp lý.

Cuộc sống độc thân nhìn chung khá thoải mái nên tôi ít khi để ý tới chuyện tiền nong. Giờ đã có gia đình riêng, tôi nghĩ mình cần phải đi vào khuôn khổ với những kế hoạch tiết kiệm. Học từ sách báo, học từ bạn bè, cả những điều tự nghĩ ra, loanh quanh cũng chỉ vì một mục đích tiết kiệm. Thế nhưng sau 1 năm sống khổ sở mà vẫn chẳng để ra thêm đồng nào, tôi ngộ ra tiết kiệm không phải ngừng chi tiêu mà là chi tiêu một cách hợp lý. Có những điều tôi tưởng là tiết kiệm song thực chất chúng lại đang ăn mòn dần ví tiền của tôi.

Mua xe cũ

Chắt bóp trăm đường mà ví vẫn amp;#34;lépamp;#34;, tôi ngộ ra 3 sai lầm tưởng là tiết kiệm - 1

Trước đây tôi đi làm gần nhà nên vẫn thường hay đi bộ, khi nào đi chơi thì đi chung xe của mẹ. Kết hôn xong, nhà không còn gần công ty nên tôi quyết định mua một chiếc xe cũ để vừa đảm bảo nhu cầu đi lại mà không quá tốn tiền.

Vì là con gái, thích bánh bèo nên tôi chọn mua một chiếc xe ga cũ với giá 17 triệu. Chiếc xe trông rất thời trang, giá lại vừa tầm và tôi đã rất ưng ý vừa lòng với quyết định đúng đắn của mình. Thế nhưng đây cũng chính là sai lầm đầu tiên của tôi trong việc thắt chặt hầu bao.

Đó là một chiếc xe ga nguyên giá khá đắt, đã qua sử dụng 5 năm. Sau 1 tháng sử dụng, tôi đã hối hận vì quyết định của mình. Chiếc xe ga đó tuy nhìn có đẹp nhưng rất hay hỏng hóc vặt và đồ để thay thế thì không hề rẻ chút nào. Chưa kể chiếc xe đó tốn xăng như “uống”. Nếu như xe của chồng tôi 100km chỉ tốn khoảng 2 lít xăng thì chiếc xe cũ này “uống” những 4 lít.

Vậy là tiết kiệm hóa ra mua việc vào người. Sau một thời gian cố chịu, tôi đã nghe lời chồng bán chiếc xe đó đi để mua một chiếc xe mới khác thuộc tầm trung. Đúng như lời chồng tôi nói, xe cộ là thứ ta dùng đến mỗi ngày, đảm bảo sự an toàn của ta nên việc lựa chọn là điều rất quan trọng. Xe cũ không chỉ có nguy cơ hỏng hóc thường xuyên mà độ an toàn còn không được đảm bảo, tốn nhiên liệu…

Mua thêm hàng để được miễn phí vận chuyển

Chắt bóp trăm đường mà ví vẫn amp;#34;lépamp;#34;, tôi ngộ ra 3 sai lầm tưởng là tiết kiệm - 2

Từ ngày các ứng dụng mua sắm ra đời, tôi từ một đứa nói không với mua hàng online trở thành “tín đồ mua sắm”. Làm sao tôi có thể cầm lòng khi chỉ với một cú nhấp chuột, tất cả những gì tôi muốn sẽ hiện ra trước mắt. Thủ tục thanh toán nhanh chóng, hàng tháng đều có voucher miễn phí vận chuyển nên tội gì phải đội nắng đội mưa ra kia mua cho khổ.

Nghĩ vậy nên tôi chuyển gần như hoàn toàn sang việc mua sắm online. Mua mãi rồi thành quen, thấy cái gì hay hay trên mạng là tôi sẽ nhanh tay nhặt vào giỏ. Có lần là chiếc kẹp túi hay ho giúp những túi bimbim còn dở không bị ỉu, khi là chiếc móc dán siêu dính, khi là chiếc kẹp điện thoại hình chú khỉ xinh xinh…

Để đủ điều kiện được miễn phí vận chuyển, tôi phải mua thêm đồ. Vậy là vì tiếc khoảng 20.000 đồng, tôi mua về một đống những sản phẩm trông rất hay ho nhưng thú thật cả năm rồi vẫn chưa động đến. Chưa kể mỗi lần mua về tôi lại phải giấu chồng vì không muốn nghe anh cằn nhằn “toàn mua thứ linh tinh”.

Nên nhớ, các chương trình khuyến mại như voucher miễn phí vận chuyển hay giảm giá… được đưa ra đều nhằm kích thích tiêu dùng, tăng doanh thu và đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho. Bạn bị rơi vào “bẫy” chi tiêu, nhặt những món đồ hay hay và tặc lưỡi “cái này cũng rẻ mà” một cách không chần chừ.

Những món tiền tưởng nhỏ đó, khi cộng dồn vào cuối tháng sẽ thành con số không hề nhỏ. Một bài toán rất đơn giản bạn có thể nhẩm như sau. Nếu mỗi ngày chỉ cần bạn tiết kiệm thêm 10.000 đồng, sau 1 năm bạn sẽ có ngay 3.650.000 đồng, đủ tiền mua một bộ nồi chiên không dầu và lò vi sóng phục vụ việc bếp núc hay chuyến đi biển cho một người. Trước khi quyết định nhặt món hàng nào vào giỏ, hãy nghĩ xem mình sẽ dùng nó vào việc gì.

Tích tiểu thành đại, từ những món tiền nho nhỏ tiết kiệm qua những thứ chi tiêu hàng ngày sẽ có thể mang đến cho bạn con số dư bất ngờ. Đáng tiếc là không phải thói quen tiết kiệm nào cũng thật sự hiệu quả, thậm chí chúng còn khiến bạn tốn tiền nhiều hơn.

“Đừng mua thứ hữu ích mà hãy mua thứ cần thiết”. Nhiều người cho rằng cứ tiêu ít đi, không sử dụng tiền nữa thì sẽ tiết kiệm tiền hiệu quả. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm đôi khi còn gây lãng phí hơn.

Không khám sức khỏe định kỳ

Chắt bóp trăm đường mà ví vẫn amp;#34;lépamp;#34;, tôi ngộ ra 3 sai lầm tưởng là tiết kiệm - 3

Khi còn trẻ, chúng ta thường ít khi quan tâm đến sức khỏe của mình dù có thấy một vài biểu hiện không được ổn. “Đang bình thường thì đi khám sức khỏe làm gì”, “Khám lại ra cả mớ bệnh vặt ý chứ”… Những suy nghĩ đó khiến những người trẻ như tôi và bạn thường coi khám sức khỏe định kỳ là điều gì đó rất xa vời, không dành cho mình.

Tôi tự cho rằng mình đã tiết kiệm được khoản tiền kha khá khi không chi tiền cho những buổi khám sức khỏe định kỳ. Mỗi khi đau răng quá, tôi sẽ mua vài viên thuốc uống cho quên đi rồi mọi thứ lại bình thường và nghĩ rằng cơ thể mình vẫn đang ổn.

Cho đến một ngày không thể chịu được cơn đau răng khiến cả đêm phải thức trắng, tôi mới đến phòng khám theo yêu cầu của chồng. Kết quả là chiếc răng số 8 của tôi bị mọc lệch, đâm hỏng răng số 7 và răng số 7 bị sâu hết cả chân. Tôi đã phải nhổ chiếc răng số 7 vì sâu, số 8 vì mọc lệch và trồng răng mới. Nếu như quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, tôi sẽ chỉ cần hàn chiếc răng mới sâu hay xử lý chiếc răng mọc lệch khi chưa muộn.

Thăm khám sức khỏe định kỳ là một khoản đầu tư cần thiết và có thể giúp bạn tiết kiệm được chi phí trong tương lai. Trong trường hợp không may mắc phải bệnh nào đó, việc phát hiện sớm sẽ giúp bạn dễ chữa trị hơn, bớt được nhiều tiền để chữa trị khi đã quá nặng.

1 tháng ghi chép chi tiêu và bài học thấm thía tôi ước mình nhận ra sớm hơn 
"Tránh theo dõi tài khoản giống như tránh đến gặp bác sĩ khi bạn biết cơ thể mình có gì đó không ổn", đó chính là tôi của những ngày trước đây. Tôi tự...
Theo Bảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu