Bất kể khoản chi nhỏ nào cũng sẽ trở thành một khoản chi lớn khi cộng dồn theo thời gian. "Vấn đề với tiết kiệm không phải là thu nhập quá ít, mà là chi tiêu quá nhiều!”.
Mỗi khi nhìn vào tài khoản, ví của mình mỗi cuối tháng, nhiều người không khỏi thắc mắc: “Mình đồ xa xỉ thì không mua, mỹ phẩm chỉ vài loại phổ biến, thu nhập thì không đến nỗi nào mà tiền cứ đi đâu hết”.
Tiền có bốc hơi không? Chắc chắn là không rồi. Hãy thử xem, trên bàn làm việc của bạn có ly cà phê, trà sữa nào không nhé!
Rất nhiều người trong số chúng ta có thói quen sử dụng cà phê, trà sữa hay các loại thức uống khác hàng ngày. Có người uống để tỉnh táo, người khác uống khi thấy “nhạt mồm nhạt miệng”, có người đơn giản là vì thích và vì “chẳng đáng là bao”.
Tính trung bình một cốc trà sữa hay cà phê có giá khoảng 30.000 đồng, mỗi ngày một cốc đều đặn, 1 tháng bạn sẽ tốn khoảng 900.000 đồng và tiêu mất 10.950.000 đồng sau 1 năm. Con số không hề nhỏ phải không.
Với khoản tiền 10,95 triệu mỗi năm đó, nếu đều đặn gửi ngân hàng với lãi suất tạm tính 7%/năm, sau 5 năm số tiền bạn sẽ có là bao nhiêu? Con số này chắc chắn sẽ làm nhiều người phải tiếp tục ngạc nhiên. Đó chính là 62,97 triệu đồng, số tiền có thể mua được 2 chiếc xe máy hay trả 2 năm tiền thuê nhà.
Nếu cả bạn và chồng/vợ của mình đều có thói quen đó, chỉ một cốc trà sữa/cà phê mỗi ngày là hai bạn đã “uống” hết 4 chiếc xe máy.
Mỗi người trong chúng ta đều có một số chi phí theo thói quen không thể thiếu hàng ngày, chẳng hạn một cốc cà phê khởi đầu ngày mới, cốc trà sữa ngọt dịu cho buổi chiều hay đồ ăn nhẹ... Những khoản chi này được gọi là “The Latte Factor”, có vẻ như là số tiền nhỏ và thường bị chúng ta bỏ qua. Nhưng đó chính là cái bẫy mà các doanh nghiệp dang dùng để nhắm đến chúng ta, sức mạnh của những khoản chi tiêu nhỏ nhưng thường xuyên.
“Latte Factor” giống như một tên trộm, vô tình làm trống túi tiền của bạn. Đó là lý do bạn thấy mình kiếm được không ít nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thốn, không biết tiền của mình đi đâu.
1. Bạn không kiếm được quá ít mà là chi tiêu quá nhiều
Khái niệm "Latte factor" lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà tư vấn tài chính người Mỹ David Bach. Thuật ngữ này được ông đưa ra bắt nguồn từ một câu chuyện khi ông quan sát cuộc sống hàng ngày của một cặp vợ chồng và nhận thấy rằng họ đều uống một tách cà phê mỗi sáng.
Một tách cà phê có vẻ là một khoản chi phí nhỏ, nhưng nếu đặt bút tính toán, trong 30 năm, số tiền mà họ đã chi cho thức uống đó quy đổi theo tiền Việt là hơn 2 tỷ đồng.
Có lẽ, với nhiều người, một ly trà sữa, một tách cà phê hay một hộp kẹo hay hay ở gần quầy thanh toán có giá chẳng đáng là bao và hoàn toàn trong khả năng chi trả của mình song với những khoản chi thường xuyên như vậy, khi được tích lũy theo thời gian, sẽ trở thành một số tiền lớn mà ngay cả bạn cũng không ngờ tới.
Bạn thường làm gì sau khi lấy lương? Rủ vài người bạn thân thiết làm một bữa lẩu nướng, chi tiền cho thói quen uống trà sữa mỗi chiều, mua tài khoản trên một số trang web để có thể xem phim chất lượng cao… Tất cả, tất cả chỉ là những khoản tiền nhỏ, không gây áp lực gì với chúng ta khi tiêu, khiến chúng ta nghĩ rằng chúng sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến việc tiết kiệm.
Vậy tiền của bạn đi đâu? Hãy thử một ngày ghi lại tất cả các khoản chi, bạn sẽ phát hiện ra những “Latte Factor” mà mình không bao giờ để ý đến. Nó thực sự đã vô tình tiêu tốn thu nhập của bạn.
Bất kể khoản chi nhỏ nào cũng sẽ trở thành một khoản chi lớn khi cộng dồn theo thời gian. David Bach đã nói ra sự thật này một cách sắc bén:
"Vấn đề với tiết kiệm không phải là thu nhập quá ít, mà là chi tiêu quá nhiều!”.
2. Chỉ bằng cách sống trong khả năng của mình, bạn mới có thể sống tự do
Trên thực tế, nhiều người không phải không biết đến sự tồn tại của “Latte Factor” nhưng họ không thể tìm ra cách để từ bỏ. Chẳng lẽ có khoản tiền nhỏ đó mà không dám chi sao, vài đồng thế này, đáng gì mà tiết kiệm.
Tuy nhiên con số tính toán “uống” 2 chiếc xe máy sau 5 năm chỉ từ 1 cốc trà sữa mỗi ngày đã cho bạn thấy được lợi ích của việc tiết kiệm. Tiết kiệm từ một số tiền nhỏ mỗi ngày, bạn có thể có được khoản kha khá, giúp bạn thực hiện nhiều kế hoạch vào thời điểm quan trọng.
Bên cạnh đó, tiết kiệm còn là cách để bạn thay đổi cuộc sống. Chúng ta nhìn vào tấm gương các tỷ phú, triệu phú và muốn có được cuộc sống như họ. Bạn có biết bước đầu tiên để học hỏi từ những người giàu có này là gì không? Đó chính là tiết kiệm tiền.
Những tỷ phú, triệu phú tự thân bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, lập nghiệp với những tháng ngày đầu vô cùng khó khăn và tiết kiệm luôn là điều họ nhớ sâu sắc. Muốn làm bất cứ việc gì, bạn cũng cần phải có một số vốn nhất định.
Hãy nhớ rằng, tiết kiệm sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Bao nhiêu số 0 đằng sau trong tài khoản tiết kiệm là phụ thuộc vào chính bạn.
3. Không bị ham muốn dẫn dắt là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống
Nếu chúng ta cho phép mình thỏa mãn "Latte factor", hậu quả sẽ là cuộc sống của chúng ta luôn bị dẫn dắt bởi những ham muốn.
Đi dạo phố, thấy cái váy kia đẹp đẹp là mua, đôi giày nọ trông cũng hợp là vào thử… chúng ta xách rất nhiều thứ về nhà mà không chắc rằng mình sẽ sử dụng nó.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ dần rơi vào mất kiểm soát bản thân, giao quyền chủ động trong cuộc sống cho những mong muốn và cảm xúc của mình. Những người thực sự trưởng thành sẽ không bị ham muốn của mình dẫn dắt
Có câu nói rằng, quản lý tài chính chính là quản lý cuộc sống. Người có thể kiếm tiền và chi tiêu hợp lý có thể giảm được 80% những rắc rối trong cuộc sống.