Các mối quan hệ nơi công sở, với cấp trên hay đồng nghiệp, đòi hỏi sự khéo léo và cứng rắn trong một số trường hợp. Có những điều bạn đặc biệt không nên nhân nhượng nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Theo thống kê, chúng ta thường thay đổi công việc sau khoảng 4 năm 2 tháng. Có những sự thay đổi thực sự cần thiết, khi chúng ta nhận ra điều mình thực sự thích hay thay đổi là điều tốt cho sự thăng tiến. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những sự thay đổi thực chất là chúng ta đang né tránh vấn đề không giải quyết được ở công ty cũ.
Sự nghiệp không phải điều duy nhất trong cuộc sống song nó thực sự quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Các mối quan hệ nơi công sở, với cấp trên hay đồng nghiệp, đòi hỏi sự khéo léo và cứng rắn trong một số trường hợp. Có những điều bạn đặc biệt không nên nhân nhượng nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
1. Thảo luận về lương với cấp trên
Nếu bạn đang làm việc trong một môi trường mà mọi người coi rằng việc thảo luận về mức lương là điều không nên hay bất lịch sự thì đó chính là dấu hiệu cảnh báo cho công việc của bạn. Và nếu họ cố gắng làm cho bạn cảm thấy tội lỗi vì việc đấu tranh cho lợi ích tài chính cá nhân, bạn nên biết rằng xây dựng sự nghiệp thành công ở công ty này sẽ là hết sức khó khăn.
Đừng ngần ngại thảo luận về mức lương của bạn với cấp trên và yêu cầu tăng lương nếu bạn xứng đáng. Đó có thể là những lý do như: bạn đảm nhiệm công việc nhiều hơn, khó hơn người khác, bạn giúp đưa nhiều hợp đồng về cho công ty hơn 50% so với đồng nghiệp... Hành động rõ ràng rong việc này không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi khó khăn tài chính mà còn tránh xa một trong những nguyên nhân gây căng thẳng nơi công sở.
2. Không có các chi phí phát sinh cho công việc
Công sở là nơi bạn làm việc để có được khoản thu, không phải là nơi bạn chi tiền cho những việc vốn là của công ty. Nếu bạn thường xuyên phải chi các khoản tiền để phục vụ công việc của công ty mà không được thanh toán bù, đó không phải là một nơi tốt để bạn phát triển sự nghiệp.
Ngay cả khi đó là một khoản tiền nhỏ, bạn cũng không nên thoả hiệp. Nhiều nhân viên phải bỏ tiền túi ra để mua các vật dụng văn phòng tối thiểu hay gọi điện cho khách hàng, thậm chí là tự mua giấy vệ sinh. Đây là những điều bạn không nên chấp nhận và sẽ tốt hơn khi bạn tự cho bản thân một cơ hội được làm việc ở nơi khác tốt hơn.
3. Phải nhận trách nhiệm không phải của mình
Một buổi sáng thứ Hai đẹp trời, bạn đến công ty và ngay khi vừa mở mail, trước mắt bạn là một tin nhắn đầy giận dữ của sếp. Ông ấy nói rằng lẽ ra bạn đã phải tính toán xong chi phí cho một dự án cụ thể vào lúc 6 giờ tối thứ Sáu tuần trước. Mặc dù bạn chắc chắn rằng mình không hề được giao nhiệm vụ này trước đó song mọi nỗ lực giải thích đều không được chấp nhận. Đây là một trong những tình huống bạn nên nghĩ đến việc thay đổi công việc cho mình.
Công sở là nơi làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi bạn sẵn sàng nhận trách nhiệm và sửa sai song không có nghĩa rằng bạn phải nhận cả những việc mình không làm. Nếu cấp trên của bạn bắt đầu đổ lỗi cho bạn vì không hoàn thành các nhiệm vụ mà bạn không hề được giao hay làm những việc không liên quan, hãy thể hiện rõ quan điểm để tìm ra hướng đi phù hợp với mình.
4. Bản thân như "người vô hình"
Đó là khi những ý kiến, câu hỏi của bạn luôn bị phớt lờ. Bạn đang trong một buổi họp nhóm hay chat nhóm, những câu hỏi của bạn đều bị bỏ qua, bạn cảm thấy mình như "người vô hình".
Đây là một cách hành xử rất thiếu chuyên nghiệp, mất lịch sự. Khi công sở có sự thiếu tôn trọng nhân viên như vậy, sẽ rất khó để bạn phát triển được mình.
Nếu những câu hỏi hay những yêu cầu của bạn liên tục bị phớt lờ, đừng ngại thẳng thắn nói chuyện với cấp trên hoặc bộ phận có liên quan.
5. Cấp trên "hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều"
Tình trạng này phổ biến ở khá nhiều công ty, khi cấp trên luôn đưa ra những lời hứa hẹn về tăng lương, thăng chức hay cải thiện nơi làm việc, các khoá đào tạo nâng cao nghiệp vụ song đó chỉ là những lời hứa suông để bạn tiếp tục cống hiến cho họ.
Nếu cấp trên của bạn đưa ra lời hứa hẹn kèm với mốc thời gian cụ thể, khả năng họ thực hiện sẽ cao hơn. Ví dụ đó có thể là lời hứa tăng lương sau khi bạn hoàn thành một dự án "khó nhằn", khi năng lực của bạn được chứng minh.
6. Những quy định bất hợp lý tại công ty
Một số công ty có những quy tắc bất thành văn mà bạn sẽ phải tuân thủ như không tranh luận với sếp, không có ý kiến riêng, hoặc không nghỉ ốm trong một số ngày nhất định. Những luật lệ này sẽ khiến bạn lo lắng khá nhiều và ảnh hưởng đến việc phát triển sự nghiệp của bạn nếu bạn phá vỡ những luật lệ đó.
Nếu công ty có một danh sách các quy tắc mâu thuẫn với luật pháp, bạn nên suy nghĩ thật kỹ và sẽ rất khó khăn nếu bạn thực sự cần một công việc như vậy.
7. Công ty phân biệt giới tính
Dù xã hội ngày nay đã phát triển nhiều song không may, vấn đề phân biệt giới tính vẫn xuất hiện ở rất nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Đó có thể là việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc, những câu chuyện khiếm nhã hay lời nhận xét rằng phụ nữ không thông minh bằng đàn ông, miệt thị ngoại hình hay thậm chí là khác biệt về tiền lương giữa nhân viên nam và nữ.
Bất kỳ sự phân biệt đối xử về giới tính nào sẽ gây ra tình trạng căng thẳng và có ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của nhân viên. Điều bạn cần làm là tự bảo vệ chính mình trước khi bị rơi vào tình trạng đó.
Ngay cả khi may mắn làm việc trong một môi trường công sở dễ chịu và hòa đồng, bạn vẫn cần để tâm đến những nguyên tắc “không nhân nhượng” trên để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu chấp nhận những điều này một cách dễ dàng, bạn không những khó phát triển sự nghiệp thành công mà còn có xu hướng bị lấn áp và lợi dụng đấy!