Nếu hỏi cơm hay phở ngon hơn? Hẳn các đức ông chồng ông nào cũng mặt mày hớn hở mà kêu: chắc chắn là phở ngon hơn. Ừ, thì phở nước ngon hơn, dài hơn, dễ ăn hơn, rồi nhất là lại được bưng tới tận miệng, chỉ việc ngồi rung đùi mà ăn. Ăn xong vẫn quần áo là lượt ra về thì hẳn ông nào chả thích?
Còn muốn ăn cơm thì phải lăn cùng vào bếp, nếu không cũng phải làm chân lăng xăng bên ngoài, thậm chí có khi vừa ăn vừa bị mắng, vừa bị càu nhàu, vừa bị tra khảo tiền lương, vừa bị hỏi đi đâu làm gì, với ai…? Ăn được bát cơm mà nghẹn nguyên trong cổ. Còn phở nuốt tới đâu là trôi tới đó. Hẳn phở khi nào cũng hấp dẫn hơn cơm như thế rồi.
Nhưng nói gì thì cũng cần phải có đầu có đuôi. Đàn ông thì cũng như đàn bà, mẹ nào cũng nói, mẹ nuôi mày lớn lên bằng cơm bằng gạo chứ có ai nói mẹ nuôi mày lớn lên bằng bún bằng phở đâu? Vậy là từ tấm bé, đàn ông cũng như đàn bà đều được dạy rằng: ta lớn lên chính là nhờ cơm nhờ gạo của cha của mẹ, từ những vất vả tảo tần của người làm ra thứ đó. Rồi từ hạt gạo mà làm ra bún ra phở.
Trên đời này, cái gì sinh ra đều có nguyên do của nó, và đều được đặt đúng vị trí của nó cả rồi. (Ảnh minh họa)
Thỉnh thoảng được mẹ đổi món thay cơm bằng bún hay phở, mẹ bảo cho lạ miệng thôi. Cái này ăn một hai bữa, chứ ăn làm sao được mãi. Bé chả hiểu đâu, chỉ thấy ăn bún, ăn phở ngon. Nên thỉnh thoảng lại đòi mẹ được đổi món. Nhưng quả thật nếu mẹ mà cho ăn riết thì có khi lại quay ra oai oái đòi cơm.
Lớn lên rồi tìm vợ, tìm người yêu, mẹ dặn. Nếu lấy vợ phải lấy người biết nữ công gia chánh, nếu không ít nhất cũng phải biết nấu cơm cho chồng cho con. Chứ có bà mẹ chồng nào bảo phải lấy được cô biết nấu phở thật ngon đâu. Tất nhiên, nếu vợ khéo thì phở nấu cũng sẽ ngon, cơm canh cũng sẽ ngọt!
Thế nên mới có chuyện, mấy anh còn độc thân khi trẻ thì không sao, chứ độc thân khi xấp xỉ xế chiều thì hãi lắm. Mà hãi nhất là cái cảnh cơm đường cháo chợ. Và khi ấy có được ăn phở suốt ngày cũng chẳng ham, có khi mời đi ăn cũng chả muốn. Chỉ thèm được ăn cơm vợ nấu, đêm đêm ôm cơm ngắn đi ngủ, nhưng chắc chắn, ấm áp và bình yên.
Chứ phở dài thì dài đấy, ôm thì ôm đấy, nhưng sáng mai ra phở lại là của người ta, ôm cũng chỉ là ôm thế thôi. Thế nên người ta có thể ăn cơm cả đời chứ ít ai có thể ăn phở cả đời theo cả cái nghĩa đen và nghĩa bóng lắm. Và cũng đồng nghĩa với việc ngồi ở nhà, nằm ở nhà, chơi ở nhà cả đời được chứ mấy ai la cà vạ vật mãi ở quán xá, nhà nghỉ hay khách sạn cả đời được đâu?
Tất nhiên đàn bà chả phải là một món ăn mà bảo ăn hay không ăn, ngon hay không ngon. Nhưng vì thiên hạ mặc nhiên coi cơm là vợ, phở là tình nhân nên cũng từ đó mà ta suy ra, ngẫm ra nó là như thế mà thôi.
Lại nói thêm nữa về cơm và phở. Khi đói được ăn bát cơm thì thấy chắc dạ lắm. Chứ khi đói mà ăn bát phở vẫn cứ thấy nó sao sao ấy. Cái cảm giác đoi đói thèm thèm vẫn cứ hạnh hạ làm sao ấy! Có lẽ vì được nuôi lớn từ tấm bé, được dạy ăn cơm từ bé nên thật ra là nghiện cơm mà không hay. Lâu mà không được ăn cơm thì thấy ăn cái gì cũng không bằng cơm.
Tôi có một anh bạn thân. Trong một đợt đi công tác khá dài, vì một số lí do mà gần như cả tuần anh ấy không được ăn một bữa cơm nào cho ra hồn. Và thế là anh ấy bảo rằng: Tài thật, khi ấy, tớ ăn phở no nê nhưng vẫn thấy thèm cơm, ăn bún no căng nhưng vẫn thèm cơm, ăn đủ các sơn hào hải vị chán chê nhưng vẫn thèm cơm. Thậm chí, ngay cả khi uống bia uống rượu say mèm mà trong cơn say vẫn nhớ là mình thèm cơm… cái cảm giác thèm đó hành hạ anh ta tới khổ.
Thế đấy, lâu mà không được ăn cơm thì cái cảm giác thèm thuồng cơm nó mới mãnh liệt tới mức nào. Cho nên ngay khi đợt công tác kết thúc là anh ấy phải lao ngay về nhà để được vợ nấu cho một bữa cơm như ước muốn. Và tất nhiên, anh ấy ăn cơm cả tối hôm ấy và cả đêm hôm ấy nữa…
Cho nên bỏ phở được chứ mấy đời ai có thể bỏ cơm. Từ đó mà suy ra, tình nhân thì chỉ có thể là tình nhân. Muôn đời chỉ là tình nhân chứ chả có cái tên gọi nào khác. Chỉ có vợ mới có thể gọi là: vợ của anh, mẹ của các con anh, thậm chí là cả tình nhân của anh nữa. Thế nên, trên đời này, cái gì sinh ra đều có nguyên do của nó, và đều được đặt đúng vị trí của nó cả rồi.